Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần loại bỏ những cán bộ không có năng lực, không xứng đáng tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy

Thứ Tư, 02/11/2016 16:52 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thông điệp của Chính phủ xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển là một thông điệp trúng ý Đảng, hợp lòng dân.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 2/11. Ảnh: KT

Đây là vấn đề được Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhấn mạnh tại hội trường Quốc hội sáng 2/11 khi thảo luận về: Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

 

Đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế thể hiện quyết tâm của Chính phủ. Tuy nhiên, trong Báo cáo của Chính phủ cũng như kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế có một nội dung rất quan trọng và chưa thể hiện rõ thông điệp của Chính phủ là xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển. Đại biểu cho rằng: Đây là một thông điệp trúng ý Đảng, hợp lòng dân, thể hiện nội dung quan trọng của việc xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh và có ý nghĩa đặc biệt trong tình hình hiện nay, nhất là sau khi Trung ương 4, khóa XII vừa ban hành Nghị quyết để ủng hộ Chính phủ thực hiện quyết tâm này.

Đại biểu phân tích, nói đến Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển là nói đến phẩm hạnh, năng lực và vai trò kiến trúc sư của Chính phủ trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Đồng thời cho rằng đây là cơ hội để Chính phủ chuyển mình từ phương thức quản lý điều hành sang một Chính phủ tạo môi trường phát triển và lấy tinh thần phục vụ làm trọng. Đất nước ta tiếp cận với một nền công nghiệp chậm, cho nên xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển chính là cơ hội để rút ngắn thời gian công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để làm tiền đề cho sự phát triển vững chắc của đất nước.

Theo đại biểu, nội dung xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển có 3 vấn đề trụ cột.

Trong đó, trụ cột thứ nhất, liêm chính, kiến tạo, phát triển trong ban hành thể chế chính sách đồng bộ, đại biểu cho rằng có ba nhóm giải pháp nhiệm vụ. Phân tích nội dung trụ cột này, đại biểu cho rằng Chính phủ phải chủ động khởi xướng chính sách để mở đường cho sự giải phóng mọi nguồn lực cho xã hội, tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính phủ phải rà soát lại các quan hệ xã hội, quan hệ kinh tế, quan hệ pháp luật căn bản để có phương pháp tác động thích hợp. Lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên, thế mạnh để tập trung đầu tư có sức lan tỏa rộng, có sức kích hoạt sâu, dẫn đường cho các quan hệ kinh tế - xã hội phát triển. Đại biểu cho rằng, hiện nay có ba lĩnh vực  lợi thế của chúng ta đó là địa lý, truyền thống và sáng tạo, là nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và khoa học, công nghệ cao, thế hệ mới. Đấy là những vấn đề nên tập trung đầu tư cho chiến lược lâu dài.

Để chấn hưng giáo dục, trọng dụng nhân tài, theo đại biểu Chính phủ nên kế thừa và phát triển kế sách trị quốc của cha ông ta. Trong đó, xây dựng đất nước thì coi giáo dục làm đầu, coi nhân tài làm trọng. Đây cũng là chính sách phát triển của nhiều nước trên thế giới.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, Chính phủ phải ngăn chặn lợi ích nhóm. Lợi ích, chính sách cục bộ ngay từ khi khởi xướng và xây dựng chính sách.

Đồng thời phải dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội. Khích lệ và tạo nguồn cảm hứng, sáng tạo cho mọi tầng lớp nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài tham gia hiến kế xây dựng đất nước. Có các quy định về thưởng, phạt nghiêm minh và ý thức thượng tôn pháp luật cho tất cả mọi người.

Trụ cột thứ hai được đại biểu đề cập đó là liêm chính, kiến tạo, phát triển trong củng cố xây dựng bộ máy. Ở đây, đại biểu cũng đề cập ba nhóm giải pháp. Trước tiên là phải rà lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan để chồng chéo, mâu thuẫn. Trên cơ sở phân cấp, phân quyền gắn với cải cách hành chính và đặc biệt là phân cấp rõ ba lĩnh vực về ngân sách, về đầu tư và tổ chức bộ máy. Đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trước pháp luật. Đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu, lấy quyền lực để kiểm soát quyền lực, lấy đạo đức, lấy lòng dân và thông tin đại chúng để kiểm soát quyền lực.

Tiếp đó phải tăng cường tính minh bạch và giải trình của người đứng đầu các cấp. Và có cơ chế đối thoại của người được đứng đầu các cơ quan nhà nước từ trung ương đến cơ sở định kỳ hàng năm, để lắng nghe lòng dân, kịp thời sửa sang chính sách và điều chỉnh phương pháp quản lý, điều hành.

Cuối cùng, trụ cột thứ ba đó là kiến tạo, liêm chính trong xây dựng đội ngũ cán bộ. Trong nội dung này, đại biểu nhấn mạnh: Chính phủ cần tạo môi trường bình đẳng cho mọi cá nhân có cơ hội tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý đất nước. Với những chức danh do bầu cử thì phải có chương trình, hành động cụ thể. Với những chức danh do bổ nhiệm thì phải thi tuyển nghiêm ngặt.

Cùng với đó phải ban hành bộ tiêu chí đánh giá theo từng hành vi công vụ để trên cơ sở đó loại bỏ những cán bộ không có năng lực, không xứng đáng tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy.

Mặt khác, cải cách tiền lương gắn với khoán chi hành chính. Đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát bên trong bên ngoài để cán bộ công chức không thể, không dám và không muốn tham nhũng./.

Kim Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN