Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần quy định cụ thể tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới

Thứ Ba, 01/12/2015 18:51 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 30/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức Hội thảo “Bổ sung tiêu chí tiếp cận pháp luật vào Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu khẳng định, Quyết định 09/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/1/2013 ban hành quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL) của người dân tại cơ sở, đã bước đầu tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức đánh giá chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã trong thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền; góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, hỗ trợ pháp luật cho người dân tại cơ sở, đề cao vai trò của người dân trong quản lý xã hội, qua đó góp phần giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, một trong những hạn chế là chuẩn TCPL chưa được bổ sung vào Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (NTM) nên đánh giá địa phương đạt chuẩn rất khó khăn.

            Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: TH).

Là đơn vị được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu bổ sung tiêu chí này vào Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, Quyền Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Lân cho biết: Qua nghiên cứu, hiện đang đề xuất vị trí của tiêu chí TCPL theo 3 phương án gồm một phương án độc lập là bổ sung hẳn một tiêu chí mới thành Tiêu chí số 20, hai phương án còn lại thì lồng ghép vào Tiêu chí 18 hoặc Tiêu chí 19.

Tại Hội thảo, đa số ý kiến đại biểu đồng tình với phương án 1.Theo đó, nội dung của tiêu chí TCPL gồm xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản của cơ quan cấp trên; thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở; thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính; thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; thực hiện công tác quản lý, đăng ký hộ tịch; nguồn lực về cơ sở vật chất, cán bộ, điều kiện bảo đảm thực hiện các nội dung trên.

Theo Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên Lê Đình Thu, hai phương án lồng ghép sẽ bó hẹp nội dung của tiêu chí TCPL, dẫn đến tình trạng tản mạn, khó theo dõi, hướng dẫn. Tán thành phương án 1, song Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên Lê Đình Thu chỉ ra các quy định hiện còn chung chung. Trên cơ sở đó, đề nghị cần lượng hóa được các chỉ tiêu như: Nêu được tỷ lệ ban hành văn bản quy định chi tiết văn bản cấp trên; tỷ lệ người dân được phổ biến pháp luật; tỷ lệ thủ tục hành chính được thực hiện đúng quy định về hồ sơ, thời hạn; tỷ lệ người dân có yêu cầu và được trợ giúp pháp lý…

Chỉ ra việc thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật ở cấp xã thời gian qua còn mờ nhạt, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình Trần Lê đề nghị, cân nhắc khi đưa chỉ tiêu thực hiện công tác này vào Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, nếu đưa vào thì phải quy định cụ thể hơn nữa…/.
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        Thu Hằng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN