Cạnh tranh với doanh nghiệp FDI bằng cách nào?
(ĐCSVN) - Năm thứ hai Việt Nam đứng đầu danh sách các thị trường mới nổi về thu hút FDI trong các dự án đầu tư mới. FDI về nhiều sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng nếu doanh nghiệp trong nước không thực sự “khỏe” sẽ thua ngay trên “sân nhà”!
Theo thông tin từ báo chí trong nước, Văn phòng thống kê FDI Intelligence, thuộc tờ Thời báo Tài chính Mỹ vừa đưa ra công bố, Việt Nam đứng đầu danh sách các thị trường mới nổi về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các dự án đầu tư mới. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giữ vị trí này.
Trước đó, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 7/2016, cả nước thu hút được gần 13 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm ngoái; có 2.068 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và tăng vốn.
FDI về nhiều và tăng theo từng năm, điều đó khẳng định môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta ngày càng hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, đích đầu tiên và cuối cùng là lợi nhuận, nên sự cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước ngày càng khốc liệt hơn.
Ở thị trường bán lẻ, doanh nghiệp trong nước là người hiểu rõ hơn ai hết về văn hóa, tâm lý mua sắm của người Việt... nhưng sự thật thì thị trường này đang nghiêng về nhà đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là không ít thương hiệu bán lẻ trong nước đã lần lượt thoái lui hoặc bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipines...
Về lĩnh vực xuất khẩu, doanh nghiệp FDI vẫn thống lĩnh tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, thậm chí năm sau còn cao hơn năm trước. Từ số liệu mà báo chí đã công bố khiến nhiều người “giật mình”: Nếu năm 2011, trị giá xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 56,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì năm 2012 tăng lên 63,1%. Năm 2014, trị giá xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tăng lên 67,7% chiếm đến 70,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào năm 2015. Và tính đến hết trung tuần tháng 5/2016, trị giá xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015.
Về đầu tư khu công nghiệp, khu kinh tế, tính đến tháng 5/2016 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư gần 148 tỉ USD để thực hiện 7.450 dự án, trong khi nhà đầu tư trong nước mới chỉ đầu tư 10.500 tỉ đồng để thực hiện 370 dự án.
Dù số liệu về ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nêu trên chưa phản ánh đầy đủ “chiến lược” cạnh tranh của doanh nghiệp FDI, nhưng nó cảnh báo nguy cơ thua trên “sân nhà” ở lĩnh vực đầu tư tạo ra nhiều lợi nhuận, vốn là thế mạnh của doanh nghiệp trong nước.
Vì sao doanh nghiệp trong nước bị lép về, khó cạnh tranh được với doanh nghiệp FDI? Câu hỏi đã được nói, bàn thảo ở nhiều diễn đàn, hội thảo, hội nghị và doanh nghiệp nào cũng biết, nhưng chưa tìm được “lối đi” nhanh và hiệu quả.
Nước ta hiện có hơn nửa triệu doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 90%, còn lại là doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp lớn của Việt Nam nếu xét theo tiêu chuẩn quốc tế thì vẫn là doanh nghiệp nhỏ.
Hội nhập và cạnh tranh quốc tế, nhưng đến giờ doanh nghiệp trong nước vẫn thiếu và yếu ở cả 3 “trụ cột” quan trọng nhất, đó là vốn, công nghệ và quản trị doanh nghiệp.
Nhằm kiến tạo, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước mạnh lên, đủ sức cạnh tranh và “vươn ra biển lớn”, Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để trình Quốc hội thông qua. Hỗ trợ doanh nghiệp là việc làm cần thiết, nhiều quốc gia trên thế giới cũng làm, nhưng tự thân mỗi doanh nghiệp phải thật sự “khỏe” thì mới có thể vững vàng trước sóng gió thị trường!