Cần xử lý nghiêm hành vi khai thác trái phép tài nguyên
(ĐCSVN)- Những năm gần đây, tình hình khai thác trái phép khoáng sản, cát sỏi tại các lòng sông diễn biến hết sức phức tạp, gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Để chấm dứt tình trạng trên cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa của nhiều cơ quan, đơn vị nhằm xử lý nghiêm hoạt động khai thác trái phép này.
Tình trạng khai thác trái phép còn phổ biến
Theo đánh giá của Bộ TN&MT, thời gian qua, công tác phòng, chống hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên sông và cửa biển của lực lượng chức năng thuộc các Bộ, ngành và địa phương đã kiềm chế tình hình vi phạm, góp phần quan trọng trong việc thực hiện quy định của pháp luật và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trên sông và cửa biển vẫn còn rất phức tạp, chưa được xử lý triệt để, nhất là tại các địa bàn giáp ranh chưa xác định địa giới hành chính trên sông hoặc xác định chưa rõ ràng giữa các địa phương như: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Phú Thọ; Bà Rịa – Vũng Tàu, T.P Hồ Chí Minh, Đồng Nai... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự.
Cụ thể, tại Hà Nội, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố còn nhiều tồn tại cần khắc phục, đặc biệt tình trạng khai thác cát trái phép ở lòng sông vẫn diễn ra khá phổ biến.
Theo thống kê, toàn thành phố hiện có khoảng 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, trong đó có 12 đơn vị khai thác đá, còn lại là các đơn vị khai thác cát, trung chuyển vật liệu xây dựng. Qua kiểm tra của các lực lượng chức năng, hầu như không có đơn vị khai thác khoáng sản nào chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật. Hiện toàn thành phố chỉ có 14 đơn vị khai thác cát đang có giấy phép hoạt động còn hiệu lực; một số công ty chưa lập hồ sơ xin thuê đất và ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường. Việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động tới môi trường của hầu hết các đơn vị khai thác còn rất hạn chế; đáng lưu ý, công tác an toàn vệ sinh lao động tại các khu khai thác mỏ đá cũng không được quan tâm, thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn cần thiết.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có gần 200 bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu. Tuy nhiên chỉ có khoảng 50 bãi chứa có giấy phép, còn lại khoảng 150 bãi chứa ven sông đang hoạt động trái phép do chiếm đất, nhận chuyển nhượng, nhận thuê thầu đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép...
Tại Phú Thọ, theo UBND tỉnh, hiện nay cát sỏi dưới lòng sông Lô chạy qua địa bàn tỉnh bị khai thác nhều. Các chủ tàu đã bắt đầu khai thác trộm lấn vào bờ, hoặc mua lại đất nông nghiệp, đất bãi để khai thác cát sỏi trái phép bất chấp pháp luật.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, các đối tượng khai thác trái phép đã nhiều lần cho tàu cuốc vào khai thác phần đất bãi mua thỏa thuận của các hộ dân tại các xã: Hạ Giáp, Tiên Du, Bình Bộ, Tử Đà… gây sạt lở, mất đất bãi. Cụ thể, tại xã Bình Bộ mất 6 ha đất bãi, xã Tử Đà 0,7 ha, tại xã Hạ Giáp sạt lở vào diện tích đất có “sổ đỏ” của nhân dân… gây bức xúc, bất bình cho người dân.
Trước tình trạng trên, tỉnh Phú Thọ kiên quyết tạm dừng khai thác đối với 2 mỏ thuộc huyện Phù Ninh của Công ty TNHH Vận tải Bạch Hạc và Công ty Cổ phần khoáng sản sông Lô; thu hồi chấm dứt hiệu lực giấy phép 1 mỏ tại Đoan Hùng của Công ty TNHH Cát Vàng. Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện và xử lý hàng chục vụ khai thác cát trái phép, lập hồ hơ xử lý và phạt tiền trên 600 triệu đồng, khởi tố 4 vụ gây rối mất trật tự trên sông Lô. Hiện nay, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông Lô đã dần tạm lắng, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào vì thực tế việc khai thác trái phép cát, sỏi thu siêu lợi nhuận.
Không chỉ các tỉnh trên, Quảng Ninh cũng là địa bàn đang phải đối mặt với tình trạng khai thác trái phép khoáng sản tràn lan. Với 33 loại khoáng sản, Quảng Ninh hiện có gần 250 điểm mỏ và điểm quặng. Tổng sản lượng khoáng sản khai thác mỗi năm của tỉnh này lên tới trên 50 triệu tấn. Đi kèm với những lợi ích về kinh tế từ khai thác khoáng sản, Quảng Ninh cũng chịu sức ép rất lớn về môi trường. Ô nhiễm nghiêm trọng nhất là tại các khai trường khai thác than. Tại các điểm mỏ ở Cẩm Phả, Uông Bí, Mạo Khê…, tình trạng ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, khí nổ, chất thải… khá phổ biến. Điều đáng nói là không chỉ công nhân và người dân trong khu vực khai thác phải hứng chịu mà ngay cả cộng đồng dân cư các khu vực lân cận cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Đó là chưa kể tài nguyên bị rút ruột, ngân sách thất thu khi khai thác khoáng sản không theo quy hoạch, không đúng phương pháp, thiếu tính bền vững…
Xử lý nghiêm hành vi khai thác trái phép tài nguyên
Lý giải những tồn tại trên, các chuyên gia môi trường cho rằng, nguyên nhân là do lợi nhuận lớn nên các đối tượng cố tình vi phạm; có nhiều phương thức, thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng (khai thác vào ban đêm, tổ chức cảnh giới, lợi dụng giấy phép nạo vét lòng sông, sử dụng lao động là hộ nghèo...); hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm còn thiếu, chưa đồng bộ; việc kiểm tra bắt giữ tàu hút cát ở trên sông, cửa biển tiềm ẩn nhiều phức tạp, đối tượng manh động chống đối bằng nhiều cách...
Đề cập vấn đề khai thác cát, sỏi trái phép, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, tình hình tuy phức tạp nhưng nếu các địa phương vào cuộc quyết liệt chắc chắn sẽ có chuyển biến. Cũng theo Thứ trưởng Trần Hồng Hà, sự phối hợp liên ngành, liên tỉnh, chế tài xử phạt chưa đủ răn đe với hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.
Thứ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, nghiên cứu đưa những hành vi này vào Bộ luật Hình sự sửa đổi nhằm xử lý nghiêm minh, hạn chế vấn nạn khai thác cát, sỏi trái phép hiện nay.
Nhằm chấn chỉnh các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chủ động xây dựng kế hoạch triển khai mở các đợt cao điểm tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trên phạm vi toàn quốc.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thành lập các đoàn kiểm tra các mỏ cát, các dự án nạo vét luồng, đặc biệt là tại các địa bàn giáp ranh; kiên quyết thu hồi giấy phép khai thác cấp sai quy định và giấy phép đã cấp cho các đơn vị nhưng có nhiều sai phạm trong hoạt động khai thác, nạo vét luồng và các dự án nạo vét hoạt động kém hiệu quả, không đủ năng lực hoạt động.
Trước thực trạng trên, Hà Nội đã trở thành một trong những địa phương tiên phong, triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ ngăn chặn việc khai thác trái phép tài nguyên. Theo đó, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã chỉ đạo các đơn vị và các cơ quan truyền thông cần tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến người dân về các chủ trương, các quy định pháp luật về khai thác cát. Nâng cao nhận thức trách nhiệm về công tác phòng chống khai thác cát trái phép, bảo vệ giữ gìn tài nguyên thiên nhiên trong cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, các đơn vị có liên quan của thành phố cần phối hợp rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm đối với các tổ chức có các bãi khai thác cát trái phép, sai phép. Có thể tăng dần mức phạt, nếu hành vi tái phạm nhiều lần hoặc có hành vi chống đối, phải chuyển cơ quan công an điều tra vào cuộc xử lý quyết liệt. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu sở, ngành và đặc biệt là trách nhiệm của địa phương trong việc chậm xử lý vi phạm khai thác cát và sử dụng bến bãi trái phép./.