Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần quy định về trách nhiệm người khởi tạo thông điệp điện tử

Thứ Ba, 20/09/2022 11:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ban soạn thảo cần quy định cụ thể hơn về quản lý người khởi tạo, trách nhiệm của người khởi tạo thông điệp điện tử, nhất là những thông điệp chứa thông tin đời tư, bí mật cá nhân, bí mật của cơ quan, tổ chức, vì các vấn đề này đều có liên quan đến thông tin cá nhân và chữ ký số…

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới khi cho ý kiến vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Ảnh: QH

Đó là đề xuất của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới khi cho ý kiến vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại Phiên họp pháp luật tháng 9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 19/9.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, hiện nay Chính phủ đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nghị định này Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có ý kiến là chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

“Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần phối hợp với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Bộ Công an nghiên cứu để đảm bảo nội dung của dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành và tích hợp vào Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cho thống nhất, tránh chồng chéo với nội dung của nghị định nêu trên”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng cho rằng hiện nay Bộ Công an đã có một đề án rất thành công về thông tin cá nhân là tích hợp vào căn cước công dân có gắn chip. Việc này phục vụ cho Chính phủ điện tử thì các bộ, ngành cũng đang tích hợp và sử dụng thông tin này.  Bởi vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu các quy định có tính liên thông với các nội dung trên vào trong Luật Giao dịch điện tử để đảm bảo tiện lợi và an toàn thông tin trong giao dịch.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đặt câu hỏi: Vấn đề giao dịch điện tử liên quan đến quốc phòng, an ninh thì có quy định trong luật này hay không, hay quy định đây là nghị định riêng cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh và giao dịch điện tử? Đây là vấn đề lớn, nếu quy định trong luật này thì quy định như thế nào hoặc giao cho Chính phủ có một nghị định riêng về lĩnh vực quốc phòng, an ninh?

Về việc tạo thông điệp dữ liệu là vấn đề này phổ biến, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ban soạn thảo cần quy định cụ thể hơn về quản lý người khởi tạo, trách nhiệm của người khởi tạo thông điệp điện tử, nhất là những thông điệp chứa thông tin đời tư, bí mật cá nhân, bí mật của cơ quan, tổ chức, vì các vấn đề này đều có liên quan đến thông tin cá nhân và chữ ký số, v.v..

Về giao dịch điện tử đối với cơ quan nhà nước, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cơ quan nhà nước đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho người dân và doanh nghiệp. Điều này hiện nay đang chuyển đổi rất nhanh chóng, cung cấp những dịch vụ công đó. Đồng thời, hiện nay có một tình trạng xảy ra là vừa cung cấp giao dịch điện tử nhưng các cơ quan yêu cầu hoạt động phải có giấy tờ, tình trạng đó gây bất tiện cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo ra một kẽ hở trong pháp luật là tiêu cực trong này.

Do đó, Ban soạn thảo cần phải quy định về nguyên tắc bắt buộc phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người dân và doanh nghiệp, không được phép từ chối hoặc yêu cầu nộp thêm hồ sơ bất kỳ dưới hình thức nào.

“Về vấn đề chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các giao dịch điện tử theo quy định là Chính phủ cung cấp dịch vụ là chữ ký số nhưng riêng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì có điều chỉnh hay không chữ ký số này? Bởi vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm về vấn đề này”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết./.

BL

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN