Cần giải pháp tổng thể cho các trung tâm cai nghiện
(ĐCSVN) – Liên tiếp trong thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực Đông nam bộ xảy ra tình trạng các học viên của trung tâm cai nghiện tổ chức đập phá, chống đối cán bộ, nhân viên của Trung tâm, bỏ trốn ra ngoài, làm mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực xung quanh.
Các học viên gây rối tại Trung tâm cai nghiện Xuân Phú (Đồng Nai) bị bắt giữ (Nguồn: Báo Đồng Nai).
Liên tiếp xảy ra những vụ đập phá, chống đối của học viên cai nghiệnTrung tâm cai nghiện Xuân Phú, đóng trên địa bàn huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai có diện tích rộng gần 5 ha với 8 dãy nhà, được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 10/2015. Ông Hồ Trí Lịch - Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện cơ sở có gần 1.500 học viên, trong đó có trên 100 học viên chưa có quyết định của tòa án. Còn lại là những người sử dụng ma túy được địa phương đưa vào để chờ phán quyết của tòa án. Dựa theo quyết định thời gian cai nghiện, những người này được nhận vào Trung tâm rồi đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Mỗi học viên vào Trung tâm bắt buộc đều phải có quyết định của tòa án cấp huyện, thời gian cai nghiện ít nhất là 12 tháng. Họ được chia ra 4 phân khu để quản lý. Phòng ở từ 20 đến 50 người, tùy diện tích. Mỗi học viên được tiêu chuẩn 40.000 đồng một ngày, trong đó sáng 10.000 đồng, trưa và chiều 15.000 đồng. Tuy nhiên, tại Trung tâm cai nghiện Xuân Phú (Đồng Nai), từ đầu năm đến nay liên tiếp xảy ra tình trạng học viên đập phá, bỏ trốn ra ngoài.
Tối 23/10, khoảng 600 học viên đang cai nghiện tại Trung tâm này đã đập phá Trung tâm, gây áp lực với Ban Giám đốc Trung tâm, trốn thoát ra ngoài, tràn ra quốc lộ 1, chặn đường, đập phá xe cộ, gây ách tắc giao thông. Tỉnh Đồng Nai đã phải huy động lực lượng chức năng chặn bắt, đưa các học viên quay trở lại Trung tâm. Việc đập phá của các học viên đã gây thiệt hại nặng nề cho Trung tâm cai nghiện Xuân Phú. Sự việc không chỉ dừng lại ở đó, chỉ sau khoảng hai tuần, trong hai ngày 6-7/11, cũng tại Trung tâm lại xảy ra tình trạng gần 200 học viên đập phá, trốn thoát ra ngoài, khiến khu vực này náo loạn, người dân hoang mang. Cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đã phải huy động lực lượng để truy tìm các học viên bỏ trốn. Đồng thời, cơ quan Công an cũng xác định được những người cầm đầu trong vụ đập phá này và đã bắt khẩn cấp để điều tra làm rõ.
Không chỉ xảy ra ở Đồng Nai, sáng ngày 9/11, nhóm học viên đang cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đóng trên địa bàn huyện Tân Thành, khi đang lao động đã hò hét dùng búa phá tường rào của Trung tâm bỏ trốn. Có tổng số 193 học viên đã thoát ra ngoài. Đây đều là những học viên cũ của Trung tâm. Lực lượng Công an tỉnh cùng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với bảo vệ Trung tâm để ổn định tình hình và tổ chức tìm bắt những học viên bỏ trốn. Đến trưa cùng ngày, các lực lượng đã thu gom được 30 học viên trở về. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do các học viên ở Trung tâm biết được vụ “vỡ trại” ở Đồng Nai khiến nhiều học viên ra ngoài và trốn thoát, nên có tư tưởng “bắt chước” bỏ trốn. Một số học viên vin vào lý do cho rằng, thời gian chấp hành quyết định bắt buộc cai nghiện của tòa án là quá dài. Có đối tượng so sánh thời gian chấp hành cai nghiện người 18 tháng, người 24 tháng nên nảy sinh mâu thuẫn…
Gần đây nhất, vào ngày 13/11, Công an quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh đã tạm giữ hình sự Nguyễn Minh Quân, 21 tuổi, cư trú tại tỉnh Tây Ninh và Bùi Tường Linh, 44 tuổi, cư trú tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu về hành vi cố ý gây thương tích. Theo đó, ngày 8/11, Quân và Linh cùng một số học viên dùng thanh sắt đập vỡ cửa kính phòng A2 ở Trung tâm cai nghiện Thanh Đa, đường Xô Viết-Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, nhưng không thể chui ra ngoài. Đến đêm, khi mọi người ngủ say, Quân và Linh bẻ camera trong phòng để tiếp tục tìm đường trốn ra ngoài.
Phát hiện dấu hiệu bất thường, một bảo vệ của Trung tâm đến kiểm tra liền bị Quân siết cổ, vật xuống nền nhà để Linh dùng mảnh kính vỡ cứa cổ. Nghe tiếng tri hô, lực lượng bảo vệ của Trung tâm đã chạy đến hỗ trợ, bắt Quân và Linh giao Công an.
Như vậy, từ giữa tháng 10/2016 đến nay, trên địa bàn các tỉnh Đông Nam bộ đã liên tiếp xảy ra những vụ học viên cai nghiện đập phá, chống đối cán bộ, nhân viên tại các Trung tâm trốn ra ngoài. Công an các địa phương cũng đã khởi tố gần 30 người cầm đầu kích động về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Giải pháp lâu dài cho những người cai nghiện?
Trước tình trạng xảy ra liên tiếp các vụ đập phá trung tâm cai nghiện ở các địa phương khu vực Đông Nam bộ, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trực tiếp về làm việc với các địa phương này. Làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, các ngành chức năng và địa phương nơi có Trung tâm cai nghiện Xuân Phú, sau khi thị sát cơ sở vật chất của Trung tâm cai nghiện, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, Trung tâm ở trong tình trạng quá tải lớn, khi chỉ có thể chứa 800 học viên nhưng đã đón nhận gần 1.500 người. Cùng với đó, cơ sở vật chất nơi đây đã xuống cấp, khiến cho việc sinh hoạt, nghỉ ngơi không đảm bảo điều kiện cho sức khỏe học viên…
Theo ông Hồ Văn Lộc , Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, hiện Trung tâm có 1.481 học viên, trong đó 30% có tiền án tiền sự, 80% sử dụng ma túy đá, trong khi chỉ có hơn 110 nhân viên, 44 bảo vệ. Nguyên nhân chủ yếu của những đợt đập phá, trốn trại vừa qua là do một số học viên đòi thuốc và xin về không được nên kích động nhiều người cùng tham gia. Đây là những người có tiền án, tiền sự nên công tác vận động, khuyên giải gặp nhiều khó khăn. Cũng theo ông Hồ Văn Lộc, hiện tỉnh Đồng Nai đưa người nghiện vào cơ sở chưa phù hợp, lực lượng cán bộ còn mỏng, chuyên môn còn thấp. Trước mắt, cần phân loại, rà soát các học viên: Có sử dụng ma túy nhưng chưa đến mức nghiện thì cho ra; nghiện nhưng có địa chỉ cư ngụ, gia đình bảo lãnh thì nên trả về địa phương quản lý.
Bác sĩ Huỳnh Cao Hải - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, phác đồ điều trị hiện nay áp dụng cho trung tâm cai nghiện này không hiệu quả. Thuốc Seduxen chỉ gây buồn ngủ thôi. Bộ Y tế vẫn chưa có phác đồ chính thức đưa vào các cơ sở này. Cũng theo bác sĩ Hải, số lượng quá lớn nhưng cơ sở chỉ có 10 nhân viên y tế phụ trách, trong đó chỉ có 1 bác sĩ. Sau khi qua cắt cơn ban đầu, nếu các học viên có bệnh thì sẽ được chữa trị, được tăng cường sức đề kháng bằng các loại thuốc bổ, vitamin. “Nếu đúng quy trình thì phải tập vật lý trị liệu, kể cả châm cứu nhưng hiện nay, máy móc thiết bị cũng như đội ngũ phục vụ tại cơ sở này chưa có" - bác sĩ Huỳnh Cao Hải cho biết. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hòa Hiệp cho biết: Tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt 15 tỷ đồng xây mới 10 phòng ở cho các học viên. Tuy nhiên, cần phải có thời gian mới hoàn thiện được cơ sở mới này. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã yêu cầu tỉnh Đồng Nai cần khẩn trương, quy hoạch xây dựng cơ sở cai nghiện đáp ứng yêu cầu, tình hình hiện tại, gắn cai nghiện với phục hồi chức năng, lao động, tạo điều kiện cho học viên có nghề nghiệp để hòa nhập cộng đồng.
Với sự việc xảy ra ở Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 9/11, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, nguyên nhân hàng trăm người nghiện đập phá, trốn trại là do trình độ cán bộ Trung tâm còn hạn chế, không nắm được tâm tư và hoàn cảnh học viên. Theo Thứ trưởng, không chỉ ở Trung tâm này, tình trạng tương tự liên tiếp xảy ra ở Đồng Nai đều bắt nguồn từ một số học viên quá khích, lôi kéo người khác đập phá Trung tâm bỏ trốn. Tuy nhiên, để xảy ra điều này là do những yếu kém trong công tác quản lý của cán bộ Trung tâm. Cán bộ còn hạn chế về khả năng làm việc, cách nói chuyện thiếu thuyết phục... Ngoài ra, chủ trương cai nghiện bắt buộc chưa nhận được sự đồng thuận, chấp hành từ người nghiện. Học viên chưa hiểu đó là quyền lợi, chính sách của Nhà nước giúp họ tránh được ma túy, trở về cộng đồng. Ngược lại, họ vẫn nặng nề tư tưởng, luôn có thái độ bất hợp tác, không tuân thủ quy trình trị liệu dẫn đến cai nghiện không hiệu quả.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm, trên thực tế, sau thời gian cai nghiện bắt buộc trở về cộng đồng, hầu hết người nghiện lại tái nghiện. Chính vì vậy, cần phải đổi mới theo hướng sẽ tăng cường hỗ trợ điều trị cai nghiện ở cộng đồng bằng các giải pháp y tế và xã hội, cả các loại thuốc truyền thống đang sử dụng. Đặc biệt là sử dụng biện pháp thuốc thay thế như là methadone đang làm ở cộng đồng hiện nay có những khó khăn, cho nên là số người tham gia cũng chưa được nhiều.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng học viên đập phá bỏ trốn các trung tâm cai nghiện vừa qua, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nguyên nhân một phần có thể do đầu tư vào các trung tâm cai nghiện của ta còn ít nên điều kiện ăn uống, sinh hoạt tại đây không được tốt nên nhiều người muốn về nhà. Bên cạnh đó, do những người này đã dùng chất kích thích nên rất dễ bị kích động, chỉ cần một đối tượng đứng lên kích động, tạo ra làn sóng là các đối tượng khác dễ bị kích động theo. Đối với người nghiện, con đường lâu dài vẫn là thực hiện xã hội hoá, gia đình phải có trách nhiệm. Quản người nghiện đã khó khăn rồi mà đây lại tập trung tất cả người nghiện vào thì quá nguy hiểm. Phải xã hội hoá, đối tượng nào có gia đình mà có điều kiện thì cho tự cai, Nhà nước và chính quyền địa phương hỗ trợ thì sẽ tốt hơn. Quan trọng nhất là phải phân biệt đúng đối tượng và phải quản chặt các đối tượng, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ gây kích động cao.
Từ những vụ việc xảy ra thời gian vừa qua, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra giải pháp khi cho học viên vào Trung tâm điều trị, phải giải thích nâng cao nhận thức rằng họ vào đây được giúp đỡ chứ không phải vào đây bị quản thúc bị quản lý bị giam hãm. Nếu còn tư tưởng đó mang vào Trung tâm thì lúc nào ở trong lòng họ cũng nung nấu không hợp tác. Đồng thời, các Trung tâm phải nâng cao được năng lực khi tiếp nhận rồi tham vấn, tư vấn phải làm việc được với từng trường hợp và quản lý, hiểu được hoàn cảnh của học viên, làm tốt công tác phân loại nắm bắt được tâm tư nguyện vọng. Bên cạnh đó là phải tổ chức tốt các dịch vụ hỗ trợ trong đó cán bộ trong trung tâm phải thân thiện, là người trợ giúp chứ không phải là người quản trị, quản lý. Bên cạnh đó, các địa phương phải có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, nhất là lực lượng Công an phải luôn có mặt tại cơ sở để đảm bảo an ninh. Đối với những người cầm đầu, kích động cần phải sàng lọc, xử lý, thậm chí là truy tố để răn đe.
Thực tế hiện nay cho thấy, người nghiện tại các cơ sở cai phần lớn đi theo dạng bắt buộc, được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ kinh phí chữa trị. Để tránh quá tải các cơ sở, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm người cai nghiện bắt buộc xuống còn 6% so với hiện nay, chủ yếu cai tại cộng đồng. Muốn làm được điều này các địa phương khi lập hồ sơ phải phân loại, xác định được nơi cư trú của người nghiện, chỉ những người nghiện lang thang mới vào Trung tâm./..