Cảnh báo tự mua thuốc điều trị COVID-19 trên mạng theo lời đồn!
(ĐCSVN)- Hiện nay, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, một số người đã nhập lậu các mặt hàng y tế không qua kiểm định, không đảm bảo chất lượng vào thị trường rồi bán lại với giá gấp đôi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Phát hiện hàng trăm hộp thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc. Ảnh moit.gov.vn |
Ngày 4-9, thông tin từ Công an quận Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội) cho biết Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm đã bắt quả tang nữ shipper Vũ Thị H. (30 tuổi, trú tại Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) đang giao hàng hóa tại phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm). Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện người phụ nữ này đang giao những hộp thuốc tân dược bên trong chứa 1.000 viên thuốc phòng, điều trị COVID-19 có nhãn mác của Nga, tất cả đều không có hóa đơn chứng từ.
Khai với công an, Vũ Thị H. cho biết nhận được một người tên Thủy thuê đi giao hàng cho khách. Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm đã triệu tập Mai Đức Thủy (28 tuổi trú tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Tại cơ quan Công an, Mai Đức Thủy khai nhận lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, tâm lý người dân muốn mua các loại thuốc phòng, điều trị bệnh COVID-19, Thủy mua thu gom thuốc từ các nguồn trên mạng rồi thông qua trang Facebook cá nhân có tên "Đức Thủy" để quảng cáo và giao dịch bán kiếm lời. Chỉ với 1.000 viên thuốc điều trị COVID-19 lậu nói trên, nếu bán trót lọt Thuỷ đã có thể thu lợi khoảng 100 triệu đồng.
Trước đó, chiều 28-8, Công an Q.Hoàng Mai phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 15 - Cục quản lý thị trường Hà Nôi đã phát hiện N.H.P (SN 1976, trú Định Công, Hoàng Mai) đang tập kết, kinh doanh 50 hộp thuốc ARBIDOL 10 viên/hộp và 3 hộp thuốc AREPLIVIR 40viên/hộp tại khu vực sân trước sảnh tòa CT16 KĐT Định Công. P không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào liên quan đến lô thuốc trên.
N.H.P khai nhận số thuốc trên là thuốc ức chế virus, tăng cường đề kháng, giảm tối đa lây nhiễm COVID-19 và thuốc điều trị COVID-19 tại Nga được P mua qua mạng xã hội, trong đó thuốc ARBIDOL được mua với giá 180.000đ/hộp, thuốc AREPLIVIR được mua với giá 2.900.000đ/hôp mục đích để bán lại kiếm lời.
Chiều 31-8, Công an TP Hà Nội cho biết Đội 4 - Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP phối hợp cùng Đội quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra đột xuất một điểm tập kết, kinh doanh hàng hóa tại đường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), phát hiện hàng trăm hộp thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc. Quá trình làm việc với lực lượng chức năng, chủ cơ sở là ông T.V.A. (41 tuổi, trú tại tỉnh Hải Dương) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc số thuốc. Số thuốc điều trị COVID-19 bị thu giữ gồm 2 loại 40 viên/hộp và 10 viên/hộp. Trên bao bì các sản phẩm đều in chữ do nước ngoài sản xuất. Ông A. cũng khai nhận bản thân không biết gì về y dược, chủ yếu thu mua các hộp thuốc "trôi nổi" trên mạng xã hội với giá từ 100.000 đến 1 triệu đồng tùy loại, sau đó, rao bán lại trên mạng với giá gấp đôi.
Cũng theo đại diện Cục quản lý thị trường Hà Nôi, hiện nay lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP Hà Nội đang diễn biến phức tạp, một số đối tượng đã nhập lậu các mặt hàng y tế không qua kiểm định, không đảm bảo chất lượng vào thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội làm nơi buôn bán, sau đó, tìm những địa điểm đang xây dựng, địa hình đi lại khó khăn, sâu trong các ngõ nhỏ để làm nơi cất giấu hàng hóa. Do đó, đại diện lãnh đạo Đội QLTT khuyến cáo người dân cần cảnh tỉnh trước những lời quảng cáo môi trường mạng internet về thuốc điều trị COVID-19. Bởi hiện nay, phương án phòng chống COVID-19 tối ưu nhất chính là 5K + vaccine phòng COVID-19.
Tình trạng tự ý mua thuốc điều trị COVID-19 theo "lời mách" trên mạng xã hội ngày càng gia tăng. |
Tình trạng phòng ngừa và chữa COVID-19 theo "lời mách" trên mạng xã hội ngày càng gia tăng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng “hành động dựa trên thông tin sai lệch có thể trả giá bằng cả tính mạng”. WHO cho biết trong 3 tháng đầu năm 2020, khi đại dịch bắt đầu lan rộng ra khắp thế giới, gần 6.000 người trên toàn cầu đã phải nhập viện, trong khi ít nhất 800 người có thể đã chết do thông tin sai lệch liên quan đến COVID-19.
Mạng xã hội Facebook cũng đưa thông tin trong thời gian qua đã gỡ bỏ 18 triệu mẩu thông tin sai lệch về COVID-19, nhiều chuyên gia xã hội nhận định rằng hàng triệu người sử dụng mạng xã hội vẫn gặp phải tin giả hàng ngày. Thực tế, “đại dịch tin giả ” nguy hiểm không kém đại dịch COVID-19. Và về vấn nạn tự mua thuốc điều trị COVID-19 trên mạng theo lời đồn, hiện các quốc gia đang tăng cường các chiến dịch tuyên truyền để người dân hiểu rõ về các nguy cơ có thể gặp nếu tự ý mua vắc xin, thuốc điều trị COVID-19 từ các nguồn bên ngoài hệ thống y tế, như mua trên mạng.
Tại Việt Nam, các cơ quan chức năng ngành y tế cũng đưa ra khuyến cáo người dân khi mắc COVID-19. Điều trị COVID-19 không đơn thuần là dùng thuốc. Không nên nhầm lẫn giữa mục đích là cần có thuốc hay mục đích là điều trị bệnh. Vì thuốc chỉ là một phần trong quá trình điều trị bệnh. Người bệnh phải trải qua nhiều giai đoạn bệnh với các triệu chứng khác nhau và thuốc sử dụng cho bệnh nhân có nhiều loại, tùy theo triệu chứng bệnh và giai đoạn bệnh. Các thuốc điều trị dự phòng, cần có sự kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau, phối hợp như thế nào để an toàn và hiệu quả cũng là một vấn đề.
Trên thực tế thì không thể có 1 loại thuốc điều trị COVID-19 cho tất cả mọi người. Biện pháp điều trị (dùng thuốc chỉ là 1 trong nhiều biện pháp điều trị) cần được cá thể hóa cho từng trường hợp. Nếu một loại thuốc nào đó được quảng cáo là trị COVID-19 thì nên đặt câu hỏi là thuốc điều trị triệu chứng gì, đối tượng nào thì dùng được. Ngay cả khi điều trị tại nhà thì khi sử dụng thuốc để điều trị không thể là việc uống cầu may được và nên có sự hướng dẫn của người có chuyên môn. Như có nhiều trường hợp F0 nhẹ không triệu chứng thì chỉ cần nghỉ ngơi tại nhà, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng bệnh sẽ tự khỏi, chưa cần dùng tới thuốc.
Hơn nữa, theo quảng cáo các trang mạng, thuốc điều trị COVID-19 trên thị trường có rất nhiều loại, người mua rất dễ mua thuốc theo cảm tính, theo quảng cáo, nhiều loại thuốc nhập lậu, không có nhãn phụ, không rõ thành phần và tác dụng… Việc sử dụng thuốc như vậy sẽ chưa thấy hiệu quả mà còn dễ gây ra hậu quả xấu.
Về góc độ chuyên môn, BS Trần Tuấn Dũng, khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo người dân không nên săn lùng uống các loại thuốc này vô tội vạ, dẫn đến tiền mất tật mang. Mỗi người có một cơ địa, bệnh lý mức độ khác nhau, do đó cần có sự chỉ định về liều lượng của bác sĩ. Ca bệnh nặng (viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết) hoặc ca bệnh nhẹ ở người có bệnh mạn tính hay người cao tuổi cần được điều trị ở buồng bệnh hồi sức tích cực. Ca bệnh nặng, nguy kịch (suy hô hấp nặng, ARDS, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan) cần được hồi sức tích cực. COVID-19 không chỉ điều trị bằng thuốc là khỏi. Một số ca nặng cần can thiệp như lọc máu, đặt nội khí quản, thở máy, trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO)…Điều trị không chỉ là dùng thuốc mà cần phải nghỉ ngơi, vệ sinh mũi họng, uống đủ nước, dinh dưỡng, vận động hợp lý, tinh thần lạc quan.
Quan trọng hơn cả việc chữa bệnh là phòng bệnh, cần tuân thủ về việc đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, tiêm vắc xin đầy đủ. Nếu chúng ta không mắc bệnh thì không cần dùng tới thuốc điều trị. Việc tiêm vaccine sẽ giúp chúng ta ít trở nặng khi mắc COVID-19, hạn chế việc dùng thuốc và các can thiệp khác./.