Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần triển khai sớm chính sách hỗ trợ hạ tầng viễn thông cho vùng cao, biên giới

Thứ Tư, 07/09/2022 18:18 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) cho rằng, việc phủ sóng cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn sẽ tạo động lực phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng cho vùng cao, biên giới.

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, chiều 07/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Cần triển khai sớm chính sách hỗ trợ hạ tầng viễn thông cho vùng cao, biên giới

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã tập trung cho ý kiến về các vấn đề lớn như: Quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng; về phương thức cấp phép; về cấp lại giấy phép sử dụng băng tần; về sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế...

Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Phạm Thắng 

Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) đề nghị Chính phủ cần triển khai sớm chính sách hỗ trợ hạ tầng viễn thông theo chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 2269 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đại biểu, việc phủ sóng cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn sẽ tạo động lực phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng cho vùng cao, biên giới. Bởi thực tế không ít các địa phương gặp nhiều khó khăn về khả năng đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông, internet của hạ tầng viễn thông, internet đến hộ gia đình, các cơ sở y tế, giáo dục do đặc vụ, địa bàn phức tạp, đồi núi che chắn, điều kiện hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ bản còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tham gia đầu tư hạ tầng viễn thông, internet.

Về chính sách của Nhà nước về tần số vô tuyến điện, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị bổ sung thêm chính sách phù hợp để huy động các nhà mạng cùng chung tay đầu tư mạng 5G phủ sóng ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực đô thị lớn, tiến tới năm 2025 cơ bản phủ sóng các tỉnh lớn và 100% dân số sẽ được phủ sóng 5G vào năm 2030.

Quan tâm đến vấn đề hợp tác quốc tế về tần số vô tuyến điện, đại biểu Tô Ái Vang khuyến nghị Chính phủ sớm tăng cường hợp tác với các quốc gia nhằm thúc đẩy quốc tế thống nhất ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, thiết bị 5G. 

Thảo luận về Dự án Luật, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm, cách thức cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.

Đi vào nội dung cụ thể, về vấn đề sử dụng tần số vô tuyển điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế, đại biểu cho rằng đây là vấn đề rất lớn trong chính sách, có điểm mới so luật hiện hành và đã được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến và thảo luận rất kỹ trong phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về 02 phương án trong dự thảo luật, do đó đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng thêm trên quan điểm thận trọng.

Đối với quyền chuyển nhượng sử dụng tần số vô tuyến điện, đại biểu cho rằng, trong luật hiện hành cũng như trong dự thảo luật chỉ đặt vấn đề cho phép chuyển nhượng đối với trường hợp tần số vô tuyến điện được phẩn bổ cấp giấy phép theo phương thức đấu giá.

Theo đại biểu, trên thực tế đến nay vẫn chưa thực hiện đấu giá, tức là chưa có việc chuyển nhượng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần có giải pháp thúc đẩy thị trường, loại hàng hoá, dịch vụ này. Do đó cần tính đến việc nghiên cứu mở rộng quyền để được chuyển nhượng và mở rộng đối với phương thức thi tuyển, phương thức trực tiếp. 

Tránh tích tụ tần số, đảm bảo không độc quyền viễn thông

 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (Ảnh: Phạm Thắng)

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã quan tâm, đóng góp ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, toàn diện về dự án luật, thể hiện sự quan tâm lớn đối với dự án luật quan trọng này. Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Giải trình một số ý kiến thảo luận của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần tổ chức được cấp phép sử dụng, quy định này được xây dựng nhằm tránh tích tụ tần số, không dẫn đến độc quyền viễn thông. Quy định này cũng được xây dựng dựa trên kết quả tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Về các phương thức cấp phép sử dụng tần số, dự thảo luật quy định áp dụng phương thức đấu giá và thi tuyển đối với băng tần để thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất. Qua khảo sát quy định của các nước trên thế giới, Bộ trưởng cho biết, phương thức đấu giá được sử dụng nhiều với mục tiêu chính là về tài chính, phương thức thi tuyển được sử dụng khi hướng tới nhiều mục tiêu như khuyến khích công nghệ mới, tăng độ phủ sóng, khuyến khích cạnh tranh. Cấp trực tiếp chỉ dùng trong trường hợp cấp lại, cấp trong tình trạng khẩn cấp, phục vụ quốc phòng an ninh, chống thiên tai, dịch bệnh.

Về việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ cho quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế, Bộ trưởng nêu rõ, việc sử dụng cho mục đích kinh tế phải đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng tới nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đảm bảo yếu tố bảo mật, đồng thời cũng đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần tham gia.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, tiếp tục phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4./.

Tú Giang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN