Cần giải pháp ngăn chặn sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long
(ĐCSVN) - Sau những vụ sạt lở đất ở một số địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề cần làm ngay là lập bản đồ những khu vực có nguy cơ sạt lở đất để có những giải pháp ứng phó, bảo đảm an toàn cho người dân và các công trình xây dựng.
Hiện trường sạt lở đất ở An Giang. (Nguồn: congan.com.vn)
Từ năm 2015 đến ngày 22/4/2017, tỉnh An Giang liên tục xảy ra những vụ sạt lở đất bờ sông làm thiệt hại nhiều căn nhà và tài sản khác. Nguyên nhân ban đầu gây ra vụ sạt lở mới đây được cơ quan chức năng công khai với báo chí là do các đập thượng nguồn giữ lại bùn cát nên dòng chảy hạ lưu bị thiếu bùn cát, để cân bằng năng lượng dư thừa buộc dòng nước phải bào xói bờ; chế độ thủy văn, thủy lực phức tạp kết hợp với nền đất yếu, không ổn định nên dễ gây sạt lở; nền địa chất khu vực An Giang chủ yếu do phù sa bồi lắng, có kết cấu địa tầng yếu, nhất là kết cấu địa chất khối mặt nền.Sau sự cố sạt lở ở An Giang, tỉnh Đồng Tháp vừa ban bố khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ sông Tiền tại xã Bình Thành, huyện Thanh Bình. Ngoài ra, nguy cơ sạt lở đất có thể xảy ra với những địa phương cận kề với sông Tiền, sông Hậu.
Sạt lở đất ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được cảnh báo nhiều lần, nhưng sự cố vẫn xảy ra, điều đó cho thấy chúng ta chưa bắt đúng “bệnh”, trị đúng “thuốc”. Mỗi khi sự cố xảy ra, nguyên nhân ban đầu thường được nhắc đến là do quá trình phát triển thượng nguồn của dòng Mê Kông, do biến đổi khí hậu, nước biển dâng... Còn nguyên nhân khác như: việc khai thác cát ở lòng sông và cửa biển quá mức; nhiều đập thủy điện chặn dòng chảy ở đầu nguồn; hàng loạt công trình xây dựng mọc lên trên nền đất yếu ven sông, làm thay đổi địa hình... thường ít được nhắc đến hoặc có nhắc đến thì cũng xem như là nguyên nhân phụ.
Theo dự báo của một số chuyên gia, đến năm 2050, khoảng một triệu người sẽ bị tác động trực tiếp bởi sạt lở ven bờ và mất đất ở Đồng bằng sông Cửu Long, do vậy phải có những giải pháp để hạn chế tối đa sự cố.
Giải pháp ngắn hạn là phải đưa ra kết luận khoa học về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sạt lở đất; lập bản đồ những vùng có nguy cơ sạt lở chủ động ứng phó, nhất là việc di dời dân đến nơi ở an toàn; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát ở lòng sông và cửa biển.
Giải pháp dài hạn là phải xây dựng kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu cho mỗi địa phương và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long; rà soát lại quy hoạch xây dựng, giao thông, thủy lợi, thủy điện để có những điều chỉnh hợp lý, đảm bảo sự an toàn về nhà ở cho người dân và các công trình xây dựng.
Đồng bằng sông Cửu Long dù đã “thay da đổi thịt” hơn xưa, nhưng vẫn là vùng khó khăn về phát triển kinh tế và thường xuyên phải đối mặt với hiện tượng lũ lụt và sạt lở đất. Để gỡ khó cho vùng đất này, đặc biệt là nơi “an cư” cho người dân, từ năm 2011- 2015, Chính phủ đã hỗ trợ vốn để thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo cho khoảng 191.000 hộ dân, với gần 1 triệu người dân vùng ngập lũ và sạt lở đất sống an toàn, ổn định. Chính sách hỗ trợ nhà ở cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang được thực hiện, nhưng do nguồn vốn ngân sách có hạn nên nhiều hộ dân vẫn chưa có nhà ở kiên cố, an toàn.
Sau sự cố sạt lở đất ở An Giang, vấn đề hỗ trợ nhà ở cho người dân trở nân cấp bách hơn bao giờ hết. Chỗ ở chưa an toàn, người dân sẽ đối diện với rủi ro nhiều hơn!./.