Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cảnh báo hiện tượng xâm phạm tình dục đối với trẻ em vùng cao

Thứ Tư, 16/03/2016 12:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thời gian qua, vì nhiều lý do nên các vụ việc liên quan đến tội phạm tình dục đối với trẻ em ở vùng cao đang có xu hướng diễn biến khá phức tạp. Thực tế loại hình tội phạm này đã và đang rung lên hồi chuông báo động đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn của toàn xã hội…

Quan tâm, chăm sóc và bảo vệ trẻ em bằng kiến thức cần thiết đi từ nền tảng không bao giờ là quá sớm đối với trẻ. Ảnh laodong.com.vn

Không còn là cá biệt…

 

Có thể khẳng định như vậy khi tìm hiểu về những diễn biến gần đây của loại hình tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em ở các địa bàn vùng cao, khu vực sinh sống của các dân tộc thiểu số. Mới đây, Tòa án nhân dân huyện Mường Ảng công khai xét xử bị cáo Giàng A Mùa (sinh năm 1990) vì hành vi giao cấu với trẻ em. Sinh sống ở bản Há Lả Chủ B, xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà, đầu tháng 1/2015, Giàng A Mùa tới làm thuê tại công trình nước sạch sinh hoạt thuộc địa bàn xã Búng Lao, huyện Mường Ảng (Điện Biên). Tại đây, Mùa đã nảy làm quen và nảy sinh tình cảm với cháu Vàng Thị Dĩnh (sinh năm 2001), thường trú ở bản Kéo Nánh. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, trong thời gian từ ngày 25/1 - 2/2/2015, Giàng A Mùa đã giao cấu với Vàng Thị Dĩnh 2 lần vào các ngày 25/1 và 2/2/2015. Với hành vi phạm tội như trên, Tòa án nhân dân huyện Mường Ảng đã tuyên phạt bị cáo Giàng A Mùa mức án 36 tháng tù giam cho tội danh giao cấu với trẻ em.

Trước đó, đầu tháng 6/2015, Tòa án nhân dân huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đã tổ chức phiên tòa xét xử lưu động tại xã Tén Tằn đối với bị cáo Sùng A Pó về tôi giao cấu với trẻ em. Trước đó, vào đầu tháng 4/2014, với bản tính trăng hoa, trong thời gian đi làm thuê tại bản Na Tao, Pù Nhi, Mường Lát, Sùng A Pó đã làm quen với em Thao Thị Chía (sinh năm 2000) ở bản Cắt, Nhi Sơn, Mường Lát. Để chiếm được sự tin tưởng của cô gái mới lớn, A Pó cố tình dấu việc mình đã gia đình và 3 con. Lợi dụng lòng tin của Chía, Sùng A Pó đã thường xuyên đến nhà Chía chơi và nhiều lần có hành vi giao cấu với Chía trong khi cô bé mới chưa tròn 15 tuổi. Tại phiên tòa, Sùng A Pó đã thành khẩn khai nhận tất cả hành vi giao cấu nhiều lần với em Thao Thị Chía nhiều lần dẫn đến Chía có thai. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Sùng A Pó mức án 5 năm tù giam vì tội giao cấu với trẻ em.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ án liên quan đến tội phạm tình dục đối với trẻ em vùng cao. Thực tế cho thấy, thời gian qua tình trạng tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em ở các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang có những diễn biến ngày càng phức tạp. Không chỉ gia tăng về số lượng mà còn có chiều hướng nghiêm trọng hơn về tính chất, mức độ của các vụ việc. Điển hình là vụ án đã làm chấn động dư luận tỉnh Điện Biên trong thời gian mới đây. Bị cáo Tẩn A Sánh (sinh năm 1979) trú tại bản Sín Chải 1, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên tuyên phạt mức án 14 năm tù vì tội “Hiếp dâm trẻ em”. Trước đó, đối tượng Tẩn A Sánh đã nhiều lần dùng vũ lực để quan hệ tình dục với con gái là Tẩn Thị Tin (sinh năm 2004). Hành vi phạm tội của bị cáo đã không chỉ để lại ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tâm lý của bị hại mà còn có những tác động tiêu cực đến dư luận chung ở địa phương.

 

Bị cáo Giàng A Mùa bị tuyên phạt 36 tháng tù giam vì hành vi giao cấu với trẻ em. Ảnh PA

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

 

Tìm hiểu thực tiễn được biết, có khá nhiều nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng của tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em tại các tỉnh vùng cao. Bên cạnh những tác động của các sản phẩm phi văn hóa, các video clip “đen” phải kể tới nguyên nhân hạn chế trong nhận thức của các đối tượng có liên quan. Bản thân bị cáo Giàng A Mùa, ngay khi đứng trước vành móng ngựa vẫn rất “ngây thơ” khi cho rằng “bạn gái thuận tình quan hệ thì sẽ chẳng vấn đề gì”. Thậm chí, ngay cả các bị hại cũng không ngại ngần chia sẻ cùng phóng viên: “Mình ưng cái bụng nó nên mình trao hết cho nó, nhưng đâu biết là nó không thật lòng với mình”. Công tác phối hợp phòng ngừa tội phạm giữa các lực lượng hiệu quả chưa cao; vai trò của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn yếu, hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở chưa cao. Thực tế, để hạn chế và tiến tới khắc phục tình trạng xâm phạm tình dục trẻ em tại các tỉnh vùng cao cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các lực lượng có liên quan.

Trước hết, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, kế hoạch hóa gia đình. Trọng tâm tuyên truyền phải làm cho đồng bào các dân tộc ở vùng cao nắm chắc được những nội dung quy định cụ thể về độ tuổi, điều kiện đăng ký kết hôn; các quy định của pháp luật liên quan tới việc kết hôn cũng như những hình thức xử phạt khi vi phạm những quy định đó. Một điểm khá phổ biến tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đó là việc người dân vẫn sống, sinh hoạt theo những tập tục, thói quen được truyền lại từ nhiều thế hệ. Trong suy nghĩ của đồng bào, quan trọng là “ưng cái bụng” chứ không quan tâm nhiều đến độ tuổi của đối tượng, do đó không ít người đã phải trả giá cho sự thiếu hiểu biết của bản thân. Vì vậy, việc giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật của đồng bào luôn là vấn đề mang tính quan trọng hàng đầu.

Song song với việc tập trung củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, quần chúng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự; cần có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, giữa các ngành, các cấp, các lực lượng hỗ trợ. Cùng với đó, cũng cần xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi xâm phạm tình dục trẻ em tại các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cần tích cực tổ chức những phiên xét xử lưu động tại địa bàn xảy ra vụ án, qua đó sẽ phát huy tốt hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục trực quan./.

Phan Anh (CTV)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN