Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần kiểm soát chặt chẽ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm

Thứ Tư, 23/11/2016 20:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng giết mổ gia súc không phép trong cả nước vẫn diễn biến phức tạp, nhất là những tháng giáp Tết. Trong khi đó, việc triển khai xây dựng các khu giết mổ tập trung còn chậm trễ đã gây không ít khó khăn cho các địa phương trong công tác quản lý.

Thực hiện giết mổ tại nơi không đảm bảo vệ sinh sẽ gây nguy cơ lây nhiễm chéo và mất vệ sinh ATTP.
 (Ảnh: TL)


Thời gian qua, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc gửi về Tòa soạn phản ánh về vấn đề này. 

Bạn đọc Nguyễn Huấn (TP. Hà Nội) cho biết: Hiện nay, Hà Nội có hàng nghìn hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ tại các xã, thị trấn không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Ðây chính là nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và là nguồn lây lan dịch bệnh ra cộng đồng dân cư. Việc vận chuyển gia súc, gia cầm cũng đáng báo động. Gia cầm sống hàng ngày đang được vận chuyển bằng xe máy từ các huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận vào thành phố; sau đó được cắt tiết, làm lông, mổ lòng... ngay tại nơi bán và không được kiểm soát thú y, không có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem kiểm tra thú y theo quy định... Tình trạng này không chỉ gây mất vệ sinh, mà còn có nguy cơ lây nhiễm các loại vi khuẩn gây bệnh ra môi trường xung quanh. Đây là thực trạng rất cần được sự quản lý chặt chẽ của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng.

Bạn đọc Trần Linh Phan (TP. Hà Nội) nhận xét: Hiện nay, tại các chợ ở Hà Nội, lượng gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán tràn lan. Hầu hết điểm giết mổ gia cầm đều rất mất vệ sinh. Ngoài các điểm bán và giết mổ gia cầm trong chợ, tại một số chợ như: Chợ đầu mối phía Nam, đường Tân Mai, Quận Hoàng Mai; chợ Trung Tự, Quận Đống Đa; vỉa hè tuyến đường dân cư phía sau chợ Kim Liên, Quận Đống Đa; vỉa hè đường Cát Linh..., một số người bán gia cầm giết mổ ngay tại chỗ, lông gà, vịt, lòng thải vứt bừa bãi...

Bạn đọc Huy Quang (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Mặc dù lực lượng chức năng đã có sự chủ động trong công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, song do địa bàn Thành phố rộng, các cơ sở giết mổ tập trung thì chưa hoàn thành, chủ yếu vẫn giết mổ nhỏ lẻ, nên hiện nay vẫn tồn tại nhiều bất cập. Tỷ lệ gia súc, gia cầm có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hợp lệ từ các tỉnh vào thành phố còn thấp. Ðể nâng cao hiệu quả công tác quản lý giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm, cần quy hoạch xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung bảo đảm an toàn dịch bệnh; tiếp tục triển khai nhanh các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các huyện ngoại thành; xây dựng các chợ đầu mối kinh doanh, buôn bán sản phẩm động vật nằm ở cửa ngõ ra vào thành phố; tăng cường tuyên truyền các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về kiểm dịch, vệ sinh thú y cho người chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm.

Theo bạn đọc Minh Tuấn (Thành phố Hòa Bình): Tình hình giết mổ gia súc, gia cầm ở tỉnh Hòa Bình hiện nay nhìn chung chưa đảm bảo vệ sinh. Vấn đề ATTP rất đáng lưu tâm, lo ngại. Ngoài lò giết mổ gia súc của doanh nghiệp Ngọc Hà (thành phố Hòa Bình) do tỉnh quản lý, còn lại hầu hết cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn có quy mô nhỏ lẻ, do cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thực hiện. Trong điều kiện cơ sở vật chất của tư nhân, hộ gia đình, việc đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP chưa được hộ dân quan tâm, chú trọng. Hầu hết khu vực giết mổ tư nhân nhỏ lẻ có điều kiện giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, chỗ giết mổ chỉ làm đơn giản có bệ xây bằng gạch để lấy chỗ đặt gia súc, nền láng xi măng cát hoặc ốp gạch đỏ. Điều này gây ra những nguy cơ lây nhiễm chéo rất đáng lo ngại.

Để từng bước giải quyết, khắc phục, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, vận động để các hộ giết mổ gia súc gia cầm nắm bắt và nhận thức đầy đủ, thực hiện theo quy định. Bên cạnh đó, tích cực kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ để các hộ cá nhân, nhóm cá nhân đưa động vật vào lò giết mổ tập trung. Có như vậy mới giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, sản phẩm không đảm bảo ATTP, đồng thời giảm bớt được mức độ ô nhiễm, mất vệ sinh, tiếng ồn... gây ảnh hưởng, xáo trộn đời sống cộng đồng dân cư./.

Thùy Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN