Cần Thơ cố gắng để bảo đảm tiến độ với kế hoạch dự kiến sẽ hoàn thành chương trình vào 30/6/2022
(ĐCSVN)- Ghi nhận những nỗ lực của ngành Giáo dục Cần Thơ trong triển khai các nhiệm vụ năm học 2021-2022, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh 5 nội dung mà địa phương cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới, trong đó nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho học sinh, cán bộ, giáo viên.
Ngày 14/10, Bộ GD&ĐT kiểm tra trực tuyến công tác thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 của ngành GD&ĐT Cần Thơ. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì cuộc làm việc |
Trung học dạy trực tuyến, Tiểu học bắt đầu học kỳ I từ 1/11
Báo cáo tại cuộc làm việc, đại diện Phòng Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Trung học của Sở GDĐT Cần Thơ thông tin chi tiết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 của mỗi cấp.
Đối với cấp Tiểu học, thời gian vừa qua địa phương thuộc “vùng đỏ” này đã giao quyền chủ động cho các nhà trường trong tổ chức làm quen của học sinh lớp 1, ôn tập đối với các lớp trên và hướng dẫn học sinh tự học tại nhà các môn học/hoạt động giáo dục theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học. Thực tế, 98% học sinh Tiểu học đã nhận được bài ôn tập qua internet hoặc được giáo viên trao trực tiếp tại nhà; trên 91,2% học sinh phản hồi thông tin kết quả, được giáo viên nhận xét kết quả thực hiện.
Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Sở GD&ĐT Cần Thơ đã xây dựng, ghi hình và phát sóng 200 tiết dạy Tiếng Việt, Toán của các lớp 3, 4, 5, để học sinh theo dõi, học tập. 1.140 tiết dạy đã được giáo viên tự ghi hình theo yêu cầu nội dung căn bản, cốt lõi của chương trình và cung cấp cho học trò.
Sở GD&ĐT đang tham mưu UBND tỉnh cho phép học sinh tiểu học đi học trực tiếp trở lại từ 1/11. Mốc thời gian bắt đầu chương trình học kỳ 1 năm học 2021-2022 của cấp học này được xác định bắt đầu từ 1/11; học kỳ 2 bắt đầu từ 7/3/2022; và dự kiến hoàn thành kế hoạch giáo dục trước ngày 10/7/2022.
“Với khung thời gian nêu trên, Sở GDĐT sẽ tham mưu UBND thành phố giao quyền chủ động cho UBND quận/huyện căn cứ đánh giá các tiêu chí an toàn, sẽ quyết định cho học sinh học trực tiếp tại trường hoặc học tại nhà theo hướng dẫn của giáo viên”, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GDĐT Cần Thơ) Lê Thanh Long nói.
Đối với Giáo dục Trung học, 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học trực tuyến chương trình năm học 2021-2022. Qua kiểm tra của Phòng Giáo dục Trung học và báo cáo của các đơn vị, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến trung bình khoảng 92,93% (cấp THPT 98,25%, cấp THCS 90,05%); các đơn vị đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học, đặc biệt là việc tổ chức dạy học/kiểm tra đánh giá trực tuyến một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Tuy nhiên, một khó khăn trong dạy học trực tuyến của Giáo dục Trung học Cần Thơ là còn 5,8 % học sinh cấp THCS (4.020 học sinh) và 1,2 % học sinh cấp THPT (400 học sinh) ở vùng khó khăn thiếu thiết bị học tập, không có đường truyền internet nên chưa thể tham gia học trực tuyến; phần mềm/ứng dụng dạy học chưa đồng bộ/thống nhất; một bộ phận giáo viên chưa tổ chức tốt hoạt động dạy học theo hình thức mới này.
Tạo động lực cho giáo viên đổi mới
Ghi nhận những nỗ lực của ngành Giáo dục Cần Thơ trong triển khai các nhiệm vụ năm học 2021-2022, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh 5 nội dung mà địa phương cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới, trong đó nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho học sinh, cán bộ, giáo viên.
Thời gian qua với sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, ngành Giáo dục Thành phố đã tích cực và linh hoạt, chủ động triển khai các hình thức tổ chức dạy học trực tuyến/trực tiếp/kết hợp trực tuyến - trực tiếp để đạt được 3 nhiệm vụ: an toàn về dịch, hoàn thành chương trình và kiên trì mục tiêu chất lượng. Bộ GDĐT đã tập huấn cho giáo viên phổ thông cốt cán kỹ năng dạy học trực tuyến, trên truyền hình, làm cơ sở để thầy cô triển khai hiệu quả việc dạy học theo hình thức này ở nhà trường, đồng thời lan toả, hướng dẫn cho đồng nghiệp.
Để thích ứng với thực tế phòng chống dịch mới, tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành hướng dẫn cho học sinh quay trở lại trường, hướng dẫn xây dựng môi trường học tập an toàn trong tình hình mới. “Tinh thần là đảm bảo nguyên tắc 5K cộng vắc xin”, Thứ trưởng nói và cho biết Bộ Y tế đã có chủ trương tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19 đối với trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Dự kiến từ tháng 11, các địa phương đã chuẩn bị đủ điều kiện, sẽ triển khai tiêm mũi 1 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, tạo thuận lợi cho học sinh an tâm trở lại trường học tập an toàn.
Về triển khai thực hiện chương trình, Thứ trưởng lưu ý các nhà trường cần thực hiện nghiêm túc các công văn hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục cấp tiểu học, THCS và THPT ứng phó với dịch COVID-19 mà Bộ GDĐT đã ban hành. Trong đó, Bộ đã hướng dẫn rõ các nội dung cốt lõi mà giáo viên cần chú trọng giảng dạy để đảm bảo học sinh có kiến thức nền tảng. Khi được đi học trở lại, nhà trường tranh thủ thời gian “vàng” để bổ sung, củng cố và nâng cao trên cơ sở kiến thức cốt lõi đã cung cấp. Việc thực hiện chương trình, được Thứ trưởng yêu cầu Thành phố cố gắng để bảo đảm tiến độ với kế hoạch dự kiến sẽ hoàn thành chương trình vào 30/6/2022.
Dành nhiều thời gian hơn để nói về CT GDPT 2018, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị từng cán bộ, giáo viên phải nắm chắc các mục tiêu, nội dung, yêu cầu của chương trình mới, hiểu rõ những khác biệt của chương trình 2018 so với chương trình năm 2006. Trong đó, cán bộ quản lý cần nắm vững chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ chương trình tổng thể đến chương trình các môn học để chỉ đạo, điều phối phù hợp kế hoạch giáo dục của nhà trường, hoạt động dạy học của giáo viên. Từng thầy cô đứng lớp phải nắm chắc chương trình môn học, những nội dung/yêu cầu, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh.
Để hỗ trợ các nhà trường trong dạy học CT GDPT 2018, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở/Phòng thành lập tổ công tác hỗ trợ các nhà trường việc thực hiện chương trình này; trong đó quan tâm đến các môn học mới, môn tích hợp Khoa học tự nhiên ở lớp 6./.