Cần hết sức lưu ý đến diễn biến của bão số 13
(ĐCSVN) – Cần hết sức lưu ý đến diễn biến của bão số 13 bởi đây là cơn bão có hình thái chi phối chính hoạt động yếu; bão chịu sự ảnh hưởng của nhiều nhân tố phụ về đường đi. Do vậy, cơ quan dự báo cần bám sát diễn biến cơn bão, có những nhận định liên tục và về phía chúng ta, cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng các phương án ứng phó.
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai với các đơn vị liên quan nhằm bàn các giải pháp ứng phó với bão số 13 (bão Vamco), diễn ra sáng 12/11, tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: BT) |
Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng nay (12/11), bão Vamco đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 13 trong năm 2020. Hồi 7 giờ, vị trí tâm bão ở khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 119,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 820km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 7 giờ ngày 13/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 115,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 360km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay, về dự báo của diễn biến bão số 13, rất nhiều đài khí tượng thủy văn quốc tế có những dự báo khác nhau.
Với cơ quan khí tượng thủy văn Việt Nam, đưa ra hai kịch bản, trong đó một kịch bản có xác suất từ 70-80%. Đó là bão có gió trên Biển Đông đạt cấp 12, giật cấp 15, khi vào trong, bão sẽ đi theo hướng Tây Bắc, và vào ven bờ giảm từ 2-3 cấp, gió trên đất liền ven bờ đạt cấp 9-10. Từ đêm 13 đến ngày 15/11, khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên sẽ có mưa từ 100-250mm, từ Quảng Trị đến bắc Quảng Ngãi có mưa từ 250-350mm. Mưa sẽ phụ thuộc vào phạm vi ảnh hưởng, hướng tuyến của cơn bão này.
Thông tin tại cuộc họp cho biết, tính đến 6h00 ngày 12/11/2020, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.752 phương tiện/289.004 người. Hiện còn 4 tàu/ 47 lao động (Bình Định 3 tàu/33 lao động; Hà Tĩnh 1 tàu/14 lao động) trong khu vực nguy hiểm đang di chuyển vòng tránh.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Quang Hùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nêu lên vấn đề, khi có bão vào, việc tàu chìm ở ngoài biển khá ít trong khi lại chìm ở chính khu neo đậu nhiều hơn, do vậy, cần chỉ đạo các lực lượng, địa phương rà soát các khu neo đậu, chằng buộc các tàu trong khu neo đậu để đảm bảo an toàn.
Đối với việc nuôi lồng bè hải sản, theo ông Hùng, tập trung nhiều ở Thanh Hóa, Phú Yên, Khánh Hòa, đặc biệt tại Phú Yên, Khánh Hòa có nuôi một số hải sản có giá trị lớn. Đề nghị cần có chỉ đạo riêng với nhóm nuôi trồng thủy hải sản ở khu vực lồng bè do khi bão đổ bộ, người dân ở trong các chòi canh chênh vênh rất nguy hiểm; cần đưa người dân vào bờ khi bão vào.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đề nghị cần hết sức lưu ý đến diễn biến của cơn bão số 13 bởi đây là cơn bão có hình thái chi phối chính hoạt động yếu, do vậy, bão chịu sự ảnh hưởng của nhiều nhân tố phụ về đường đi. Vì vậy, cơ quan dự báo cần bám sát diễn biến cơn bão, có những nhận định liên tục và về phía chúng ta, cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng các phương án ứng phó.
“Cơn bão này hoàn toàn không thể chủ quan, cần dự báo liên tục về hướng đi, phạm vi ảnh hưởng, đối tượng ảnh hưởng,…” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng đề nghị cần chú ý đến một số khu vực có khả năng bị tổn thương nhất. Một là một là phạm vi ảnh hưởng trên biển, gió lớn. Kiên quyết trong thời gian hoạt động của bão, không để tàu thuyền nào hoạt động trong khu vực nguy hiểm của bão. Cần có thái độ kiên quyết để đảm bảo an toàn cho ngư dân.
Thứ hai, phạm vi dự báo bước đầu bão ảnh hưởng từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, tuy nhiên, thông tin tới đây cần mở rộng ra cả Bắc bộ và Nam bộ. Bởi cơn bão có khả năng thay đổi bất ngờ về cục diện, quy mô ảnh hưởng.
“Cần hướng đến khu vực lồng bè, cơ sở nuôi trồng thủy sản, đặc biệt chú ý đến Bắc Trung bộ, nếu không quán triệt trước thì trở tay không kịp, không để bất ngờ ở Bắc Trung bộ, kể cả thuyền nhỏ, nuôi trồng thủy sản” – Bộ trưởng lưu ý.
Thứ nữa, Bộ trưởng lưu ý đến hoàn lưu của bão gây mưa, cần chú ý bám sát công tác dự báo, cần rất cẩn trọng vì toàn bộ miền Trung nếu mưa dồn dập 100-200mm sẽ gây ra sự cố toàn tuyến. Đồng thời, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề sạt lở đất.
Về vấn đề hồ đập, Bộ trưởng đề nghị, cần đảm bảo an toàn trong vận hành, bất kỳ hồ to, hồ nhỏ đều cần có sự quan tâm đặc biệt bởi cơ bản các hồ ở khu vực miền Trung đều đã đầy nước. Ngoài ra, cần bám sát, liên tục cập nhật các thông tin dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành,.../.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sáng 12/11, ảnh hưởng của bão số 12 đã làm 2 người chết, 2 người mất tích, 8 người bị thương.
Về nhà: 9 nhà bị sập; 388 nhà bị tốc mái, hư hại. Về điện lực, còn 29 xã thuộc 2 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên bị mất điện (Khánh Hòa: 2 xã, Phú Yên: 27 xã); gãy đổ 75 cột điện tại Phú Yên. Về sạt lở bờ biển: Khu vực bắc Cửa Đại (Quảng Nam) với chiều dài khoảng 3 km; bờ biển Thừa Thiên Huế (Phú Lộc, Phú Vang) với chiều dài 10 km, nhiều khu vực bị sạt lở nghiêm trọng. |