"Cây đại thụ" ở bản làng
(ĐCSVN)- Những" cây đại thụ" ở bản làng là cái tên trìu mến mà người dân thường đặt cho những người có uy tín trong cộng đồng. Thực tế chúng ta đã biết họ thực sự là người gương mẫu, đi đầu, tâm huyết, trách nhiệm với cộng đồng dân cư trong mọi mặt đời sống. Họ đang làm vai trò cầu nối, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bằng sự đóng góp của cá nhân người có uy tín có thể thay đổi diện mạo, đời sống của cả một thôn bản. Nói như thế để thấy được vai trò quan trọng của họ trong cộng đồng hiện nay. Sau tất cả những điều họ làm cho dân bản, điềumà họ nhận được chính là sự tin tưởng, kính trọng của bà con, đó là điều hạnh phúc nhất.
Thôn 1, xã Đường Hoa, huyện Hải Hà có 176 hộ dân với 725 nhân khẩu, tất cả là đồng bào dân tộc Dao. Đây là thôn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhưng đến nay cả thôn không còn hộ nghèo, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Năm 2019, thôn đã thoát ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và hiện đang tập trung xây dựng Nông thôn mới. Anh Tằng Dảu Quay, nguyên là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 1. Anh Quay năm nay 31 tuổi, nhưng đã có 7 năm làm cán bộ thôn và là người có uy tín tại địa phương. Dù còn rất trẻ, nhưng anh Quay đã làm được rất nhiều việc đóng góp cho sự phát triển vượt bậc của thôn. Với vai trò là người có uy tín, anh Quay luôn suy nghĩ phải làm sao để người dân trong thôn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Muốn người dân trong thôn làm theo, trước tiên bản thân phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, anh Quay bắt tay vào làm kinh tế từ chính mô hình vườn đồi của gia đình. Là người đi nhiều, biết nhiều, anh Quay thấy đất đồi rất phù hợp với cây keo, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư trồng trước và cho thu nhập cao. Mỗi ha cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Anh cho biết: Được bà con trong thôn bầu là người có uy tín, trong lòng tôi cũng rất trăn trở làm thế nào để tuyên truyền tốt đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như làm kinh tế để bà con làm theo. Đồng bào dân tộc thiểu số phải nhìn thấy làm được tốt, người ta mới dám làm. Bản thân tôi cũng rất trăn trở về công tác tuyên truyền cho các hộ trong bản để phát triển kinh tế nên gia đình tôi đã mạnh dạn làm trước và đầu tư trồng cây keo.
Anh Quay bắt tay vào làm kinh tế từ chính mô hình vườn đồi của gia đình |
Từ kinh nghiệm trồng rừng của gia đình, anh đã chia sẻ với bà con trong thôn để mọi người cùng nhau phát triển kinh tế. Hiện nay, hầu hết các hộ gia đình ở thôn 1 đều trồng keo. Hộ ít cũng trồng 1-2 ha, hộ nhiều thì 5-6 ha và trên thực tế, nhiều hộ đã thoát nghèo bằng mô hình trồng keo của gia đình không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Gia đình chị Dường Thị Thúy, thôn 1, xã Đường Hoa là một tiêu biểu. Trước đây gia đình gặp nhiều khó khăn. Từ khi được anh Quay tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm trồng rừng gia đình chị Thúy đã mạnh dạn đầu tư trồng 6 ha keo, cùng với sự nỗ lực của bản thân, rừng keo không phụ công người đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Từ một hộ nghèo, gia đình chị Thúy đã trở thành hộ có cuộc sống khấm khá trong thôn, chị nói: Anh Quảy trước là thôn trưởng và cũng là người có uy tín, anh đã hướng dẫn cho dân làm ăn và phát triển kinh tế. Gia đình tôi nghe lời anh Quảy đến nay cũng trồng được vài ha keo nâng cao đời sống và cũng khá hơn trước đây.
Người uy tín luôn nhiệt tình hướng dân bà con trong thôn bản cùng nhau phát triển kinh tế |
Ông Dường Chống Sỏi, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 1, xã Đường Hoa, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Anh Tằng Dảu Quay là người uy tín cũng giúp được bà con trong thôn bản về phát triển kinh tế rất tốt, ngoài ra anh Quay còn tuyên truyền cho bà con về cách ăn ở và sinh sống, xóa bỏ những tập tục lạc hậu. Đội ngũ người có uy tín như anh Quảy luôn phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm, được Nhân dân và chính quyền địa phương đánh giá cao. Đặc biệt, người có uy tín đã tham gia rất hiệu quả vào quá trình vận động người dân đoàn kết, thực hiện chính sách dân tộc...