Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cánh chim đầu đàn ở vùng cao Trấn Yên

Thứ Ba, 25/10/2022 09:56 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Thời gian qua, đội ngũ những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã phát huy vai trò, có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Huyện Trấn Yên  tỉnh Yên Bái hiện có 12 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi với 80 người có uy tín trong cộng đồng. Thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, những năm qua, người có uy tín trong đồng bào DTTS huyện Trấn Yên được ví như cầu nối giúp gắn kết ý Đảng với lòng dân, nêu gương sáng trong các phong trào thi đua yêu nước.

Lớp học tiếng nói, chữ viết của người Dao, xã Tân Đồng được người có uy tín Đặng Hồng Quân (đầu tiên, bên trái) trực tiếp giảng dạy. Ảnh: Trần Ngọc 

Trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (XDNTM), người có uy tín trên địa bàn huyện đã tích cực lao động sản xuất, thực hiện và vận động nhân dân sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, cây, con giống được Nhà nước hỗ trợ qua các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia; vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn; đóng góp ngày công tu sửa đường giao thông, kênh mương thủy lợi, phong trào thắp sáng đường quê, XDNTM...

Trong đó phải kể đến như: ông Đặng Hồng Quân ở thôn Khe Đát, xã Tân Đồng đã tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp 60 triệu đồng, 600 công lao động, gia đình hiến 1.200m đất xây dựng nhà văn hóa thôn; đồng thời, vận động nhân dân tự tháo dỡ 30m tường rào và hiến 2.000m vuông đất để làm đường giao thông nông thôn; vận động 2 hộ nuôi gà bán công nghiệp quy mô 1.500 con; thành lập được 1 câu lạc bộ thêu trang phục thổ cẩm, hát đối, hát giao duyên của dân tộc Dao với 30 thành viên tham gia.

Hay ông Lý Văn Thủy ở thôn Khe Loóng, xã Tân Đồng vận động nhân dân đưa các loại giống lúa mới kháng bệnh, kháng rầy vào sản xuất, tập trung vào các giống lúa có chất lượng gạo cao và cấy hết diện tích trồng lúa của thôn là 10 ha, diện tích trồng ngô 8 ha, trồng sắn 35 ha và 5 ha rau màu các loại… (nhờ đó, trước đây thôn có 78 hộ nghèo, đến nay chỉ còn có 8 hộ).

Ông Nguyễn Văn Đoán ở thôn Bản Din, xã Việt Hồng đã vận động nhân dân đóng góp 500 ngày công, 65 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn và sửa chữa, mua trang thiết bị cho nhà văn hóa; vận động được 2 hộ cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả 3ha, 5 hộ cải tạo vườn tạp trồng chè Bát tiên, trồng quế 7ha; 3 hộ chuyển đổi ruộng một vụ kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá 200m2 và làm dịch vụ khác cho thu nhập cao…

Người Mông xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên dệt trang phục truyền thống. Nhiều làn điệu dân ca cùng các nhạc cụ dân tộc được đồng bào Cao Lan huyện Trấn Yên giữ gìn. Ảnh: Ngọc Sơn 

Không chỉ mạnh dạn trong phát triển kinh tế, người có uy tín còn tích cực tham  gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy vai trò gương mẫu trong tuyên truyền, vận động dòng họ, người thân, người dân trên địa bàn ổn định cuộc sống, từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, hòa giải các mâu thuẫn xảy ra trong cộng đồng, làm công tác tư tưởng vận động đồng bào các dân tộc phát huy truyền thống đại đoàn kết, tương thân tương ái giúp nhau cùng phát triển, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Điển hình như ông Giàng A Sáu, thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành; Lý Tiến Tư, thôn An Phú, xã Y Can; Hà Văn Đôi, thôn Khe Mon, xã Vân Hội; Sổng A Dũng, thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca; Hà Đức Dự, thôn Yên Thuận, xã Hưng Thịnh...

Đặc biệt, với hoạt động tích cực của người có uy tín trong đồng bào DTTS đã và đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, các lễ hội truyền thống, tiếng nói, chữ viết.

Đến nay, một số lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS đã được bảo tồn như: lễ hội Lồng tồng của người Tày, xã Kiên Thành; lễ hội Cấp sắc của người Dao, xã Tân Đồng; lễ hội Đình làng Dọc, xã Việt Hồng... được tổ chức vào dịp đầu xuân hàng năm. Hay các làn điệu dân tộc đã được lưu giữ trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc như: hát then, hát khắp của dân tộc Tày, xã Hồng Ca, Hưng Khánh; hát Sình ca của dân tộc Cao Lan, xã Hòa Cuông; múa chạy rùa của của dân tộc Dao, xã Kiên Thành…

Với những hoạt động tích cực người có uy tín trong đồng bào DTTS huyện Trấn Yên đã và đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân; khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng dân tộc không ngừng đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS trên địa bàn, là cầu nối vững chắc giữa ý Đảng - lòng dân./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN