Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số

Thứ Tư, 19/04/2023 15:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đến nay, các bộ đã công khai, cập nhật 17.830 quy định hiện hành, 149 quy định dự kiến ban hành và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Đây là thông tin được nêu trong báo cáo chuyên đề cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp của Văn phòng Chính phủ. 

Ảnh minh họa 

Theo báo cáo, các quy định kinh doanh được thống kê, hệ thống hóa tập trung trên môi trường điện tử, tạo lập cơ sở dữ liệu quản lý quy định kinh doanh để hỗ trợ rà soát, phát hiện các quy định còn chồng chéo, qua đó đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa, đồng thời công khai các quy định kinh doanh phục vụ người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm kiếm thông tin. Đến nay, các bộ đã công khai, cập nhật 17.830 quy định hiện hành, 149 quy định dự kiến ban hành và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. 

Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã tích cực triển khai việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.099 quy định của 10 bộ, cơ quan, theo đó phải sửa đổi, bổ sung 197 văn bản QPPL4 để thực thi, trong đó, các bộ đã thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 395 quy định kinh doanh tại 54 văn bản QPPL. Một số Bộ, cơ quan thực hiện tốt việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh như: Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thông tin và Truyền thông... 

Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong quá trình cải cách các quy định kinh doanh thông qua việc thiết lập kênh tương tác 2 chiều với cơ quan nhà nước trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp góp ý các quy định kinh doanh dự kiến ban hành, theo dõi việc giải trình, tiếp thu ý kiến của bộ, ngành. Đồng thời, tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về quy định kinh doanh hiện hành, hỗ trợ tổng hợp, phân tích dữ liệu phản ánh, kiến nghị, giúp phát hiện vấn đề còn tồn tại, bất cập để có phương án giải quyết xử lý, khơi thông, bãi bỏ các quy định là rào cản hạn chế hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến nay, đã có 153 quy đinh kinh doanh dự kiến ban hành tại 29 dự thảo văn bản QPPL và 50 phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh được tham vấn người dân, doanh nghiệp trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Hơn 30 Hiệp hội doanh nghiệp đã đăng ký tài khoản, gửi ý kiến góp ý đối với các dự thảo văn bản QPPL, phương án cắt giảm, đơn giản hóa và gửi vướng mắc, đề xuất về quy định kinh doanh tới các bộ, ngành. Một số bộ tích cực tham vấn trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh như Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… 

Việc quản lý, theo dõi quá trình thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa được đưa lên môi trường điện tử giúp các bộ, cơ quan và người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá nỗ lực cải cách quy định của từng bộ, ngành theo thời gian thực, dựa trên dữ liệu trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, tăng cường tính công khai, minh bạch, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã phát huy vai trò là “cầu nối” giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với người dân, doanh nghiệp thông qua việc lắng nghe, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, TTHC. Một số báo cáo của Hội đồng xây dựng với nhiều đề xuất, kiến nghị, giải pháp được đánh gia cao, giúp các bộ, ngành, địa phương tham khảo, nghiên cứu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh./.

 
TG

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN