Cần làm gì khi bị say nắng, say nóng
(ĐCSVN)- Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia ngày 10/7 cho biết, dự báo thời tiết miền Bắc và miên Trung 10 ngày tới, nắng nóng kéo dài và có ngày nhiệt độ đạt 38 độ. Đây là điều kiện dễ xảy ra các trường hợp nguy hiểm đến tính mạng như say nắng, say nóng…
Mùa hè là thời điểm mà hiện tượng say nắng, say nóng diễn ra khá phổ biến |
Say nóng là tình trạng cơ thể tăng thân nhiệt do tiếp xúc với nhiệt độ môi trường cao, hoặc hoạt động thể lực quá mức, vượt quá khả năng điều hòa của trung khu điều nhiệt dẫn đến rối loạn mất khả năng kiểm soát thân nhiệt. Say nóng có thể tiến triển thành say nắng (sốc nhiệt).
Say nắng, còn gọi là sốc nhiệt (heat troke), là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (>40 độ C) kèm theo rối loạn hoạt động các cơ quan thần kinh, tuần hoàn, hô hấp do tác động của nắng nóng hoặc hoạt động thể lực quá mức.
Say nóng thường gặp về buổi chiều có nhiều tia hồng ngoại, kết hợp với làm việc ở những nơi nhiệt độ, độ ẩm cao, thông gió kém. Say nắng thường xảy ra vào giữa trưa trời nắng nóng gay gắt, có nhiều tia tử ngoại, kết hợp với làm việc dưới trời nắng nóng, độ ẩm cao, không khí lưu thông kém.
Một số đối tượng có nguy cơ cao có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe mùa nắng nóng bao gồm: Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; Những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức: người lao động nông nghiệp, công nhân làm việc ở các lò gạch, lò luyện gang thép.
Các dấu hiệu nhẹ của say nắng, say nóng ban đầu bao gồm nhịp tim nhanh, thở nhanh, đỏ da, có thể vã mồ hôi, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. Biểu hiện nặng hơn, nếu không được xử trí kịp thời, như tụt huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh bao gồm thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, lú lẫn, co giật và hôn mê.
Việc ăn nhiều rau xanh và hoa quả cũng giúp cơ thể chống lại say nắng. Một số loại hoa quả có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm, thanh nhiệt, giải độc như bí đao, mướp đắng, dưa chuột, đào, dưa hấu, táo.... |
Thân nhiệt tăng quá cao còn gây rối loạn điện giải nặng, rối loạn thăng bằng nội môi, có thể xuất huyết (xuất huyết kết mạc, tiểu tiện ra máu) do rối loạn đông máu. Nặng hơn nữa là suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.; Những người mắc các bệnh mạn tính: tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường.
Để phòng tránh hiện tượng say nắng, say nóng người dân cần chú ý một số biện pháp sau:
Cần uống đầy đủ nước, đặc biệt là khi trời nóng hoặc lao động nặng ngoài trời nắng |
Hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời.
Luôn trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng như quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm. Tạo không gian thoáng mát trong môi trường làm việc, đặc biệt ở các công xưởng, hầm, lò.
Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng.