Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần tạo ra môi trường tốt nhất để mọi người cùng học tập

Thứ Năm, 25/05/2023 17:18 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, các cấp Hội nghiên cứu hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đặt ra trong thời gian tới với giáo dục - đào tạo các cấp. Đặc biệt, cần tạo ra môi trường tốt nhất để mọi người cùng học, học suốt đời, xây dựng được xã hội học tập như mong muốn.

Ngày 25/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương đến thăm, làm việc với Hội Khuyến học Việt Nam.

Về phía Hội Khuyến học Việt Nam có GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; các lãnh đạo Trung ương Hội; cùng lãnh đạo các ban chuyên môn, văn phòng của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Khuyến học TP.Hà Nội.

 GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: VA

Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Thị Doan cho biết: Chúng ta đã đi được nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII với các thành tựu đạt được rất đáng tự hào; từ đó, đặt ra yêu cầu cao hơn, quyết tâm lớn hơn, nhằm đi tiếp chặng đường còn còn lại, thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội đề ra.

GS.TS Nguyễn Thị Doan chia sẻ: Thực tế đã chứng minh và ai cũng hiểu, muốn phát triển bền vững bản thân, gia đình, xã hội thì chỉ bằng con đường học tập, học suốt đời, học không bao giờ cùng. Bởi vì “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “không học thì công việc sẽ gạt mình sang một bên” như Bác Hồ dạy. Song, để làm được điều đó, cần có sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và lãnh đạo các cấp.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của Ban Tuyên giáo Trung ương, các hội quần chúng, Ban Dân vận Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính…, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã có những bước tiến quan trọng, góp phần quan trọng và chấn hưng sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) nước nhà và phát triển toàn diện của đất nước.

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: VA

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ vui mừng khi hiện nay tổ chức của Hội đã hình thành lớn mạnh; được hình thành, thành lập ở các cấp hành chính, từ trung ương, cấp tỉnh, huyện đến xã; bước đầu thành lập ở các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang (chủ yếu bộ đội Biên phòng). 63 địa phương đã thành lập tổ chức hội cấp tỉnh; số hội viên khuyến học cả nước trên 23 triệu người; có 16.706 số Hội khuyến học cơ sở; 131.408 chi hội khuyến học và 129.775 ban khuyến học.

Nhắc đến triết lý phát triển đã được cha ông ta đúc rút từ ngàn xưa: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu”, Phó Thủ tướng cho rằng: Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế dựa vào tri thức thì nguồn lực quan trọng nhất, tài nguyên quan trọng nhất, đó là con người và động lực phát triển mạnh mẽ nhất đó là nhân tài.

Chính vì vậy, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: Đảng, Nhà nước đã đổi mới tư duy về giáo dục khi chuyển mô hình giáo dục sang giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập, nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VA

Đóng góp quan trọng vào chủ trương đó, thời gian qua, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cùng các cấp Hội đã tích cực triển khai có hiệu quả các Chương trình, Đề án góp phần quan trọng trong việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương.

Với 23 triệu cán bộ, hội viên, chiếm gần 1/4 dân số cả nước, theo Phó Thủ tướng, đây là lực lượng hết sức lớn mạnh đang sinh hoạt trong khoảng 140 nghìn chi hội và 125 nghìn ban khuyến học. Các cấp Hội Khuyến học luôn là lực lượng có vai trò nòng cốt trong cuộc vận động toàn dân tham gia mọi hình thức học tập, học tập suốt đời.

Hội Khuyến học Việt Nam đồng thời đã phối hợp với các tổ chức xã hội như Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đóng vai trò tiên phong trong liên kết, phối hợp các lực lượng xã hội, tạo sức mạnh to lớn trong thực hiện nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ sự trân trọng và gửi lời tri ân sắc đến các cán bộ, hội viên trên cả nước, các thế hệ lãnh đạo của trung ương hội mọi thời kỳ. Đây phần lớn là những người đã nghỉ hưu, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình nhưng vẫn giữ lửa đam mê, khát vọng cống hiến góp phần phát triển đất nước bằng tri thức của mình.

Phó Thủ tướng nêu rõ, Nghị quyết 29 đã ban hành hết sức toàn diện. Nhưng nếu nhìn vào các mục tiêu, với tư duy phải tiếp tục đổi mới về giáo dục, thể hiện được vai trò của Đảng, những thành quả của Đảng trong thời gian qua và để vượt qua được thách thức, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ GD&ĐT mong Trung ương Hội, các cấp Hội nghiên cứu hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đặt ra trong thời gian tới với GD&ĐT các cấp. Đặc biệt, cần tạo ra môi trường tốt nhất để mọi người cùng học, học suốt đời xây dựng được xã hội học tập như mong muốn.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng mong muốn Hội Khuyến học Việt Nam bằng tâm huyết và tinh thần cống hiến, trí tuệ của mình, tiếp tục có những đóng góp quan trọng; đặc biệt trong tham mưu cho Đảng để ban hành các chủ trương, đường lối, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tới; phát huy hơn nữa sứ mệnh, vai trò của Hội, nhất là liên quan đến xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

Trước hết, cần tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh là nòng cốt xây dựng xã hội học tập, phát triển các mô hình học tập: gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập; trên cơ sở đó sơ kết, tổng kết và nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy tự học làm cốt, Học không bao giờ cùng. Vận động nhân dân tích cực học tập nâng cao dân trí, nghề nghiệp, chuyên môn nhằm tăng năng lực sản xuất, chất lượng công việc, chất lượng cuộc sống. Gắn việc phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, học đi đôi với hành, với phong trào làm kinh tế giỏi, xoá đói, giảm nghèo và xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. Khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho nỗ lực phấn đấu của mỗi cá nhân, tạo điều kiện tốt nhất để đảm bảo tính liên thông và kết nối của các cấp học.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện tốt vai trò trung tâm liên kết, phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài. Phát triển Quỹ khuyến học theo hướng đa dạng, hiệu quả cao hỗ trợ đối tượng học sinh, sinh viên giỏi có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với giáo dục chất lượng cao, giáo dục đại học. Vận động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Nhân đây, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến các chính sách an sinh để cân bằng trong quá trình phát triển khi thực hiện cơ chế thị trường. Giải quyết vấn đề này sẽ thúc đẩy giáo dục; cũng giải quyết vấn đề: Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; nhưng xã hội hóa là chủ trương nhất quán, xuyên suốt phải thực hiện. Phó Thủ tướng mong Hội Khuyến học có những ý kiến, đề xuất để giải quyết được mối quan hệ này.

Thứ ba, Hội Khuyến học chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá, công nhận các mô hình học tập trong xã hội phù hợp với thực tiễn triển khai ở các địa phương trong cả nước; nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá mô hình công dân học tập...

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu. Ảnh: VA 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định mối quan hệ phối hợp khăng khít giữa Bộ GD&ĐT và Hội Khuyến học Việt Nam; đặc biệt đánh giá cao vai trò của Hội trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hơn lúc nào hết, việc hô ứng, tham gia của Hội Khuyến học Việt Nam là vô cùng quan trọng, góp phần cùng Bộ GD&ĐT hoàn thành trách nhiệm của mình.

Bộ trưởng cũng mong muốn sự phối hợp, hỗ trợ từ Hội Khuyến học Việt Nam nhằm lan tỏa các chính sách; đồng thời ghi nhận ý kiến phản hồi, phản biện, những khó khăn, vướng mắc từ xã hội khi triển khai chính sách của Bộ GD&ĐT như mảng phổ cập giáo dục; chia sẻ, góp ý về phương pháp làm việc trong bối cảnh chuyển đổi số; phối hợp trong triển khai thực hiện Quyết định số 1373/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”.

Báo cáo công tác khuyến học, khuyến tài trong thời gian vừa qua, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng phát triển mạnh mẽ, được cấp ủy, chính quyền, các cơ quan đơn vị, trường học, lược lượng vũ trang, doanh nghiệp quan tâm đạt kết quả tốt.

Từ trước đến nay chủ yếu tập trung thực hiện mô hình, phong trào: Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập trong đơn vị hành chính cấp xã. Trong 2 năm trở lại đây: mô hình “Công dân học tập” đã được thực hiện trong cơ quan Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, tạo sự chuyển biến tích cực trong phong trào học tập, học tập suốt đời trong xã hội.

Tổng số quỹ khuyến học Việt Nam đến nay: 47 tỷ đồng  trong năm 2022 đế nay chi: trên 12 tỷ đồng trao học bổng, tu sửa phòng học xuống cấp, trao học bổng cho học sinh nghèo, học sinh, sinh viên giỏi và người lớn tự học. Quỹ khuyến học, khuyến tài của địa phương phấn đấu trong nhiệm kỳ VI bình quân đạt 35.000 đ/người dân. Hiện nay đạt 32.000đ/người dân (chỉ tiêu Đại hội đề ra 30.000 đồng/người). Tổng số quỹ trên địa bàn cả nước hơn 4000 tỷ đồng./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN