Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo: Sẵn sàng hòa mình vào huyết mạch giao thông
(ĐCSVN) – Sáng tạo trong mô hình huy động vốn, vượt nhiều khó khăn từ dịch bệnh COVID-19, nguyên vật liệu, địa chất phức tạp…, khối lượng công việc “khổng lồ” tại dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã được hoàn thành 99% để sẵn sàng hoà mình vào huyết mạch giao thông Bắc – Nam.
Theo báo cáo của Công ty CP cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo (DNDA), giá trị sản lượng thực hiện tính đến ngày 28/3 đạt 99%, giá trị giải ngân đạt 91%. Công tác nghiệm thu các gói thầu đã hoàn thành từ ngày 25/3/2024. Theo kế hoạch, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước sẽ kiểm tra dự án trong khoảng thời gian từ 6 – 10/4/2024. Các công việc thi công tại một số hạng mục còn lại như: phòng cháy chữa cháy, hệ thống điện chiếu sáng, vệ sinh công trình, công tác thanh thải… sẽ được hoàn thành muộn nhất vào ngày 5/4/2024.
Liên quan đến thanh quyết toán, hiện nay DNDA đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ cho các công việc phát sinh từ xử lý địa chất yếu khi làm hầm, nền đất yếu khi làm đường. Để chuẩn bị cho giai đoạn khai thác công trình sắp tới, DNDA đã làm việc các nhà đầu tư trong liên danh để thống nhất phạm vi các phân đoạn do mỗi đơn vị quản lý, vận hành, bảo trì. Bên cạnh đó, các thủ tục pháp lý và công tác tuyển dụng, huy động nhân sự vận hành cũng đang được tập trung triển khai.
Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng chiều dài 78,5 km với điểm đầu tại Km54+00, thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà; điểm cuối tại Km 134+00, thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. |
Thời điểm hợp đồng được ký vào tháng 7/2021, dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo là dự án cuối cùng trong 3 dự án PPP thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 ký kết hợp đồng BOT, nhưng đồng thời là dự án đầu tiên hoàn thành việc thu xếp vốn bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác để triển khai thi công. Khi đó, 2 dự án PPP còn lại đang “chênh vênh” bởi nguy cơ “tắc” vốn tín dụng.
Bên cạnh việc nghiên cứu, lựa chọn phương án để tiết giảm 891 tỷ đồng, tương đương gần 10% tổng mức đầu tư dự án, nhà đầu tư đã sáng tạo mô hình huy động vốn “3P+” để đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư vào dự án, giảm sự phụ thuộc vào vốn tín dụng. Trong chuyến thị sát công trường cao tốc Bắc – Nam xuyên Tết Nguyên đán 2022 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khi dừng chân tại Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Thủ tướng đã ghi nhận và biểu dương nhà đầu tư khi giải được “bài toán” đa dạng hoá nguồn vốn.
“Tại dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh hảo, nhà đầu tư có 4 nguồn huy động vốn tín dụng và đã huy động thành công, trong khi 2 dự án PPP còn lại chưa có vốn tín dụng, chưa có phương án đa dạng hoá nguồn vốn nên nhà đầu tư gặp khó khăn. Qua đây để thấy bài học kinh nghiệm là phải đa dạng hoá nguồn vốn để triển khai đầu tư”, Thủ tướng nói.
Ngay từ khi tham gia đấu thầu dự án, nhà đầu tư đứng đầu liên danh đã quan tâm khảo sát lựa chọn các mỏ vật liệu đảm bảo chất lượng, mục tiêu không để tổng mức đầu tư dự án bị tăng lên bởi những khó khăn về nguyên vật liệu. Bắt tay vào thi công đúng giai đoạn khó khăn bủa vây từ vật liệu vừa khan hiếm vừa “bão giá”, đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh khiến dự án phải lùi lịch khởi công 2 tháng và công tác vận chuyển, đi lại bị hạn chế, DNDA đã chủ động điều động nhân lực, máy móc thiết bị để ưu tiên tổ chức thi công hầm, tận dụng đá đào hầm đáp ứng tiêu chuẩn để xử lý phục vụ thi công một số hạng mục khác.
Quá trình thực hiện dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo phải đối mặt với cả vấn đề địa chất yếu tại phía Nam hầm Núi Vung khi không được đơn vị tư vấn dự báo trong thiết kế kỹ thuật, dẫn đến giảm 2/3 tốc độ đào hầm. Đứng trước nguy cơ chậm tiến độ dự án, DNDA nhiều lần báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị điều chỉnh hồ sơ thiết kế phù hợp với điều kiện địa chất thực tế, mời đại diện Hội đồng Kiểm tra Nhà nước, Ban Quản lý dự án 85, thiết kế kỹ thuật, các chuyên gia tham gia đánh giá và tìm giải pháp xử lý.
Ông Đặng Tiến Thắng – Phó Giám đốc DNDA cho hay, nhà đầu tư Đèo Cả đã nghiên cứu áp dụng phương pháp đào gương hầm nửa trên, đồng thời kết hợp làm vòm ngược, chống tạm kết cấu trong khi thi công, kiểm soát biến dạng 2 giờ/lần đo, thi công 24/7. Đơn vị này cũng tăng cường tổ chức các mũi thi công ở phía Bắc hầm để bù tiến độ.
Ông Nguyễn Thanh Hoài – Giám đốc Ban QLDA 85 đánh giá cao nhà đầu tư có năng lực, tiềm lực tài chính tốt, có kinh nghiệm thực hiện thành công nhiều dự án phức tạp trước đây. Do đó, dự án được thu xếp vốn rất nhanh, khối lượng công việc khổng lồ với nhiều khó khăn nhưng nhà đầu tư đều ứng phó được. Ở Cam Lâm – Vĩnh Hảo có sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, sự phối hợp sát sao của địa phương và các đơn vị liên quan, cùng với DNDA có tinh thần quyết tâm cao, làm việc bài bản, lao động sáng tạo, đặc biệt “rất trọng lời hứa” để hoàn thành dự án đúng hẹn.
“Có một điều đặc biệt đáng ghi nhận đó là những lãnh đạo đứng đầu của các doanh nghiệp đầu tư, mặc dù quản trị doanh nghiệp lớn nhưng rất sát sao những công việc cụ thể, thường xuyên có mặt tại công trường để chỉ đạo điều hành và trao đổi phối hợp với các bên liên quan, kịp thời đôn đốc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho dự án”, ông Nguyễn Thanh Hoài chia sẻ.
Dự kiến, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ khánh thành, chính thức được đưa vào quản lý, vận hành trong nửa sau của tháng 4/2024 |
Đứng trước mỗi khó khăn, liên danh nhà đầu tư từng bước khắc phục, quyết không để dự án bị “gián đoạn”. Vượt lên trên cả mục tiêu đơn thuần của doanh nghiệp là chỉ tập trung làm kinh tế, đại diện liên danh nhà đầu tư dự án chia sẻ: “Lợi nhuận không cao, chi phí thi công có thời điểm đội lên đến 40% do giá vật liệu tăng phi mã, nên doanh nghiệp phải dựa vào sản lượng, khấu hao thiết bị, lấy công làm lời, nhưng vẫn trên tinh thần chia sẻ đồng hành cùng Chính phủ trong mục tiêu hoàn thành mạng lưới đường cao tốc xuyên Việt”.
Là một trong các chuyên gia về kiểm toán theo sát tư vấn dự án này, ông Ngô Văn Quý – Nguyên Vụ trưởng Vụ Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV nhận định, việc tiết giảm tổng mức đầu tư, chủ động một phần nguồn nguyên vật liệu, khắc phục điều kiện thời tiết không ủng hộ thi công dự án, cùng nhiều biện pháp để đưa dự án vượt qua khó khăn là những bước đi đáng ghi nhận của liên danh nhà đầu tư và DNDA, hài hoà lợi ích của người dân, Nhà nước, doanh nghiệp.
“Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đang băng về đích, sẽ hoà mình vào mạng lưới giao thông Bắc – Nam để phục vụ giao thông thuận lợi, an toàn cho người dân vào một ngày không còn xa, chính là minh chứng xác đáng nhất cho sự sáng tạo, vượt khó của các nhà đầu tư dự án này”, ông Ngô Văn Quý nhấn mạnh.
Dự kiến, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ khánh thành, chính thức được đưa vào quản lý, vận hành trong nửa sau của tháng 4/2024.
Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng chiều dài 78,5 km với điểm đầu tại Km54+00, phía sau nút giao Cam Ranh thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà; điểm cuối tại Km 134+00, thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc, trong đó giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m với vận tốc thiết kế 80km/giờ. Trên tuyến có hạng mục hầm Núi Vung có chiều dài 2,2 km, quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14m, sau khi đưa vào vận hành sẽ là hầm đường bộ lớn thứ 4 cả nước. |