Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cảnh giác trước nguy cơ làn sóng dịch COVID-19 tái bùng phát

Thứ Năm, 31/08/2023 15:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Dịch COVID-19 đang có xu hướng quay trở lại trong thời gian gần đây khi số ca mắc mới được ghi nhận ở 103 quốc gia tăng với tỷ lệ đáng lo ngại. Trong bối cảnh đó, người dân cần tiếp tục cảnh giác với dịch bệnh, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương và người có bệnh nền. Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, vì vậy, vẫn là những điều thiết yếu mà mỗi chúng ta cần nhắc nhớ.

Số ca mắc COVID-19 lại gia tăng trên toàn cầu

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca mắc COVID-19 mới trên toàn cầu lại gia tăng nhanh chóng, thậm chí lên tới 80% trong tháng 7 vừa qua.

Báo cáo mới nhất của WHO tiếp tục cho thấy số ca mắc COVID-19 toàn cầu tăng 63% trong 4 tuần, đồng thời cảnh báo nCoV vẫn là mối đe dọa lớn. Theo WHO, trong các ngày 24/7 - 20/8, thế giới ghi nhận 1,4 triệu ca nhiễm mới và hơn 2.000 người tử vong tại 103 quốc gia. Tỷ lệ mắc bệnh tăng 112% ở phía Đông Địa Trung Hải, 88% ở Tây Thái Bình Dương, 12% tại châu Âu. Hàn Quốc có nhiều ca nhiễm mới nhất (1,2 triệu ca), tiếp đến là Australia (22.000), Anh (21.000), Italy (19.000) và Singapore (18.000). Hàn Quốc cũng là nước ghi nhận số ca tử vong nhiều nhất (hơn 300 trường hợp).

Đặc biệt, tại Mỹ, COVID-19 đang gia tăng trở lại trên khắp đất nước. Tại thành phố New York, số ca mắc hàng tuần thậm chí còn tăng vọt lên tới 750 ca trong tháng 8, so với 250 ca của tháng trước. Bác sĩ Frederick Davis, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Do Thái Long Island, cho biết: "Trong vài tuần qua, chúng tôi chắc chắn đã ghi nhận số lượng ca nhiễm COVID-19 tăng lên". Và lần đầu tiên kể từ đầu năm 2023, số ca phải nhập viện do COVID-19 đã gia tăng tại quốc gia này.

Những con số gây chú ý khi nói về tốc độ gia tăng số ca mắc COVID-19 mới trên thế giới như 80% hay 63% thậm chí vẫn còn chưa thực sự đáng lo ngại khi WHO thậm chí còn cảnh báo số liệu trên không phản ánh đúng tình hình dịch bệnh thực tế, do hiện nay nhiều nước đã giảm xét nghiệm và kiểm soát dịch bệnh so với thời kỳ đầu. Tổ chức này cũng nhấn mạnh rằng, COVID-19 vẫn còn là một mối đe dọa lớn đối với nhân loại.

Nhiều quốc gia tiếp tục phát hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. (Ảnh: IT)

Nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2  tiếp tục được phát hiện

Vào thời điểm hiện tại, một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang khiến các chuyên gia y tế lo ngại được gọi là BA.2.86. Chủng mới của biến thể Omicron này mang hơn 35 đột biến gene ở các phần quan trọng của virus so với XBB.1.5, biến thể chiếm ưu thế trong hầu hết năm 2023.

Biến thể BA.2.86 được phát hiện lần đầu tiên ở Đan Mạch vào ngày 24/7, sau đó tiếp tục được ghi nhận ở Thụy Sỹ, Nam Phi, Israel cùng với Mỹ, Anh. Gần đây nhất, hãng tin Reuters, ngày 30/8, dẫn thông tin giới chức y tế cho hay Canada đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc BA.2.86 là cư dân tỉnh bang British Columbia và chưa từng rời nơi sinh sống. Trong khi ở Mỹ, giới chức y tế thành phố New York (bang New York) cũng vừa phát hiện biến thể BA.2.86 trong hệ thống nước thải của thành phố và vẫn đang theo dõi tình hình. Đây cũng là lần đầu tiên BA.2.86 được tìm thấy ở New York, mặc dù các nơi khác đã báo cáo thông tin về biến thể này.

Ngày 23/8, CDC Mỹ cho biết BA.2.86 có khả năng gây lây nhiễm cao hơn các biến thể cũ. Những người đã mắc COVID-19 hoặc đã tiêm vaccine COVID-19 cũng có khả năng bị nhiễm bệnh. Cơ quan này nêu rõ do số lượng đột biến được phát hiện ở dòng này cao nên đã có lo ngại về tác động của nó đối với khả năng miễn dịch từ vaccine và các lần nhiễm trước đó.

Ông Denis Nash, Giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Thành phố New York, Mỹ, cho hay: "Mặc dù chúng tôi chưa biết tất cả các chi tiết, nhưng những gì chúng tôi biết thì biến thể mới này (BA.2.86) có khả năng trốn tránh hiệu quả hơn miễn dịch hiện có để tăng khả năng lây truyền. Và nó cũng có thể có mức độ gây bệnh nặng cao hơn những biến thể mà chúng ta thấy gần đây".

Các nhà khoa học đang thử nghiệm xem các loại vaccine COVID-19 cập nhật sẽ hoạt động ra sao đối với BA.2.86. Bà Marion Koopmans, nhà virus học người Hà Lan, cố vấn của WHO, nhận định: "Chúng ta đang ở một giai đoạn rất khác (của đại dịch) so với khi dịch COVID-19 xuất hiện lần đầu tiên".

Đánh giá cho thấy, dường như việc xét nghiệm và các loại vaccine COVID-19 hiện nay vẫn có hiệu quả chống lại BA.2.86, mặc dù biến thể này có thể có nhiều khả năng lây nhiễm hơn ở những người đã được tiêm chủng và những người đã mắc COVID-19 trước đó. Chưa có bằng chứng nào cho thấy BA.2.86 gây bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, nguy cơ tiềm ẩn từ BA.2.86 phải được xem xét một cách nghiêm túc và việc giám sát phải được tiếp tục thực hiện.

Tổ chức Y tế Thế giới đã phải nhanh chóng đưa BA.2.86 vào danh sách "biến thể đang được theo dõi" do BA.2.86 có số lượng đột biến cao.

Biến thể BA.2.86 được phát hiện vào thời điểm thế giới đang trải qua làn sóng dịch đến từ biến thể EG.5 - biệt danh "Eris". Biến thể phụ này được cho là dễ lây truyền hơn các biến thể đang phổ biến khác. Vào giữa tháng 7, hơn 17% ca bệnh ghi nhận là do biến thể phụ này, tăng từ 7,6% so với một tháng trước đó. EG.5 cũng đã được phát hiện ở hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ tính đến ngày 8/8. EG.5 hiện là biến thể chiếm ưu thế ở Mỹ, ước tính gây ra khoảng 20% tổng số ca nhiễm mới ở quốc gia này. Ngày 9/8, WHO xác định biến thể mới EG.5 của Omicron là rất "đáng quan tâm".

Biến thể phổ biến tiếp theo, FL.1.5.1, cũng đã phát triển nhanh chóng và hiện gây ra khoảng 13% trong tổng số các ca mắc mới, theo công cụ theo dõi biến thể của CDC Mỹ.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo "vẫn có nguy cơ xuất hiện một biến thể nguy hiểm hơn có thể làm gia tăng mạnh số ca mắc và tử vong". Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Pháp Aurelien Rousseau kêu gọi cảnh giác khi đánh giá: "Chúng ta sẽ phải sống chung với sự bùng phát trở lại của COVID-19 trong vài mùa tới".

 Một điểm xét nghiệm COVID-19 lưu động tại New York, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Chủ động phòng chống sự quay trở lại của làn sóng COVID-19

Ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức công bố dịch COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu; song chính WHO cũng vẫn cho rằng quyết định này không có nghĩa là nguy hiểm đã qua, dịch bệnh đã chấm dứt hoàn toàn, bởi số ca mắc và tử vong vẫn còn không nhỏ. Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thậm chí còn đã cảnh báo tình trạng khẩn cấp có thể được khôi phục nếu tình hình thực tế thay đổi.

Lý giải về làn sóng dịch COVID-19 mới trong thời gian gần đây, giới chuyên gia cho rằng, các biến thể mới dường như dễ lây truyền hơn các biến thể từng lưu hành, có thể là do đột biến protein. Trong khi đó, những biện pháp hạn chế thời đại dịch đã được gỡ bỏ, sự giao lưu tiếp xúc trở lại bình thường, người dân trên thế giới lại gia tăng hoạt động di chuyển và tương tác xã hội trong dịp nghỉ hè, trong khi miễn dịch từ vaccine và cộng đồng suy giảm. Không những thế, do thời tiết nắng nóng gay gắt, người dân có xu hướng lưu lại lâu hơn trong các môi trường kín có điều hòa không khí, vốn có điều kiện thông gió kém…

Trước thực tế hiện tại, mặc dù mức độ bao phủ vaccine COVID-19 trên toàn cầu hiện đang ở mức cao, song các nhà khoa học vẫn lưu ý người dân cần cảnh giác với dịch bệnh, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương và người có bệnh nền. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo nhóm này cần tiêm chủng nhắc lại, đeo khẩu trang thường xuyên, mở cửa sổ để cải thiện lưu thông không khí. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, người thuộc nhóm nguy cơ cao cần xét nghiệm sớm, nhập viện và nhanh chóng được điều trị bằng thuốc kháng virus.

Cơ quan y tế Liên hợp quốc đồng thời kêu gọi các nước không lơ là cảnh giác với nguy cơ từ dịch bệnh COVID-19. WHO khuyến nghị các nước duy trì cơ sở hạ tầng ứng phó với COVID-19 từng xây dựng ở giai đoạn trước, tiếp tục triển khai hệ thống giám sát tình hình dịch bệnh COVID-19 một cách chặt chẽ hơn.

Về phần mình, WHO cũng cam kết sẽ cảnh báo sớm, giám sát và xác định các chủng nCoV.

Cùng với đó, trước sự xuất hiện của các biến thể mới, liên danh Pfizer/BioNTech, Moderna và Novavax cũng đã điều chế những phiên bản vaccine mới dựa trên XBB.1.5. Vào ngày 17/8, Moderna cho biết các dữ liệu ban đầu thu được cho thấy vaccine COVID-19 cập nhật của hãng này có hiệu quả trước các biến thể “Eris” và “Fornax”. Moderna cùng các nhà sản xuất vaccine COVID-19 khác như: Novavax, Pfizer và BioNTech SE đều đã tạo các phiên bản vaccine mới nhằm vào XBB.1.5 - biến thể phụ của Omicron.

Ngày 30/8, WHO đã đạt được thêm 3 thỏa thuận mới với các đơn vị nghiên cứu về công nghệ vaccine COVID-19 về việc cho phép chia sẻ tri thức liên quan đến vấn đề này trên một nền tảng toàn cầu của WHO.

Có thể thấy rằng, để sống chung an toàn với COVID-19 đòi hỏi mỗi người dân trên thế giới phải tự ý thức bảo vệ sức khỏe của chính mình, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng hơn bao giờ hết để phát hiện và ứng phó với những thay đổi của virus gây bệnh COVID-19. Không để làn sóng dịch bệnh tái bùng phát, không để COVID-19 tiếp tục lại “nóng” lên! Đó không chỉ là mục tiêu của riêng mỗi cá nhân, mỗi đất nước, mà là mục tiêu chung toàn cầu nhằm bảo vệ sức khỏe của toàn nhân loại, đồng thời tập trung phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia và bảo đảm sự phát triển bền vững của toàn thế giới.

Tại Việt Nam, trước nguy cơ biến chủng mới xuất hiện và lây lan, để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống dịch; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhằm góp phần tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch và triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023, công tác tiêm vaccine phòng COVID-19.

Đồng thời, phối hợp các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế để lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và kịp thời báo cáo về Bộ Y tế khi phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân. Thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị. Tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch. Sự chủ động phòng bệnh từ mỗi người dân là quan trọng nhất. 

Khánh Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN