Cao Bằng: Tập trung triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia
(ĐCSVN) - Để tập trung triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu thiết thực; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn dành cho các chương trình, ngày 24/8, HĐND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Hà Quảng và Ủy ban Dân tộc tỉnh.
* Sáng 24/8, đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đoàn công tác kiểm tra tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), công tác chuẩn bị Hội thi cán bộ "Dân vận khéo” năm 2023 tại huyện Hà Quảng.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Triệu Đình Lê đề nghị huyện Hà Quảng tập trung vào các CTMTQG đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu thiết thực. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn dành cho các chương trình, thực hiện đầu tư đúng quy định, đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra. Khẩn trương triển khai, kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án trên địa bàn huyện. Quản lý tốt các hoạt động tôn giáo, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, huyện Hà Quảng thực hiện 10 dự án với tổng nguồn vốn trên 75 tỷ đồng gồm: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất thiết chế văn hóa; hỗ trợ y tế xã; thực hiện bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế; hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, thông tin - truyền thông nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào; hỗ trợ bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù; ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Về CTMTQG giảm nghèo bền vững thực hiện 7 dự án với tổng nguồn vốn trên 105 tỷ đồng gồm: hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; truyền thông và giảm nghèo về thông tin - truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.
Về CTMTQG xây dựng nông thôn mới với tổng nguồn vốn 1.800 triệu đồng. Tổng số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới toàn huyện 6 tháng đầu năm 2023 là 197 tiêu chí, bình quân đạt 10,3 tiêu chí/19 tiêu chí/xã. Tổng huy động nguồn lực ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương thực hiện chương trình từ tháng 7/2021 - ngày 30/6/2023 trên 38 tỷ đồng. Nhân dân đóng góp 6.433 ngày công lao động quy đổi thành tiền trên 935 triệu đồng. Nhân dân hiến 64.057,1 m2 đất, đóng góp 1.196 m3, cát, sỏi, đá. Triển khai vận động ủng hộ Quỹ "Xây dựng nông thôn mới'', từ năm 2021 đến nay, ủng hộ trên 1,5 tỷ đồng. Năm 2023, tổng kinh phí ngân sách Trung ương và địa phương được phân bổ 6 tỷ 120 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương 1 tỷ 800 triệu đồng, vốn sự nghiệp kinh phí ngân sách Trung ương phân bổ 4 tỷ 320 triệu đồng), hiện đang triển khai thực hiện.
* Cũng trong sáng 24/8, Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Cao Bằng do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Thạch làm trưởng đoàn giám sát kết quả triển khai thực hiện các CTMTQG và giải ngân nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tại Ban Dân tộc tỉnh. Cùng đi có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, một số sở, ngành.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Thạch phát biểu tại buổi làm việc. |
Thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh Cao Bằng có 1.462 thôn, bản của 161 xã thuộc 10 huyện, thành phố thuộc địa bàn thụ hưởng chương trình với 10 dự án, 13 tiểu dự án, 15 nội dung, trong đó, ưu tiên nguồn lực của chương trình đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn (xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn), xã an toàn khu (ATK).
Vốn ngân sách Trung ương được giao năm 2022 là hơn 814 tỷ đồng; vốn đối ứng bằng ngân sách tỉnh 2,2 tỷ đồng. Năm 2023, vốn ngân sách Trung ương được giao gần 2.095,5 tỷ đồng; vốn đối ứng bằng ngân sách tỉnh gần 22,9 tỷ đồng (đối ứng vốn đầu tư). Tính đến ngày 20/7/2023, ngân sách Trung ương thực hiện chương trình đã giải ngân gần 593 tỷ đồng, bằng 26% kế hoạch, trong đó, vốn đầu tư giải ngân gần 478 tỷ đồng, bằng 40,8% kế hoạch; vốn sự nghiệp giải ngân gần 115 tỷ đồng, bằng 9,96% kế hoạch.
Sau một năm triển khai, chương trình đã phát sinh các vướng mắc như: quá trình xây dựng, hoàn thiện ban hành kéo dài, dẫn đến tính chính xác của nhiều thông tin, số liệu được rà soát, lập từ thời điểm xây dựng chính sách cho đến khi ban hành không đảm bảo phù hợp. Nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện dự án, tiểu dự án nội dung chung chung, chưa cụ thể; một số hướng dẫn thiếu đồng bộ so với những quy định hiện hành còn hiệu lực; một số nội dung mới chưa có quy định chính sách tiền lệ nên gặp khó khăn trong xây dựng hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện...
Kết luận giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Thạch đề nghị Ban Dân tộc tỉnh tham mưu, có ý kiến cụ thể với tỉnh những bất cập về mặt văn bản, hướng dẫn trong thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các dự án; quan tâm bố trí nguồn nhân lực làm công tác dân tộc tại các địa phương. Khẩn trương rà soát, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trình tỉnh để điều chỉnh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình, hướng tới mục tiêu để người dân sớm được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước, nâng cao chất lượng cuộc sống./.