Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần có quy định giúp người lao động giữ sổ bảo hiểm để khi nghỉ có lương hưu

Thứ Sáu, 24/11/2023 14:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đề nghị cần có quy định để người lao động giữ sổ bảo hiểm để khi nghỉ hưu có lương hưu. Đồng thời, cần nghiên cứu quy định để áp dụng phù hợp với tình hình điều kiện đất nước.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: QH
 Ngày 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Phát biểu thảo luận tại Hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng dự thảo luật quy định trợ cấp hưu trí xã hội không hợp lý mà cần gọi là trợ cấp xã hội. Về điều kiện hưởng lương hưu, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu thêm. Đại biểu thống nhất số năm đóng bảo hiểm xuống còn 15 năm. “Nhưng đóng càng nhiều năm thì lương hưu trí phải càng cao. Đề nghị sau khi đóng đủ 15 năm được hưởng lương hưu từ 45%. Đối với những người đóng dư thời gian đề nghị nâng lên 1% hưởng đối với mỗi năm đóng hơn”, đại biểu cho hay.

Về bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu bày tỏ thống nhất với phương án đại biểu Tô Văn Tám đề xuất, theo đó, người lao động có quyền rút bảo hiểm xã hội một lần. Đại biểu nhấn mạnh điều cốt lõi là giữ chân người lao động trong hệ thống bảo hiểm xã hội, cần có quy định để người lao động giữ sổ bảo hiểm để khi nghỉ hưu người lao động có lương hưu. Do đó, cần nghiên cứu quy định để áp dụng phù hợp với tình hình điều kiện đất nước.

Tham gia tranh luận tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, về những vấn đề liên quan đến tổ chức công đoàn tham gia khởi kiện về bảo hiểm xã hội đối với các hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, có một số ý kiến quan ngại về tên gọi của Điều 20, 21. Đối với vấn đề này, đại biểu cho rằng tên gọi không quan trọng bằng nội dung.

Đại biểu phân tích, việc quy định mức tiền cụ thể trong quy định liên quan đến trợ cấp hưu trí xã hội này là không nên, vì sẽ có trượt giá và các vấn đề liên quan đến lương hưu ở các thời điểm khác nhau. “Chúng ta mong muốn luật được xây dựng sẽ có thể áp dụng được trong thời gian dài, nên cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần cân nhắc xem xét, sửa đổi theo hướng quy định ở mức lương cơ sở và tính trượt giá, các nội dung cụ thể thì giao Chính phủ quy định để đảm bảo phù hợp, có mức tương đồng theo hướng tốt hơn so với Luật Người cao tuổi”, đại biểu cho biết.

Đại biểu cũng cho rằng, theo quy định của Luật Người cao tuổi hiện nay, mức hưởng của các đối tượng này tương đối thấp, với nguyên tắc của bảo hiểm xã hội, chúng ta hướng đến việc đóng – hưởng, bao phủ, bảo đảm chính sách an sinh xã hội cho tất cả các đối tượng theo hướng bảo đảm quyền, lợi ích, nghĩa vụ của các bên. Bởi vậy, nên có nâng cao mức thụ hưởng của người cao tuổi.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: QH

Đóng góp hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quy định vào hành vi bị nghiêm cấm; sửa đổi một số quy định về nghỉ dưỡng sức đối với nữ lao động; quyền và trách nhiệm của tổ chức bảo vệ người lao động…

Liên quan đến nhóm quyền lợi của người lao động, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị bổ sung quy định hành vi bị nghiêm cấm đối với việc chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội vào khoản 2 Điều 8, bổ sung loại hình Bảo hiểm thất nghiệp vào nghiêm cấm hành vi chiếm dụng.

Về dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau tại Điều 43, quy định giao công đoàn và người sử dụng lao động quyết định số ngày nghỉ là chưa phù hợp với thực tế, khó xác định thế nào là tình trạng sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian nghỉ, hưởng chế độ ốm đau và thai sản. Mặt khác, quy định số ngày nghỉ dưỡng tối đa dễ bị lạm dụng, lợi dụng và thiếu công bằng, do vậy đại biểu đề nghị bỏ từ “tối đa” và bỏ chủ thể quyết định mà quy định rõ số ngày nghỉ dưỡng đối với từng trường hợp cụ thể vào dự thảo luật. Tương tự cần điều chỉnh với điều khoản của Điều 59 của dự luật đối với lao động nữ khi nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau thai sản.

Về quyền và trách nhiệm của tổ chức bảo vệ người lao động, tại Điều 13, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị tách thành 2 điều riêng, gồm: điều quy định về quyền trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; điều về quyền, trách nhiệm của tổ chức đại diện người lao động; đồng thời đề nghị tách quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thành hai khoản riêng, vì rất nhiều quyền và trách nhiệm gắn liền với tổ chức Công đoàn mà Hiến pháp, Luật Công đoàn đã giao cho tổ chức công đoàn với tư cách là tổ chức chính trị xã hội. Trong khi đó, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp chỉ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Điều 37 về xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc như ý kiến của ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà, trong đó cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện, bởi khởi kiện dân sự hoàn toàn độc lập với xử lý hành chính, xử lý hình sự. Trong khi đó, dự thảo luật đang quy định theo hướng khởi kiện vụ án dân sự sau khi cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các cái biện pháp xử lý vi phạm hành chính là không phù hợp với chức năng nhiệm vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội…/.

 

 

KN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN