Cần nhớ bài học "Xin chào"
(ĐCSVN) - Công chúng báo chí và dư luận thật sự ấm lòng khi biết tin Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao yêu cầu cấp dưới đình chỉ vụ án “Kinh doanh trái phép” xảy ra ở quán cà phê “Xin Chào” do ông Nguyễn Văn Tấn làm chủ, ngụ tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh.
- Vụ khởi tố chủ quán cà phê Xin Chào: Chuyện nhỏ mà không nhỏ
- Chính thức đình chỉ vụ án chủ quán cà phê "Xin Chào" “kinh doanh trái phép”
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kết luận: Hành vi của chủ quán Xin Chào không phạm tội “Kinh doanh trái phép”
- Vụ khởi tố chủ quán cà phê Xin Chào, Thành phố Hồ Chí Minh: Trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung
Dư luận cũng “hả lòng, hả dạ” khi nghe tin trong ngày 25/4/2016, Giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh. Quyết định đình chỉ nhằm kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm về sai phạm có liên quan tới việc xử lý vụ án Kinh doanh trái phép của ông Nguyễn Văn Tấn.
Hoạt động kinh doanh tại quán Xin Chào bị ngưng trệ kể từ ngày ông Tấn bị Công an
huyện Bình chánh ra quyết định khởi tố hành vi phạm tội Kinh doanh trái phép.
(Ảnh chụp chiều 25/4). Nguồn: sggp.org.vn
“Nó nhỏ bằng cái móng tay thôi mà, có gì đâu mà bàn tán xôn xao” – lời khuyên của một cán bộ trong cơ quan bảo vệ pháp luật TP Hồ Chí Minh đã không thuyết phục được báo giới. Bởi, ngoài chức năng là “cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội…”, báo chí còn là “diễn đàn của Nhân dân”.
Thực tiễn cho thấy, cá biệt có những vụ việc, có những phóng viên vì trình độ, vì động cơ nào đó đứng ngoài cuộc “phán xét, kết tội” thiếu căn cứ một ai đó. Nhưng, ngược lại, trong vụ án quán cà phê Xin chào, những người cầm bút đã “tắm mình” trong thực tiễn để công bố những tin bài mang tính phản biện chí lý, chí tình. Báo chí đã thực sự là diễn đàn của nhân dân, là “cầu nối” giữa công dân với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và cao hơn là “cầu nối” với người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp.
Phải khẳng định rằng, trong vụ án quán cà phê Xin chào, báo chí đã nói lên được tiếng nói của quảng đại quần chúng, của Nhân dân – cội nguồn làm nên sức mạnh. Báo chí đã nói rõ được quan điểm của Đảng, Nhà nước trước các vấn đề hệ trọng liên quan đến ‘quyền con người, quyền công dân”. Trong đó, thể hiện rõ nét nhất các nguyên tắc được ghi trong Hiến pháp – đạo luật gốc, đạo luật cơ bản của hệ thống pháp luật Việt Nam, đó là “mọi người đều bình bẳng trước pháp luật”; “Mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Rồi đây những sai phạm của Trưởng Công an, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh và những người tham gia tố tụng “hình sự hóa” vụ chủ quán cà phê Xin chào sẽ được xác minh, làm rõ.
Nói cách khác, TP Hồ Chí Minh đang hướng đến một thành phố đáng sống, một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình không thể chấp nhận cách hành xử như những cán bộ của cơ quan bảo vệ pháp luật của huyện Bình Chánh. Hướng đến một quốc gia khởi nghiệp như Việt Nam, đang “gieo” tinh thần khởi nghiệp đến từng người dân thì càng không thể chấp nhận hành vi của những người đại diện cơ quan chấp pháp huyện Bình Chánh trong việc “xử ép” chủ quán cà phê Xin chào.
Điều chúng tôi muốn đề cập thêm từ vụ quán Cà phê Xin chào là những người đang nắm trong tay “thanh bảo kiếm”, đang công tác tại các cơ quan bảo vệ pháp luật, có quyền sinh, quyền sát - được “bắt, giam, tha”, nhưng nếu tha hóa về đạo đức, vì động cơ không trong sáng, có tiêu cực, tham nhũng, hoặc vì trình độ non yếu, nhận thức pháp luật không đầy đủ thì dễ dàng đẩy người dân vô tội vào vòng lao lý. Và, như vậy sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn đối với gia đình, dòng họ và cao hơn nữa là làm mất niềm tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật và nền tư pháp của nước nhà.
Chợt nhớ đến câu thơ được lưu truyền trong nhân dân: “Thương dân, dân lập đền thờ/Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương”. Vụ án quán cà phê Xin chào cần được những công bộc của dân ghi nhớ khi thừa thành công vụ. Ghi nhớ để phấn đấu trong thời kỳ ăn lương, nhận bổng lộc (nhận tiền thuế đóng góp của nhân dân) hãy cố gắng thực hiện được vế đầu của câu thơ trên. Bằng không, nếu cán bộ, công chức nào đó xem thường người dân, tự cho mình được quyền sống trên pháp luật, “mượn tay” pháp luật, thì khi đó “cú ngã” sẽ đau đớn lắm đấy!
Bài học “Xin chào” cần được khắc ghi./.