Cần siết chặt quản lý loại hình vận tải hành khách bằng xe giường nằm
(ĐCSVN) - Không thể phủ nhận sự tiện nghi, thoải mái mà loại hình vận tải hành khách bằng xe giường nằm đem lại cho hành khách trên mỗi hành trình.Tuy nhiên, sự nguy hiểm, mất an toàn đang bộc lộ ngày càng nhiều từ loại hình vận tải này.
Vụ tai nạn giữa hai xe khách vừa xảy ra tại Bình Thuận ngày 22/5 khiến 13 người chết và 39 người bị thương là vụ tai nạn thảm khốc tiếp theo liên quan đến xe giường nằm.
Vụ tai nạn thảm khốc khi hai xe giường nằm đâm vào nhau bốc cháy khiến
12 người thiệt mạng tại Bình Thuận. (Ảnh: baodatviet.com.vn)
Trước đó, đã có không ít vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra với loại hình vận tải trên, như vụ xe giường nằm chở hơn 40 người rơi xuống vực ở đèo Lò Xo (Quảng Nam) hồi giữa năm 2015; vụ lật xe khách giường nằm Sao Việt ở Lào Cai xảy ra tháng 9/2014 khiến 14 người tử vong; vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tại xã Yên Sơn (huyện Bảo Yên, Lào Cai) trên chiếc xe giường nằm chở 47 người, khiến 7 người thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương vào năm 2013.
Nguyên nhân chính các vụ tai nạn được cơ quan chức năng xác định do xe mất phanh, tài xế không làm chủ được tay lái khiến xe lao xuống vực. Ở các vụ tai nạn khác thì nguyên nhân do phóng nhanh, chạy ẩu để tranh giành khách, chở quá người so với quy định…
Về nguyên nhân kĩ thuật, một số quan điểm cho rằng do xe giường nằm trọng tâm cao trong khi với đặc điểm đường xá nhiều đèo dốc quanh co như nước ta rất dễ mất thăng bằng khi đổ dốc, đèo, khó kiểm soát khi có sự cố bất ngờ. Mặt khác, các phương tiện chạy đêm thường mắc rất nhiều lỗi vi phạm như: chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ, lấn đường… là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các tai nạn xảy ra. Việc này có một phần trách nhiệm thuộc về lực lượng tuần tra, xử lý, khi bỏ mặc cho loại hình vận tải này “tự tung tự tác” qua các địa phương.
Riêng vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Bình Thuận, trả lời báo chí, ông Huỳnh Ngọc Thanh, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận cho biết, nguyên nhân bước đầu đã xác định chiếc xe khách giường nằm BKS 38N-5577 chạy tuyến TP. Hồ Chí Minh đi Hà Tĩnh khi đến địa điểm nói trên đã vượt qua một xe tải của Bình Thuận BKS 86C-05388, rồi đối đầu với một xe khách giường nằm BKS 51B-11224 của nhà xe Phương Trang chạy hướng Quảng Ngãi - TP. Hồ Chí Minh.
Việc có phải do tài xế vượt ẩu hay lí do nào khác đang chờ kết luận nguyên nhân chính thức từ cơ quan chức năng, nhưng sự nguy hiểm của những chiếc xe 2 tầng thì quá rõ ràng.
Từ một số nguyên nhân cơ bản trên đang đặt ra vấn đề bức thiết, đó là công tác quản lý loại hình vận tải đặc biệt này như thế nào để đảm bảo an toàn cho hành khách trên mỗi hành trình. Bởi đa số các xe giường nằm chạy tuyến đường dài, chạy liên tỉnh, chuyên chở nhiều người, hành khách hay bị động (thường nằm ngủ khi đi xe), trong khi xe chạy cả ngày lẫn đêm nên tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro.
Vấn đề mất an toàn của xe giường nằm đã từng được nhiều chuyên gia, cũng như cơ quan quản lý đề cập tới sau khi xảy ra một số vụ tai nạn thảm khốc liên quan đến dòng xe này. Có rất nhiều luồng ý kiến đưa ra về việc có để xe giường nằm tiếp tục tồn tại trong danh mục phương tiện vận tải hành khách trong tương lai nữa hay không. Những ý kiến không đồng tình cho rằng, chủng loại xe giường nằm không an toàn so với xe khách ghế ngồi thông thường nên cần loại bỏ.
Theo số liệu của cơ quan chức năng, hiện cả nước có khoảng 5.000 chiếc xe giường nằm đang hoạt động; 90% các tuyến đường dài hiện nay hoạt động vận tải bằng xe giường nằm và chủ yếu chạy đêm.
Các ngành chức năng liên quan cần tăng cường các biện pháp thanh, kiểm tra, đặc biệt cần có ngay biện pháp siết chặt công tác quản lý lọai hình vận chuyển hành khách bằng xe giường nằm; cần hạn chế hoạt động của xe giường nằm ở các địa bàn nhiều đèo, dốc. Đó cũng là giải pháp góp phần đảm bảo an toàn cho hành khách và tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra./.