Cân nhắc điều chỉnh mức vốn dự án quan trọng quốc gia từ 10 nghìn tỷ lên 20 nghìn tỷ đồng
(ĐCSVN) - Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) như: điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10 nghìn tỷ lên 20 nghìn tỷ đồng; Quốc hội hay Chính phủ xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn…
Điều chỉnh có thể không trình Quốc hội dự án nào
Thảo luận về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình), Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị giữ nguyên tiêu chí như quy định luật hiện hành, vì cho rằng việc nâng cao tiêu chí từ 10 nghìn tỷ đồng lên 20 nghìn tỷ đồng là không cần thiết, chưa phù hợp tình hình giai đoạn hiện nay. Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công.
Hơn nữa về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với tổng mức vốn 10 nghìn tỷ đồng và các mức phân loại dự án A, B, C như quy định hiện hành không phát sinh vướng mắc, ngược lại nếu điều chỉnh như đề xuất của Chính phủ sẽ gây xáo trộn lớn trong chuyển dịch phân loại, quản lý dự án. Trong khi đó, con số 10 nghìn tỷ đồng là những dự án rất lớn phải được Quốc hội thông qua để bảo đảm cho việc theo dõi, giám sát.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) và nhiều ý kiến đại biểu khác cũng không đồng tình điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10 nghìn tỷ lên 20 nghìn tỷ đồng. Theo lý giải của đại biểu Quang Hàm, mức vốn 10 nghìn tỷ đồng không bất cập, Quốc hội khóa XIII, khóa XIV chỉ có 2 dự án trình Quốc hội; một quốc gia đang phát triển mà 10 năm chỉ có 2 dự án quan trọng là quá ít. Nếu điều chỉnh tăng lên 20 nghìn tỷ có thể không còn dự án nào trình Quốc hội. Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà điều chỉnh để Quốc hội không quyết định dự án nào là bất hợp lý.
“Việc lý giải mức vốn 10 ngàn tỷ hiện nay bất hợp lý sau đó tính thêm trượt giá, tăng trưởng, dự báo cho tương lai để đưa lên 20 ngàn tỷ đồng là không thuyết phục. Mức 10 nghìn tỷ giai đoạn trước là cao vì 10 năm chỉ có 2 dự án đạt tiêu chí quan trọng quốc gia. Và bây giờ tính thêm tăng trưởng, trượt giá, dự báo cho tương lai, đưa lên 10 nghìn tỷ là phù hợp. Thực ra mức 10 nghìn tỷ cũng đã là cao so với qui mô chi đầu tư hàng năm của ngân sách trung ương, không tính bổ sung cho địa phương thì chỉ hơn 80 nghìn tỷ đồng”- đại biểu Quang Hàm làm rõ thêm.
Không mất thời gian nếu Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng nguyên tắc
Về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn, đây là nội dung còn nhiều ý khác nhau. Nhiều đại biểu Quốc hội, trong đó có đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị, Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn bao gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương theo đúng tinh thần của Hiến pháp.
Đại biểu cho rằng, Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn cho từng dự án là hoàn toàn khả thi, không mất thời gian nếu Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng nguyên tắc, định hướng và khi đầu tư từ trung ương không dàn trải hàng ngàn công trình như hiện nay mà chỉ tập trung vào một số ít công trình lớn, quan trọng, liên kết vùng miền là những cú huých tạo động lực tăng trưởng.
“Hiện nay, Chính phủ phải trình đi trình lại nhiều lần là do chuẩn bị chưa đạt yêu cầu; Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể từ chối khi Chính phủ chuẩn bị đầy đủ, đúng qui định” - đại biểu Quang Hàm bày tỏ.
Tuy nhiên, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) và một số đại biểu đề nghị Quốc hội chỉ quyết định tổng mức, nhưng giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua. Theo lý giải, nếu để Quốc hội quyết định danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án sẽ dẫn tới mất nhiều thời gian, phát sinh nhiều thủ tục hành chính.
Mặt khác, danh mục dự án cần qua nhiều bước để xác định thông tin nên cần có thời gian, nếu có thay đổi sẽ phải thực hiện các thủ tục báo cáo Quốc hội tại kỳ họp; tính linh hoạt trong điều hành đầu tư công sẽ hạn chế. Vì vậy, để tăng cường phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính đề nghị giao Chính phủ thẩm quyền quyết định danh mục dự án, bảo đảm linh hoạt, sát thực tế./.