Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần nhiều “thầy” hay... “thợ”?

Thứ Hai, 26/12/2016 14:52 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - “Mở” cơ hội học đại học với tất cả thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là điều kiện cần thiết, nhưng cũng phải tính toán nhu cầu thị trường. Mà nhu cầu thị trường lại phụ thuộc phần nhiều vào quy mô, sự tăng trưởng của kinh tế và sự phát triển của các doanh nghiệp.

 
Ảnh minh họa . (Nguồn: tuoitre.vn) 

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh chính quy hệ đại học, cao đẳng năm 2017 nhóm ngành đào tạo giáo viên, với nhiều điểm mới, trong đó có việc bỏ điểm sàn và không giới hạn nguyện vọng với thí sinh dự thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia, xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Bỏ điểm sàn, đồng nghĩa với việc thí sinh chỉ cần đỗ tốt nghiệp THPT là trúng tuyển đại học. Không ít chuyên gia giáo dục cho rằng, bỏ điểm sàn là bước tiến của ngành Giáo dục, trao quyền tự chủ hơn cho các trường đại học, phù hợp mô hình giáo dục của nhiều nước trên thế giới.

Nhưng nhìn ở góc độ khác, bỏ điểm sàn cũng phải tính toán đến trở ngại khác.

Bỏ điểm sàn sẽ giúp các trường, đặc biệt là trường dân lập linh hoạt hơn trong tuyển sinh, không bị “đói” sinh viên, nhưng có thể dẫn đến tình trạng không đảm bảo chất lượng đào tạo.

Không áp dụng điểm sàn, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sinh viên ra trường  đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Nhưng khác với nước ta, nhiều nước thực hiện phân luồng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp THCS và THPT. Điều đó có nghĩa là, trước khi bỏ điểm sàn, thì phải thực hiện phân luồng nghề nghiệp cho học sinh theo năng lực, sở thích ngay từ khi học trung học.

Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố, tính đến quý III/2016, số cử nhân trở lên thất nghiệp đã hơn 202,3 nghìn người. Số cử nhân thất nghiệp tăng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố “cung” nhiều hơn cầu và chất lượng đào tạo đại học chưa cao, chưa phù hợp với chuẩn quốc tế. 

Tình trạng “thừa thầy”, “thiếu thợ” đã xảy ra, có nguyên nhân từ tâm lý sính bằng cấp, sự phát triển “nóng” trường đại học... Nếu bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học, nhiều trường nghề (gồm cả cao đẳng, trung cấp, sơ cấp) có nguy cơ đóng cửa hoặc hoạt động trong tình trạng thu không đủ chi.

“Mở” cơ hội học đại học với tất cả thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là điều kiện cần thiết, nhưng cũng phải tính toán nhu cầu thị trường. Mà nhu cầu thị trường lại phụ thuộc phần nhiều vào  quy mô, sự tăng trưởng của kinh tế và sự phát triển của các doanh nghiệp.

Giáo dục là vấn đề hệ trọng của mỗi quốc gia, liên quan đến mỗi gia đình và tương lai thế hệ trẻ, vì thế mọi quyết sách của ngành Giáo dục phải trúng và đúng, nếu không rất có thể phải trả giá đắt!

Đăng Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN