Cần xác định rõ kỳ thi THPT quốc gia không phải là "kỳ thi 2 trong 1"
(ĐCSVN)- Các chuyên gia thống nhất cần tiếp tục giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia, nhưng bỏ cách gọi “kỳ thi 2 trong 1” và phải xác định rõ đây là kỳ thi để xét tốt nghiệp, còn sử dụng kết quả này làm căn cứ tuyển sinh hay không là quyền của các trường ĐH.
Nhiều ý kiến, đóng góp tâm huyết về kỳ thi THPT quốc gia đã được đưa ra trong cuộc gặp gỡ giữa các chuyên gia giáo dục, hiệu trưởng một số trường ĐH, THPT và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, ngày 30/7.
Phó Thủ tướng yêu cầu các chuyên gia phát biểu thẳng thắn, cởi mở vì thế cuộc gặp gỡ dự kiến kết thúc trong buổi sáng nhưng đã kéo dài đến tận 5h30 chiều với hàng chục phát biểu của các chuyên gia về ưu, nhược điểm, những vấn đề cần khắc phục sau kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Nhiều đại biểu đã phát biểu 2-3 lần, trực tiếp trao đổi, tranh luận với nhau và thống nhất về 3 vấn đề lớn là: Chất lượng đề thi; phần mềm chấm thi; quy chế, quy trình kỹ thuật thực hiện.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các chuyên gia phát biểu thẳn thắn, cởi mở. Ảnh: VGP/Đình Nam
Theo TS. Lê Thống Nhất, kỳ thi năm nay đã bộc lộ yếu kém ở năng lực ra đề. Cụ thể như đề toán quá khó, giống đề thi đại học hơn là một đề thi tốt nghiệp nhằm đánh giá kiến thức của số đông học sinh. Trong khi đó, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng ra đề phải chuẩn, không thể để tình trạng năm trước đề dễ, năm sau đề quá khó.
Phân tích về các vụ việc ở Hà Giang, Sơn La, nhiều chuyên gia cũng chỉ rõ sơ hở nằm ở quy chế, quy trình kỹ thuật, giám sát; phần mềm chấm thi có lỗ hổng nên có thể can thiệp, thay đổi điểm thi.
Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện, các chuyên gia chung nhận định không thể phủ nhận từ năm 2015 đến nay, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức theo hướng ngày càng giảm áp lực thi cử đối với học sinh, xã hội đặc biệt là cho các thành phố lớn; tạo thuận lợi cho học sinh và gia đình; giảm bớt tình trạng dạy và học lệch. Qua từng năm, Bộ GD&ĐT tiếp tục có điều chỉnh về kỹ thuật nhằm hạn chế tối đa tiêu cực trong khâu coi thi, chấm thi. Học sinh có nhiều cơ hội chọn trường ĐH, CĐ.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, GS.TS Bùi Thị An nhìn nhận: Những cố gắng của ngành giáo dục thực hiện đổi mới thi cử là rất đáng ghi nhận, xã hội “dễ thở” hơn, đó là hướng đi đúng theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
“Đối với giáo dục thì niềm tin vô cùng quan trọng. Ngay sau khi xảy ra sự việc ở Hà Giang, Sơn La, đã có một số tờ báo đăng tải ý kiến đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp nhưng theo tôi chúng ta cần hết sức thận trọng, tránh những quyết định quá vội vàng”, ông Hồ Quang Lợi bày tỏ.
GS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh kỳ thi tốt nghiệp không chỉ thực hiện theo Luật Giáo dục mà là thước đo để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Nếu bỏ kỳ thi thì với “bệnh thành tích, cục bộ” hiện nay học sinh dù không cố gắng học cũng vẫn có điểm, học bạ đẹp để tốt nghiệp, trình độ mặt bằng giáo dục chung trong cả nước sẽ không thống nhất. Chưa kể bằng tốt nghiệp THPT là một trong những văn bằng giáo dục của Việt Nam đang được một số nước công nhận. Phổ điểm của kỳ thi còn giúp nhận diện các vấn đề giáo dục phổ thông tại từng địa phương, chống tình trạng học lệch.
Bên cạnh đó, không thể tổ chức kỳ thi quốc gia tuyển sinh ĐH, CĐ vì trái Luật Giáo dục đại học, vi phạm quyền tự chủ của trường ĐH có trong tuyển sinh.
Còn cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hoà cho rằng nhất thiết phải tổ chức kỳ thi vì “có thi mới có học”. Trong quá trình dạy, rèn rũa học sinh thì các thầy cô cũng tự hoàn thiện đạo đức chuyên môn. Đây cũng là kênh đánh giá chất lượng giáo dục của từng trường, từng địa phương.
TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT nêu thống kê cho biết hiện nay có khoảng 3/4 số trường ĐH không coi điểm tốt nghiệp là yếu tố tiên quyết, duy nhất để xét tuyển. “Vậy nếu bỏ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ trong kỳ thi THPT quốc gia mà chỉ dùng để xét tốt nghiệp liệu có ảnh hưởng lớn, gây biến động đối với các trường ĐH, CĐ”, TS. Lê Trường Tùng đặt vấn đề.
Vì vậy, các chuyên gia thống nhất cần tiếp tục giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia, nhưng bỏ cách gọi “kỳ thi 2 trong 1” và phải xác định rõ đây là kỳ thi để xét tốt nghiệp, còn sử dụng kết quả này làm căn cứ tuyển sinh hay không là quyền của các trường ĐH.
Bộ GD&ĐT tiếp tục nâng cao chất lượng ra đề thi, mở rộng ngân hàng câu hỏi, phát động phong trào các giáo viên đóng góp cho ngân hàng đề… Yêu cầu là đề thi ổn định, đạt ngưỡng/chuẩn, đánh giá được đúng kiến thức, năng lực của số đông học sinh để xét tốt nghiệp.
Sửa đổi quy chế thi để cán bộ "không dám, không thể tiêu cực". Các khâu từ coi thi, thu bài thi, niêm phong bài thi, quét ảnh bài thi phải xác định rõ trách nhiệm của cán bộ, giáo viên của địa phương và của trường đại học để nếu có vi phạm tất cả phải cùng chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm. Các chuyên gia cũng đề nghị kỳ thi năm sau cần chấm thi tập trung, theo cụm không chấm ở địa phương, giám sát trực tiếp, ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế tối đa tác động của con người.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã tiếp thu ý kiến phân tích của các chuyên gia về những bất cập, thiếu sót, hạn chế trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về những khuyết điểm này và sẽ tiếp thu, sửa đổi, hoàn thiện. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ sớm công bố đề án đổi mới kỳ thi THPT có lộ trình, thời gian cụ thể và đích đến cuối cùng.
Kết thúc cuộc gặp gỡ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn các chuyên gia và yêu cầu Bộ GD&ĐT cầu thị tiếp thu, không chỉ với vấn đề thi cử mà còn nhiều vấn đề giáo dục khác. Đây là lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân nên luôn nhận được ý kiến khác nhau, vì vậy, Bộ GD&ĐT cần tăng cường trao đổi với các chuyên gia trên tinh thần cầu thị, cùng chung nhận thức, đi đến thống nhất và đồng thuận trong xã hội./.