Cao Bằng quan tâm phát triển nông lâm nghiệp theo chuỗi giá trị
(ĐCSVN) - Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, tỉnh Cao Bằng xác định phát triển nông lâm nghiệp theo chuỗi giá trị sẽ là một trong những nội dung được quan tâm thực hiện, gắn với thế mạnh của địa phương.
Cây cát sâm được trồng tại xã Minh Tâm (Nguyên Bình) - ảnh: TT |
Năm 2023, tỉnh Cao Bằng được giao hơn 2.095 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, trong đó tỉnh đã dành gần 567 tỷ đồng để thực hiện Dự án 3: “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”, gồm 2 tiểu dự án: (1) Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; (2) Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN.
Trước mắt, tỉnh Cao Bằng đang tập trung nguồn lực để đẩy mạnh thực hiện tiểu dự án số 2, vì đây là nội dung có thể gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Theo đó, hiện nay, tỉnh Cao Bằng đã thẩm định được 8 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm: Dự án cây Ớt tại 02 huyện Hà Quảng, Hoà An; dự án cây Ngô sinh khối tại 02 huyện Quảng Hoà, Thạch An; dự án cây Lê, Dự án cây Thuốc lá, dự án cây Hồi, Quế ở huyện Trùng Khánh; dự án cây Gừng trâu, dự án cây Gai xanh ở huyện Hạ Lang; dự án cây Hồi, Quế ở huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm.
Riêng đối với vùng trồng dược liệu quý, hiện nay, UBND tỉnh Cao Bằng đang tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền và Viện Dược liệu (thuộc Bộ Y tế) khẩn trương hoàn thiện kế hoạch phát triển dược liệu trên địa bàn huyện Nguyên Bình để làm căn cứ xây dựng thông báo lựa chọn chủ trì liên kết triển khai thực hiện Chương trình phát triển cây dược liệu theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Sở dĩ, tỉnh Cao Bằng chú trọng thực hiện dự án 3 là vì tỉnh xác định nội dung của dự án 3 phù hợp với thế mạnh của địa phương đó là có truyền thống gắn phát triển lâm nghiệp với phát triển vùng cây dược liệu. Thực tế có nhiều mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng đã mang lại hiệu quả. Trong khi chờ cây lâm nghiệp dài ngày cho thu nhập trong tương lai, thì bà con đã trồng những loại cây dược liệu ưa sinh trưởng dưới tán lá rừng để cho thu nhập trước mắt, theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài”. Việc làm này đã mang lại thu nhập cho bà con, góp phần giảm nghèo bền vững./.