Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần phân định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng trường

Thứ Năm, 07/12/2017 16:52 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cần thể hiện và phân định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường với cơ quan quản lý nhà nước và với Hiệu trưởng, đồng thời làm rõ hơn quyền tự chủ của các trường, thể hiện rõ hơn trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.

PGS Lê Minh Thắng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Ảnh: VA

Đó là quan điểm của PGS Lê Minh Thắng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khi bàn về vai trò và trách nhiệm của Hội đồng trường đại học trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Theo PGS Lê Minh Thắng, việc phân định trách nhiệm cụ thể giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng phải đưa vào Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, chứ không chỉ đưa vào quy chế tổ chức và hoạt động của riêng Hội đồng trường.

“Theo dự thảo, Hội đồng trường sẽ tổ chức bầu Hiệu trưởng. Đây là một điểm mới rất tích cực. Bộ GD&ĐT chỉ công nhận Chủ tịch Hội đồng trường, các thành viên Hội đồng trường và Hiệu trưởng, còn các Phó Hiệu trưởng là do Hiệu trưởng bổ nhiệm theo nghị quyết của Hội đồng trường sau khi Hội đồng trường tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.

Thêm nữa, để Hội đồng trường có thực quyền ngoài việc quyết nghị về nhân sự, Hội đồng trường cần quyết nghị về vấn đề tài chính. Để quản trị tốt một trường đại học tự chủ, chúng ta nên theo cách quản trị của doanh nghiệp, có thể tham khảo rõ hơn và chi tiết trong luật doanh nghiệp. Theo đó, Hội đồng trường còn cần Tổ chức hoạt động kiểm toán nội bộ. Điều này một trường đại học khá gần với Việt Nam là đại học Chulalongkorn (Thái Lan) đã thực hiện”- PGS Lê Minh Thắng bày tỏ.

Đưa sinh viên tham gia Hội đồng trường

Nêu quan điểm về việc sinh viên tham gia Hội đồng trường và số lượng thành phần ngoài trường, PGS Lê Minh Thắng chia sẻ quan điểm kinh nghiệm từ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Khi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tham gia kiểm định quốc tế của HCERES, họ có ý kiến ngay là hội đồng trường không có sinh viên. Mặc dù chúng tôi đã trả lời là theo Luật hiện hành, hội đồng trường không có sinh viên, nhưng đã có Bí thư đoàn thanh niên là đại diện. Tuy vậy, họ cho rằng, Bí thư đoàn thanh niên vẫn là cán bộ trẻ nên không thể đại diện cho sinh viên. Như vậy, có thể thấy, sinh viên tham gia Hội đồng trường là rất quan trọng đối với thế giới.

Sinh viên là bên liên quan quan trọng nhất trong trường đại học, cần phải được đóng góp tiếng nói. Cần coi họ là những người có quyền và trách nhiệm tham gia vào quyết nghị những vấn đề phát triển nhà trường. Nếu không đưa đại diện sinh viên vào thì nguy cơ trường không qua kiểm định quốc tế, trong khi chúng ta đang đặt kế hoạch tăng hạng trong xếp hạng quốc tế. Thêm nữa, nếu đưa sinh viên vào Hội đồng trường không phải chỉ vì bàn đến học phí mà còn là chương trình đào tạo và các ngành đào tạo, các chính sách cho sinh viên, chính sách đảm bảo chất lượng.

“Tôi cho rằng, chúng ta phải đặt niềm tin vào sinh viên, tạo cho họ cơ hội để tham gia vào quá trình phát triển nhà trường. Sinh viên không còn là học sinh mà đã là những công dân với đầy đủ quyền công dân và ý thức trách nhiệm của mình. Đưa sinh viên vào hội đồng trường cũng chính là làm cho họ nhận thức được đúng và thực hiện trách nhiệm của mình, thể hiện hết năng lực và sự sáng tạo của tuổi trẻ, điều rất cần được khơi dậy trong xã hội hiện nay” – PGS Lê Minh Thắng nhấn mạnh.

Theo PGS Lê Minh Thắng, đối với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhà trường đã coi sinh viên là chủ thể, trung tâm của các hoạt động của nhà trường. Sau khi được kiểm định HCRES, trường đã thống nhất quy định đại diện cho sinh viên là thành viên không chính thức trong Hội đồng trường, được mời tham dự các phiên họp và đóng góp ý kiến, nhưng không tham gia biểu quyết (tuân thủ luật hiện hành) trong quy chế tổ chức hoạt động của trường vừa được ban hành.

Nên tăng tỷ lệ thành phần ngoài trường trong Hội đồng trường

Liên quan đến thành phần ngoài trường trong Hội đồng trường, theo PGS Lê Minh Thắng tỷ lệ 30% trong Dự thảo tuy có tăng lên so với luật hiện hành nhưng như vậy là còn ít hơn thế giới (nhiều trường trên thế giới là 50%). Điều quan trọng là phải chọn những đại diện của cộng đồng xã hội thực sự tâm huyết và có trách nhiệm với nhà trường. Đó là những lãnh đạo của các doanh nghiệp sử dụng lao động, đặc biệt là các cựu sinh viên thành đạt của trường.

“Họ yêu trường và có trách nhiệm với trường, sẵn sàng đóng góp cho hoạt động của nhà trường không vì lợi ích kinh tế, mà đó chính là niềm vinh dự, sự cống hiến cho xã hội, vì nâng cao chất lượng của nhà trường, cũng chính là nâng cao chất lượng đội ngũ lao động tương lai của họ. Không những thế họ còn thúc đẩy việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, mở rộng cơ hội tìm kiếm các kênh đầu tư cho nhà trường. Điều này chúng tôi nhận thấy rất rõ ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Những ý kiến của thành viên ngoài trường trong Hội đồng trường đã ảnh hưởng tích cực đến các hoạt động của trường. Vì vậy, tôi cho rằng, việc đưa đại diện sinh viên và tăng tỷ lệ thành viên ngoài trường tham gia hội đồng trường như dự thảo hiện nay là việc nên làm” – PGS Lê Minh Thắng chia sẻ.

PGS Lê Minh Thắng nhấn mạnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sẽ tạo ra cơ chế để Hội đồng trường hoạt động tốt hơn, thực chất hơn, nhưng để Hội đồng trường có thể thực sự hoạt động tốt, đúng với vai trò của nó thì việc thực hiện ở các trường cụ thể là vô cùng quan trọng, đầu tiên là từ sự nhận thức và quan tâm đúng đắn về vai trò của Hội đồng trường của cán bộ trong trường./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN