Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cảng Cái Mép lọt Top 11 cảng hoạt động hiệu quả nhất thế giới

Thứ Sáu, 27/05/2022 16:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép vừa được vinh dự xếp hạng thứ 11 trên tổng số 370 cảng hoạt động hiệu quả nhất thế giới do Ngân hàng Thế giới và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence thực hiện.

Ngân hàng Thế giới và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence vừa công bố Chỉ số hoạt động Cảng container (Container Port Performance Index - CPPI) cho 370 cảng container toàn cầu, gồm cảng Hub Port trung tâm trung chuyển quốc tế và cảng cửa ngõ xuất nhập khẩu quốc gia.

Đáng chú ý, Cảng quốc tế Tân cảng - Cái Mép được xếp hạng thứ 11 CPPI (theo kiểu tính thống kê trung bình tất cả 5 kích cỡ tàu), và thứ 13 (theo kiểu tính kỹ thuật, cho trọng số cao hơn cho kích cỡ tàu phổ biến ở cảng đó). Ngoài ra, cảng Cái Mép còn đứng trên 3 cảng Hub trung chuyển lớn là PTP Malaysia (thứ 16), Singapore (thứ 31) và Hồng Kông, Trung Quốc (thứ 38). Và đứng cả trên cảng Nhật Yokohama (thứ 12) - một cảng danh giá thường có năng suất bốc xếp cao nhất thế giới.

Cảng quốc tế Tân cảng - Cái Mép.

Bảng xếp hạng này căn cứ trên các tiêu chí liên quan tới thời gian tàu container cần để hoàn thành việc bốc và dỡ container tại một cảng trong toàn bộ thời gian suốt năm 2021. Trong 370 cảng, các cảng khu vực Trung Đông chiếm các vị trí dẫn đầu. Nhưng điểm sáng của Chỉ số CPPI chính là các cảng Đông Á và Đông Nam Á, do sản lượng xuất khẩu gia tăng đột biến trong thời gian dịch bệnh.

Chỉ số CPPI được tính trên các yếu tố liên quan tới thời gian tàu vào luồng, cập cảng, năng suất bốc và dỡ hàng lên xuống cảng cùng tổng lượng hàng/chuyến, tàu rời cảng ra luồng. Hai yếu tố khác cũng được tính toán trong chỉ số là yếu tố tàu lớn có thể tiết kiệm nhiên liệu hơn và yếu tố công nghệ thông tin và số hoá.

Việc đánh giá xếp hạng các cảng container được các quốc gia có hoạt động hàng hải đánh giá vô cùng ý nghĩa khi vận tải biển là xương sống của thương mại toàn cầu hóa và chuỗi cung ứng sản xuất. Hiện, trên 60% giá trị hàng hóa thương mại toàn cầu được chuyên chở bằng container đi qua các cảng biển. Chưa kể, tình hình biến động do COVID-19 năm 2021 dẫn tới việc tắc nghẽn cảng biển và đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cậu.

Cảng Quốc tế Tân cảng -  Cái Mép (gọi tắt là TCIT) với vị thế cảng nước sâu nằm gần ngã ba sông Thị Vải-Cái Mép, cách trạm hoa tiêu Vũng Tàu 18 hải lý, TCIT là điểm trung chuyển rất thuận lợi cho hàng hoá giao thương giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đặc biệt là các thị trường xuất nhập khẩu chủ đạo của Việt Nam là Châu Mỹ, Châu Âu và Châu Á… Luồng chạy tàu có độ sâu âm 14 mét; độ sâu khu vực bến cảng âm 16,8 mét; vùng xoay trở tàu rộng 500 mét, rất thích hợp cho việc phục vụ các siêu tàu trọng tải lên đến 160.000 DWT (tương đương với 14.000 Teu). Hệ thống cơ sở vật chất và trang thiết bị cảng được đầu tư hiện đại với 03 cầu tàu dài 890 mét, 03 bến sà lan dài 270 mét, bãi container rộng 55 ha với sức chứa gần 51.500 teu; 10 cẩu bờ STS, 22 cẩu bãi e-RTG, 03 cẩu chuyên dụng cho sà lan, 76 xe đầu kéo, 05 xe nâng hàng và 05 xe nâng rỗng cùng với công nghệ tiên tiến –TOPS (Terminal Operations Package - System) được cung cấp bởi Realtime Business Solutions - RBS/Úc./.

Tin, ảnh: KC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN