Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần sớm hỗ trợ toàn diện cho lực lượng tham gia chống dịch

Thứ Bảy, 18/12/2021 20:33 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Kết quả khảo sát hơn 2.000 y bác sĩ tuyến đầu trong phòng chống COVID-19 trên cả nước từ tháng 9 đến tháng 11/2021 đã cảnh báo những ảnh hưởng của đại dịch và đưa ra một số khuyến nghị đáng chú ý.

Ngày 18/12, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Tổ chức quốc tế chống đói nghèo (ActionAid) tại Việt Nam, Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội, Viện Kinh tế và Công nghệ y tế phối hợp tổ chức Hội thảo “Tác động của đại dịch COVID-19 với sức khỏe và điều kiện kinh tế - xã hội - việc làm của cán bộ y tế”.

Hội thảo diễn ra tại trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tới 3 điểm cầu: Bệnh viện COVID Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế và Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Tham dự có Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương.

 

Các cá nhân tiêu biểu trên tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam nhận Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam tại điểm cầu Hà Nội 

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS,BS Hà Anh Đức, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, nghiên cứu mới của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, phối hợp với ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội, Viện Kinh tế và Công nghệ Y tế về “Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong COVID-19” được công bố hôm nay tại Hà Nội qua khảo sát hơn 2.000 y bác sĩ trên cả nước từ tháng 9 đến tháng 11/2021 đã cảnh báo những ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến thu nhập và khối lượng công việc trong ngành y và đưa ra một số khuyến nghị đáng chú ý. 

Nghiên cứu cho thấy, khoảng 60% nhân viên y tế đã phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng lên đáng kể trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19; hơn 1/3 nhân viên y tế cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ đã bị giảm; hơn 62% nhân viên y tế tham gia chống dịch được khảo sát đến nay chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào làm giảm đáng kể động lực làm việc và mong muốn gắn bó với công việc ở các y bác sĩ và nhân viên y tế, gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với người bệnh mắc COVID-19 cũng như những tình trạng bệnh lý khác đòi hỏi chăm sóc y tế chuyên sâu.  

PGS,TS. Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế y tế, Trưởng nhóm nghiên cứu đánh giá, đại dịch COVID-19 không chỉ làm thay đổi các yêu cầu với công việc mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của các nhân viên y tế. Khoảng 40% trong số họ cho biết họ gặp phải những khó chịu và suy giảm về sức khỏe thể chất; 70% bị lo lắng và trầm cảm dẫn đến 25% giảm mức độ hài lòng với công việc của họ.

 PGS,TS. Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế y tế, Trưởng nhóm công bố kết quả nghiên cứu 

Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện ActionAid Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã rất thành công trong kìm chế các ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đối với sức khỏe của người dân. Để có được thành công ấy, không thể không nhắc tới sự hi sinh thầm lặng của rất nhiều nhân viên y tế ở mọi miền Việt Nam. 

"Chúng tôi trân trọng cảm ơn các anh chị - những người hùng thầm lặng. Báo cáo hôm nay đã cho thấy cần cải cách tiền lương cho các y bác sỹ càng sớm càng tốt và cần xem xét nguồn tài chính cho việc tăng lương thỏa đáng này”, bà Thảo nhấn mạnh.

Tại phiên làm việc buổi chiều, qua kinh nghiệm thực tế triển khai “Mạng lưới thầy thuốc đồng hành” tại một số địa phương, các đại biểu sẽ cùng chia sẻ cũng như góp ý, xây dựng nhằm nhân rộng mô hình chăm sóc sức khỏe từ xa sử dụng nền tảng công nghệ với tổ chức Hội là nòng cốt triển khai qua đó, tăng cường năng lực y tế cơ sở cũng như giảm tải gánh nặng y tế cho các đơn vị điều trị, giành giật những mạng sống quý giá trong giai đoạn phức tạp hiện nay.

Dịp này, 60 cá nhân tiêu biểu trên tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam đã nhận Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam kèm tiền mặt 5 triệu đồng.

PGS,TS. Trần Xuân Bách cho biết, nghiên cứu về “Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong COVID-19”  là 1 trong 3 nội dung rất quan trọng được giới thiệu trong phần dẫn đề của Thảo luận chính sách về “Ảnh hưởng của COVID – 19 đến điều kiện lao động, kinh tế và xã hội của các nhân viên y tế Việt Nam” do Trung ương Hội Thầy Thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với ActionAid Việt Nam, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội, Viện Kinh tế và Công nghệ Y tế đồng tổ chức. 

Từ kết quả nghiên cứu, chuyên gia này đề xuất, cần hỗ trợ toàn diện cho lực lượng tham gia chống dịch như: tạo môi trường làm việc, giảm nguy cơ phơi nhiễm; có cơ chế tăng lương, thưởng, ghi nhận, động viên họ từ địa phương, cơ sở y tế cũng như cộng đồng; tăng sự gắn kết giữa các nhóm yếu tố như nhóm yếu tố về tổ chức công việc đảm bảo hiệu quả khi công việc gia tăng, nhóm yếu tố về rủi ro sức khỏe, sự cô lập từ cộng đồng; nhóm yếu tố tăng cường sử dụng công nghệ, số hóa, tối ưu hóa quy trình;nhóm yếu tố nâng cao giá trị y đức, sứ mệnh của nhân viên y tế trước "cú sock xã hội" như COVID-19...

 

Cẩm Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN