Cảnh báo sớm và hành động sớm để thích ứng với biến đổi khí hậu
(ĐCSVN) - Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã giao nhiệm vụ cho Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đi đầu trong việc thực hiện một kế hoạch hành động nhằm đạt được mục tiêu này tại hội nghị khí hậu tiếp theo của Liên hợp quốc ở Ai Cập vào tháng 11 năm nay.
Ảnh minh họa |
Trong vòng 5 năm tới, hệ thống cảnh báo sớm cần bảo vệ được tất cả mọi người Liên hợp quốc công bố mục tiêu tham vọng để thích ứng với biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt hơn. Theo một mục tiêu đầy tham vọng của Liên hợp quốc được công bố hôm nay (24/3), trong vòng 5 năm tới, tất cả mọi người trên Trái đất cần được bảo vệ bởi các hệ thống cảnh báo sớm chống lại biến đổi khí hậu và thời tiết ngày càng khắc nghiệt.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã giao nhiệm vụ cho Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đi đầu trong việc thực hiện một kế hoạch hành động nhằm đạt được mục tiêu này tại hội nghị khí hậu tiếp theo của Liên hợp quốc ở Ai Cập vào tháng 11 năm nay.
Thông báo trên được đưa ra vào ngày Khí tượng Thế giới 23/3, chủ đề của năm nay là Cảnh báo sớm và Hành động sớm. “Biến đổi khí hậu do con người gây ra hiện đang gây tác động xấu tới mọi khu vực. Báo cáo gần đây nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu đã nêu chi tiết những mất mát đã và đang xảy ra. Mỗi sự thay đổi nhỏ trong mức tăng nhiệt toàn cầu sẽ làm tăng thêm tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt”, ông Guterres cho biết: “Chúng ta phải đầu tư một cách công bằng vào khả năng thích ứng và khả năng phục hồi. Điều đó bao gồm các thông tin cho phép chúng ta dự đoán các cơn bão, nắng nóng khắc nghiệt, lũ lụt và hạn hán”, người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết.
Tuy nhiên, một phần ba dân số trên thế giới, chủ yếu sống ở các quốc gia kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển vẫn không được bảo vệ bởi các hệ thống cảnh báo sớm. Ở châu Phi, tình trạng thậm chí còn tồi tệ hơn khi có tới 60% người dân không được bảo vệ.
Ông Guterres nói: “Điều này thật khó có thể chấp nhận, đặc biệt là khi các tác động khí hậu chắc chắn sẽ còn tồi tệ hơn nữa.” “Cảnh báo sớm và hành động sẽ cứu sống con người. Vì mục tiêu đó, hôm nay tôi tuyên bố Liên hợp quốc sẽ dẫn đầu các hành động mới để đảm bảo mọi người trên Trái đất được bảo vệ bởi các hệ thống cảnh báo sớm trong vòng 5 năm. Tôi đã yêu cầu Tổ chức Khí tượng Thế giới đi đầu trong nỗ lực này và trình bày một kế hoạch hành động tại hội nghị khí hậu tiếp theo của Liên hợp quốc được tổ chức vào cuối năm nay ở Ai Cập,”ông Guterres truyền tải thông điệp trong một video gửi tới lễ kỷ niệm Ngày Khí tượng Thế giới.
“Chúng ta phải tăng cường khả năng dự đoán cho mọi người và xây dựng năng lực phản ứng của họ. Nhân Ngày Khí tượng Thế giới này, hãy để chúng ta nhận ra giá trị của những hoạt động cảnh báo sớm và hành động sớm, như những công cụ quan trọng để giảm thiểu rủi ro từ thiên tai và hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Biến đổi khí hậu đã hiện hữu rõ ràng thông qua các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn ở tất cả các nơi trên thế giới. Chúng ta đang chứng kiến những đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng gay gắt hơn. Lượng hơi nước trong khí quyển nhiều hơn, dẫn đến lượng mưa rất lớn và lũ lụt gây thiệt hại về nhân mạng. Sự ấm lên của đại dương khiến các cơn bão nhiệt đới mạnh hơn và mực nước biển dâng cao làm tăng thêm các tác động.
Trong 50 năm qua (1970-2019), trung bình mỗi ngày có một thảm họa liên quan đến thời tiết, khí hậu,thủy văn xảy ra - cướp đi sinh mạng của 115 người và gây thiệt hại 202 triệu USD, theo số liệu phân tích trong báo cáo năm 2021 của WMO về thảm họa thiên nhiên.
Số lượng các hiện tượng thiên tai được ghi nhận đã tăng lên 5 lần trong khoảng thời gian 50 năm đó, có nguyên nhân từ biến đổi khí hậu do con người gây ra, từ các hiện tượng thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn và năng lực thông tin tốt hơn của con người.
Nhưng nhờ có việc cảnh báo sớm và quản lý thiên tai được cải thiện, cho nên số người thiệt mạng đã giảm gần ba lần so với cùng kỳ,do khả năng dự báo thời tiết tốt hơn và công tác quản lý thiên tai chủ động và nhịp nhàng hơn.
“Ngày càng có nhiều thảm họa do biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng xấu tới việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Bên cạnh mục tiêu giảm thiểu, việc đầu tư vào mục tiêu thích ứng với khí hậu cũng ngày càng quan trọng. Một trong những khoản đầu tư thu được thành quả cao nhất là cải thiện các dịch vụ cảnh báo sớm về thời tiết, thủy văn và khí hậu và các cơ sở hạ tầng giám sát liên quan. Cần phải đầu tư 1,5 tỷ USD trong 5 năm tới để nâng cao chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng liên quan, đặc biệt là ở các nước kém phát triển (LDC) và các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS)”,Tổng thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas cho biết.
Hệ thống Cảnh báo Sớm về lũ lụt, hạn hán, nắng nóng hoặc bão, là một hệ thống tích hợp cho phép mọi người biết rằng hiện tượng thời tiết nguy hiểm sắp xảy đến và khuyến cáo cho các chính phủ, cộng đồng cũng như các cá nhân có thể hành động như thế nào để giảm thiểu các tác động.
Các hệ thống này cho phép chúng ta theo dõi các điều kiện khí quyển trên đất liền và trên biển trong thời gian thực, cũng như dự đoán hiệu quả các sự kiện thời tiết và khí hậu trong tương lai bằng cách sử dụng các mô hình số học tiên tiến trên máy tính. Mục tiêu là để hiểu những rủi ro gây ra bởi các cơn bão mà ta có thể dự báo trước trong một khu vực bị ảnh hưởng –rủi ro có thể khác nhau nếu đó là khu vực thành phố hoặc khu vực nông thôn, vùng cực, ven biển hay vùng núi. Hệ thống cảnh báo sớm cần phải bao gồm các kế hoạch ứng phó đã được thống nhất cho các chính phủ, cộng đồng và người dân, để giảm thiểu các tác động dự kiến. Một hệ thống cảnh báo sớm toàn diện cũng phải bao gồm các bài học kinh nghiệm từ các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, để liên tục cải thiện các biện pháp ứng phó trước các hiểm họa liên quan tới thời tiết, khí hậu, thủy văn và môi trường trong tương lai.
Báo cáo hàng đầu của Ủy ban toàn cầu về thích ứng năm 2019 có tên ‘Thích ứng ngay’, cho thấy Hệ thống cảnh báo sớm mang lại lợi ích đầu tư gấp mười lần - mức lợi ích lớn nhất so với bất kỳ biện pháp thích ứng nào được đưa ra trong báo cáo.
Báo cáo cũng cho thấy rằng chỉ cần cảnh báo trước 24 giờ về một cơn bão hoặc đợt nắng nóng sắp tới có thể giúp giảm 30% thiệt hại sau đó và việc chi 800 triệu USD cho các hệ thống như vậy ở các nước đang phát triển sẽ giúp tránh được thiệt hại từ 3-16 tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, dù có những lợi ích to lớn như vậy, thì cứ ba người trên toàn cầu sẽ có một người không được bảo vệ bởi các dịch vụ cảnh báo sớm, và tỷ lệ người không được bảo vệ cao gần gấp đôi ở châu Phi. Những người dễ bị tổn thương và những người yếu thế phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Cam kết về khí hậu tại Glasgow (được thống nhất tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu - COP26 vào tháng 11 năm 2021) đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc mở rộng hành động nhằm nâng cao năng lực thích ứng, tăng cường khả năng phục hồi và giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Cam kết này cũng kêu gọi các quốc gia phát triển khẩn trương và tăng mạnh quy mô quỹ tài chính vì khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực để thích ứng.
Chính phủ Vương quốc Anh, chủ tịch của COP26 và chính phủ Ai Cập, sẽ chủ trì COP27 ở Sharm-El-Sheikh, gần đây đã một lần nữa kêu gọi các nước phát triển tuân theo cam kết tăng ít nhất gấp đôi quỹ tài chính vì khí hậu của họ vì mục tiêu thích ứng cho các quốc gia đang phát triển vào năm 2025, nhằm đạt được sự cân bằng giữa nguồn quỹ thích ứng và giảm thiểu.
Các đại sứ của cả Vương quốc Anh và Ai Cập sẽ phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Khí tượng Thế giới, với sự tham gia của các diễn giả cấp cao trong việc chứng minh sự cần thiết và thành công của các cảnh báo sớm và hành động sớm.
WMO sẽ đi đầu trong nỗ lực đạt được mức độ bao phủ toàn cầu của các dịch vụ cảnh báo sớm, phối hợp chặt chẽ với các đối tác lớn nhằm đóng góp chung cho các nỗ lực thích ứng toàn cầu. Hệ thống cảnh báo sớm sẽ tìm cách thu hẹp lỗ hổng trong giám sát, tăng cường khả năng đưa ra cảnh báo trước thảm họa cho tất cả các quốc gia, đồng thời nâng cao năng lực của họ để ứng phó với những cảnh báo đó cũng như phản ứng theo tôn chỉ lấy người dân làm trung tâm, toàn diện và dễ tiếp cận.
Tiếp sau thông báo của ông Guterres, WMO sẽ triệu tập các cơ quan chủ chốt, các quốc gia và các nhóm đã hoạt động trong lĩnh vực Phát triển năng lực về Thủy văn và Cảnh báo sớm Rủi ro để tiếp tục xây dựng những nỗ lực xuất sắc hiện có và lập một kế hoạch toàn cầu trước COP27. Việc thu hẹp lỗ hổng trong hệ thống cảnh báo sớm sẽ đòi hỏi nhiều nguồn lực từ các nhân tố trong toàn bộ quá trình của chuỗi giá trị, từ cảnh báo sớm đến hành động sớm.
Kế hoạch mới tìm cách xây dựng dựa trên các hoạt động và quan hệ đối tác hiện có của WMO.
Trong đó bao gồm: Hệ thống cảnh báo đa hiểm họa toàn cầu (GMAS) của WMO thúc đẩy tiến trình cảnh báo sớm đối với các hiện tượng nguy hiểm như lốc xoáy nhiệt đới, lũ lụt và ngập lụt ven biển.
Cơ quan Tài trợ cho Các Hệ thống Quan trắc (SOFF), được thành lập tại COP26, cùng với UNEP và UNDP tạo nên một cơ chế tài chính mới. SOFF tìm cách tăng cường đáng kể những cơ sở dữ liệu quan trắc thời tiết và khí hậu cơ bản hiện có đồng thời thu hẹp khoảng cách trong việc tiếp cận dữ liệu, đặc biệt là ở các Quốc gia kém Phát triển và Các Quốc đảo nhỏ đang phát triển. Dữ liệu này là cơ sở của tất cả các dịch vụ dự báo thời tiết và khí hậu, do đó khoảng cách trong việc tiếp cận dữ liệu này làm giảm hiệu quả của tất cả các hành động thích ứng và đầu tư vì khí hậu. Quỹ Phát triển Bắc Âu (NDF) gần đây đã cam kết 10 triệu Euro cho SOFF.
Sáng kiến Hệ thống Cảnh báo Sớm và Rủi ro Khí hậu (CREWS) thu hẹp khoảng cách về năng lực trong các hệ thống cảnh báo sớm nhằm cứu sống người dân tại các quốc gia dễ bị tổn thương. Sáng kiến này đảm bảo rằng những người có nguy cơ cao nhất sẽ được tiếp nhận, hiểu và hành động dựa trên các dự đoán và cảnh báo về các sự kiện cực đoan. Sáng kiến này đã được tán dương rộng rãi vì sự thành công và hiện sáng kiến đã nhận được khoản đầu tư trị giá hơn 90 triệu đô la Mỹ. Vào năm 2022, WMO đang mở rộng hoạt động của mình đối với các hệ thống cảnh báo sớm ở châu Phi thông qua CREWS với chương trình cảnh báo sớm trị giá 5 triệu đô la Mỹ mới dành cho khu vực Trung Phi. Các chương trình tương tự đang được chuẩn bị cho các khu vực Sừng Châu Phi và Đông Phi./.