Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần thẩm định lại những phát ngôn của ông Võ Kim Cự

Thứ Ba, 26/07/2016 16:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Bên hành lang Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu bày tỏ cần phải thẩm định lại phát biểu của ông Võ Kim Cự - đại biểu Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh “cấp phép cho Formosa là đúng quy trình và pháp luật”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh): Dù đúng quy trình nhưng có hại cho địa phương vẫn cần bác bỏ, từ chối

Bình luận về câu trả lời của ông Võ Kim Cự cho rằng: “cấp phép cho Formosa là đúng quy trình và pháp luật”, ông Trương Trọng Nghĩa bày tỏ, dù đúng quy trình nhưng xét thấy nguy hại cho địa phương, đất nước thì cần bác bỏ, từ chối, đồng thời kiến nghị sửa đổi. Cán bộ cấp dưới có thể nói không biết gì, nhưng cán bộ cao cấp phải có tinh thần, trách nhiệm cao hơn đối với nhân dân, đất nước”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: TH

Về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong vụ Formosa, ông Trương Trọng Nghĩa nhắc lại và đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, đó là phải xem lại trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc cấp phép, quản lý và giám sát Formosa vừa qua.

Trước nhiều ý kiến băn khoăn về việc ông Võ Kim Cự là một trong 33 Uỷ viên của Uỷ ban Kinh tế, trong khi ông Cự được cho là người có trách nhiệm trong vụ Formosa, ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng, để làm rõ trách nhiệm cần phải có quy trình xem xét, sau đó mới có cơ sở để xác định ông Cự có sai phạm hay không; nếu có thì sai phạm như thế nào, sai phạm đó có ảnh hưởng đến cương vị của ông Cự hay không?.

Trước đó, thảo luận về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017, ông Trương Trọng Nghĩa đề nghị, Quốc hội phải có chuyên đề giám sát về chính sách pháp luật đầu tư liên quan đến bảo vệ môi trường. Ông Nghĩa đặt vấn đề: “Giám sát ở đâu? Ở ngay Formosa chứ không đâu xa”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, sự nhập cuộc của Quốc hội là tiếp thêm sức mạnh, không có vấn đề gì vướng mắc. Thực hiện việc giám sát với Formosa lúc này sẽ có thuận lợi là họ chưa đi vào sản xuất, xem xét và kịp thời ngăn chặn các hành vi sai trái ngay từ đầu.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Sự cố Formosa không thể “hòa cả làng”

Nêu quan điểm của mình về câu trả lời của ông Võ Kim Cự: “cấp phép cho Formosa là đúng quy trình và pháp luật”, ông Dương Trung Quốc cho rằng những phát biểu của ông Võ Kim Cự cần được thẩm định lại, xem vấn đề ở chỗ nào, trách nhiệm đến đâu để xử lý.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai). Ảnh: ĐT

“Việc lặp lại một điệp khúc “đúng quy trình” bao giờ cũng đúng nhưng kết quả lại không đúng. Vậy vấn đề chính là ở đây, quy trình có nghĩa là gì? Tôi hiểu cấp phép 70 năm không phải là vấn đề của cấp địa phương, cho dù cấp địa phương có vai trò rất quan trọng. Cho nên cần phải rà soát đến cùng.

Đương nhiên chúng ta phải nâng cao chế tài đối với người làm sai, nhưng câu chuyện Formosa cảnh tỉnh cho chúng ta một điều. Đó là “tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Phải xem xét lại tất cả những gì chúng ta đã làm. Bởi vì họ (Formosa – PV) là người bên ngoài vào, luôn tìm kiếm lợi nhuận, luôn tìm kẽ hở của chúng ta để làm sao đạt được hiệu quả kinh tế. Còn nếu chúng ta buông lỏng, thậm chí có người tiếp tay thì chắc chắc sẽ bị thiệt hại” – ông Dương Trung Quốc chia sẻ.

Ông Dương Trung Quốc cũng cho rằng, Quốc hội cần xem xét lại quy trình có đúng không. Tại sao cấp địa phương lại quyết định cho Formosa hoạt động 70 năm? Điều này có vượt quá khung của pháp luật hay không? Kể cả Chính phủ, nếu được sự tán đồng của các cơ quan cấp Chính phủ thì Quốc hội không có vai trò gì sao? Do đó, phải xem xét lại hệ thống pháp luật của chúng ta có kẽ hở ở chỗ nào. Tiếp đến là công tác giám sát. Ở vụ Formosa, vai trò của đại biểu Quốc hội ở đâu, cũng như các Ủy ban có liên quan trực tiếp? Kể cả chúng tôi, chúng tôi đã làm gì trong quá trình người dân phản ánh ý kiến đó? Đây là thời điểm phải rà soát lại tất cả, không phải nhằm duy nhất vào Formosa, mà đầu tiên phải nhìn vào chúng ta.

Còn đối với cá nhân ông Võ Kim Cự, những phát biểu của ông ấy sẽ được thẩm định lại, xem vấn đề ở chỗ nào, trách nhiệm đến đâu để xử lý. Chắc chắn khi xảy ra chuyện này, sẽ có sự đùn đẩy. Chính vì thế Quốc hội phải giám sát bộ máy của mình, từ chính quyền địa phương đến Trung ương.

Sự cố Formosa không thể “hòa cả làng” được. Bởi sau Formosa còn nhiều cái khác. Tình trạng ô nhiễm môi trường không phải chỉ riêng Formosa, mà tiềm tàng rất nhiều nguy cơ, ở rất nhiều cơ sở khác, kể cả các doanh nghiệp trong nước.

Theo ông Dương Trung Quốc, việc giám sát cần thiết phải thực hiện, không phải chỉ riêng Formosa, mà còn nhiều dự án khác. Nếu không, sau này lại có thêm một Formosa mới. Tình trạng ấy diễn ra ngay trên cả nước, ngay cả các khu công nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam. Cho nên lần này khi bàn về chương trình giám sát, chắc chắn các đại biểu sẽ đặt trọng tâm cho vấn đề giám sát về tài nguyên môi trường. Bởi đây là thực tế tập trung nhiều điểm nóng, từ đó rút ra bài học chung./.

Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN