Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần có giải pháp giúp ngư dân đánh bắt mực xà đen khô xuất khẩu

Thứ Bảy, 14/05/2016 10:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Gần đây, sau vụ việc lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa bắt giữ lô hàng mực xà đen khô (có nơi còn gọi là mực BB đen) được các thương lái trong nước thu mua của ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi đưa ra Lạng Sơn bán cho thương lái Trung Quốc, thì trên mạng có thông tin rằng đây là thực phẩm bẩn, khiến cho loại sản phẩm mực này bị mất giá, ngư dân đánh bắt về không tiêu thụ được nên đời sống gặp nhiều khó khăn.

Căn cứ vào đâu để cho đây là thực phẩm bẩn ?

Theo bà Phan Thị Tuyết (trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), thương lái thu mua loài mực xà đen của ngư dân 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi hơn 10 năm nay cho biết: Việc sản phẩm mực xà đen bị rớt giá liên tục mấy ngày qua bắt đầu từ vụ việc lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa ngày 5/5 bắt giữ 2 xe chở hơn 21 tấn sản phẩm mực này của ông Nguyễn Tín (trú ở Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam) chở ra Lạng Sơn bán cho tiểu thương Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

“Khi kiểm tra 2 xe hàng, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa nói rằng đây có khả năng là thực phẩm bẩn, bởi nó phát ra mùi đặc trưng của mực khô khá nồng và bản thân con mực cũng rất đen. Vì thế họ giữ lại để đưa đi kiểm nghiệm mặc dù chủ hàng là ông Tín đã trình ra các giấy tờ về xuất xứ, hóa đơn… Điều đáng nói là, ngay sau đó, báo chí đến và đưa lên mạng thông tin khẳng định đây là thực phẩm bẩn. Từ thông tin này, các thương lái Trung Quốc và cả Thái Lan dù đã tiêu thụ sản phẩm mực xà đen của ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi hơn 10 năm nay song họ đã lợi dụng để ép giá. Vì thế, giá mực đang ở mức 75.000 đồng/kg trước vụ bắt này thì nay chỉ còn chưa tới 50.000 đồng/kg. Không chỉ có vậy, do ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa bắt giữ các lô hàng của ông Tín khiến nhiều thương lái khác như tôi đây cũng không dám thu mua mực xà đen của ngư dân nữa. Vì thế, hiện nay ngư dân đánh bắt về không bán được mực, đời sống rất khó khăn. Bản thân tôi đã thu mua hàng chục tấn mấy ngày trước giờ cũng không dám chở đi Lạng Sơn để bán vì sợ bị bắt”- bà Phan Thị Tuyết chia sẻ.

Trong khi đó, tại Cảng cá An Hòa, xã Tam Giang, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), ông Phan Văn Tự (trú tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cũng hết sức bức xúc và lo lắng cho hơn 5 tấn mực xà đen khô mà ông đã thu mua của ngư dân Núi Thành (Quảng Nam) chưa biết cách nào để đưa ra Lạng Sơn bán được.

Ông Tự cho biết: Loài mực xà đen này chỉ duy nhất ngư dân Quảng Nam và Quảng Ngãi đánh bắt chứ ngư dân các nơi khác không đánh bắt loài này. Tôi cũng đã nhiều năm theo nghề thu mua loài sản phẩm này để bán cho thương lái Thái Lan và Trung Quốc. Qua trao đổi, mua bán, tôi biết được, mực xà đen ở nước ta người dân không sử dụng; còn không biết phía Thái Lan và Trung Quốc mua để làm gì? Thế nhưng, bên Thái Lan và Trung Quốc, theo các thương lái các nước này thì đây là sản phẩm sạch, cho phép tiêu thụ trên nước họ.

“Không hiểu vì sao mà lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa và một số thông tin trên mạng cho đây là thực phẩm bẩn? Cũng chính vì thông tin này mà ông Nguyễn Tín- chủ các lô hàng bị bắt ở Thanh Hóa vừa qua đã phản ứng với Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa, đồng thời gọi điện về yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam can thiệp. Trước phản ứng này, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã lấy mẫu lô hàng bị bắt để đưa ra Hà Nội kiểm nghiệm; hẹn hơn 1 tuần sẽ có kết quả. Có lẽ đến nay đã sắp có kết quả. Mực khô nói chung và mực xà đen khô (thực ra là mới phơi cho héo rồi đóng gói) là loài để lâu không được, dễ bị hư hỏng nếu kéo dài hoặc bị ẩm. Nếu lô hàng của ông Tín bị hư hỏng nhưng mẫu kiểm nghiệm của Quản lý thị trường Thanh Hóa đưa về là đảm bảo an toàn thì họ có đền cho ông Tín không? Bởi chắc chắn rằng là sau khi hàng được trả lại nhưng để kéo dài hơn 10 ngày nay rồi thì hư hỏng thôi. Vì thế, ông Tín phải đưa đi phơi, sấy và đóng gói lại. Chi phí này không nhỏ. Đó là chưa nói thiệt hại của ngư dân do không bán được mực mấy ngày qua ai chịu trách nhiệm?”- ông Phan Văn Tự bức xúc.

Sản phẩm được đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa và sạch 100% vì không có hóa chất

Hàng loạt tàu đánh bắt mực xà đen của ngư dân Quàng Nam nằm bờ 
vì không bán được sản phẩm đánh bắt về nên không dám tiếp tục ra khơi 

Đang phơi mực xà đen sau chuyến biển về tại Cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành, Quảng Nam), ngư dân Huỳnh Ngọc Dự (60 tuổi) bày tỏ: “Nhà báo thấy đây, mực không bán được bảo chúng tôi sống sao đây? Mực xà đen mà chúng tôi đánh bắt này chỉ có duy nhất ở khu vực biển Hoàng Sa và Trường Sa thôi. Mà đã từ Hoàng Sa và Trường Sa thì ngành chức năng đã kết luận là không ảnh hưởng bởi vụ cá chết hàng loạt vừa qua như ở vùng biển từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên Huế thì không có nghĩa nào đây lại là sản phẩm bẩn? Trong khi ngư dân chúng tôi phơi mực khô bán cho thương lái không hề tẩm ướp một chất gì, nguyên chất 100% đó nhà báo ơi !”.

Trong lúc đó, ngư dân Huỳnh Văn Trí, chủ tàu Qna 90749-TS cho biết: “Để đánh bắt loài mực xà đen này, chúng tôi mỗi ngư dân dùng 1 thúng tự câu ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Mỗi chuyến biển phải từ 2-4 tháng mới về, tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu, công sức và các chi phí khác. Trong khi ngư dân hiện đang gặp khó khăn chung về tiêu thụ sản phẩm sau vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung thì việc lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa bắt giữ các lô hàng của thương lái thu mua của chúng tôi, làm cho thương lái giờ không chịu mua nữa, mực thì mỗi ngày mỗi mất giá. Thử hỏi các cấp, các ngành chia sẻ với ngư dân chúng tôi theo kiểu nào đây?”.

Trao đổi với phóng viên về những khó khăn này của ngư dân, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có hơn 100 tàu câu mực công suất lớn với hàng ngàn ngư dân khai thác mực xà đen phục vụ xuất khẩu tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Mỗi chuyến ngư dân ra khơi câu mực loại này kéo dài từ 2 đến gần 4 tháng, khi sản lượng đạt hơn 30 tấn thì mới trở về.

“Lâu nay thị trường trong nước không dùng loại mực xà đen này mà sau khi được phơi khô thì mực xà đen phục vụ cho việc xuất khẩu thô sang thị trường Trung Quốc. Nhiều năm nay, ngư dân Quảng Nam đánh bắt mực xà đen phơi khô xuất khẩu cho Trung Quốc và Thái Lan theo kiểu có cầu thì có cung, còn phía Trung Quốc và Thái Lan mua loại mực này với mục đích gì thì mình không biết được. Cả nước mình, theo tôi biết được, chỉ có Quảng Nam và Quảng Ngãi là 2 địa phương có ngư dân đánh bắt loại mực xà đen này phục vụ xuất khẩu thôi. Do đó, nếu chúng tôi không kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho các cơ sở xuất khẩu mực xà khô thì sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động và đời sống của ngư dân. Trước mắt chung tôi đã liên hệ với Bộ Công thương can thiệp từ tỉnh Thanh Hóa. Trước đây, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cũng đã có đề nghị với Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương nên tìm giải pháp, nghiên cứu loài mực này để chế biến, tạo ra những thực phẩm hữu ích, giúp ngư dân bán được hàng nhưng đến nay vẫn chưa có phúc đáp”- ông Ngô Tấn cho biết thêm.

Trước đó, chị Lê Thị Nê (trú xã Tam Giang, huyện Núi Thành) làm nghề phơi mực khô cho ngư dân và các thương lái cho chúng tôi biết, cách đây hơn 1 tuần, khi nghe thông tin mực của ngư dân không bán được; hàng thương lái mua rồi không dám xuất đi nên ông Ngô Tấn và nhiều cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam đã đến đây để tìm hiểu và động viên, chia sẻ với ngư dân cũng như các thương lái.

Ông Ngô Tấn trao đổi với ngư dân và thương lái để động viên bà con 

“Khi thoáng thấy ông Tấn, nhiều ngư dân và thương lái đã vây quanh để “cầu cứu” trước tình trạng giá loại hải sản này rớt thê thảm thêm. Ngoài ra, mọi người còn phản ánh thêm nhiều khó khăn khác do nguyên nhân mực xà đen không bán được. Sau khi giải thích cho các thương lái và ngư dân biết quan điểm của Sở rất ủng hộ việc mua bán, kinh doanh hải sản của các thương lái, đặc biệt là mặt hàng mực xà đen khô xuất khẩu, ông Tấn đã động viên mọi người và cho biết đã yêu cầu Sở Công thương Quảng Nam vào cuộc nhằm tìm biện pháp can thiệp, tháo gỡ cho ngư dân và thương lái”- chị Nê kể.

Về việc xe chở mực xà đen xuất khẩu của ông Tín bị bắt như vừa kể trên, ông Tấn cho biết sau khi tiếp nhận thông tin, Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam đã liên lạc với Bộ Công thương nhằm đề nghị Bộ yêu cầu Sở Công Thương địa phương bắt giữ xe chở mực xà xuất khẩu lấy mẫu mực đưa đi kiểm nghiệm; nếu xác định mực xuất khẩu này không có hóa chất độc hại gì thì phải “giải phóng” số hàng đã tạm giữ để doanh nghiệp xuất khẩu theo kế hoạch. Qua vụ việc này, Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam đã hướng dẫn đầy đủ cho các doanh nghiệp, cơ sở thu mua xuất khẩu mực xà tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm trước khi vận chuyển đi xuất khẩu; đồng thời có xác nhận nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; đảm bảo các loại giấy tờ cần thiết để việc xuất khẩu được thuận lợi./.


Bài, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN