Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển bảo hiểm vi mô

Thứ Sáu, 29/10/2021 14:29 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thực tế cho thấy, việc thiếu hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chuyên sâu thực hiện bảo hiểm vi mô là nguyên nhân khiến cho loại hình bảo hiểm này dù có thời gian dài thí điểm 10 năm nhưng tỷ lệ người tham gia còn rất thấp.

Sáng 29/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.

Nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với các quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật để có căn cứ pháp lý tổ chức cung cấp bảo hiểm cho hộ nghèo, người có thu nhập thấp, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao... để bảo vệ họ trước những rủi ro, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh), việc bổ sung một chương về bảo hiểm vi mô là hết sức cần thiết. Đây là loại hình bảo hiểm mang tính xã hội rất cao, hướng tới những đối tượng yếu thế, người thu nhập thấp, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Hơn nữa, đại biểu cho hay, hiện nay chúng ta chưa có luật nào quy định về vấn đề này. Thực tế cho thấy, việc thiếu hành lang pháp lý về bảo hiểm vi mô cũng là nguyên nhân khiến cho bảo hiểm vi mô dù có thời gian dài thí điểm 10 năm nhưng tỷ lệ người tham gia rất thấp. Tuy nhiên, dự thảo chỉ định khung 2 điều về việc bảo hiểm vi mô, điều này gây khó khăn, vướng mắc khi triển khai trên thực tế. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung cụ thể hóa các quy định về bảo hiểm vi mô tại dự thảo như: quy định rõ khung pháp lý, tổ chức, điều kiện triển khai sản phẩm bảo hiểm, bổ sung các cơ cấu khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chuyên sâu thực hiện bảo hiểm vi mô.

ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) phát biểu tại Phiên thảo luận thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. (Ảnh: TL)

ĐB Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) nhận định: Bảo hiểm vi mô là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, giúp cho người nghèo có thói quen tích lũy tài chính.

“Thực tế bảo hiểm vi mô này rất cần, đặc biệt là đối với các nhóm yếu thế, mang lại lợi ích rất lớn cho toàn xã hội”, ĐB nói.

Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra, việc triển khai tại Việt Nam chưa thật sự phát triển, do bộ phận chủ yếu hướng đến của sản phẩm bảo hiểm vi mô thường ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận, chi phí triển khai thường lớn hơn các sản phẩm bảo hiểm thông thường nhưng rủi ro nhiều hơn nên đa số doanh nghiệp đang kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam cũng chưa muốn cung cấp bảo hiểm vi mô và thực tế thì vẫn còn khoảng trống về chính sách pháp luật đối với loại hình bảo hiểm vi mô. Đến nay tỷ lệ tham gia bảo hiểm vi mô ở nước ta có khoảng 200.000 hợp đồng.

Xét về mặt pháp lý của các tổ chức tương hỗ, quy định tại dự thảo luật chưa chặt chẽ, không cụ thể về ngăn ngừa rủi ro. Trong khi đó đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển, đối tượng tham gia rất đông và nếu có rủi ro thì tác động rất lớn đến xã hội.

Để đảm bảo tính khả thi của dự thảo luật, ĐB Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo làm rõ yêu cầu lợi nhuận, phi lợi nhuận của bảo hiểm vi mô, đồng thời đánh giá kỹ tác động về kinh tế, chi phí, lợi ích của loại hình bảo hiểm này, bổ sung đầy đủ các quy định về bảo hiểm vi mô và làm rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm vi mô với các bảo hiểm thông thường; xác định rõ vai trò của các tổ chức tham gia.

Theo ĐB Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng), nếu không xác định được tính đặc thù của sản phẩm này so với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường thì các quy định sẽ rất khó khả thi.

“Cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho người nghèo, người thu nhập thấp. Trong đó có chính sách khuyến khích, hợp tác các doanh nghiệp, các tổ chức bảo vệ vi mô và các tổ chức công nghệ tài chính nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ để đơn giản hóa thủ tục dịch vụ thuận lợi với chi phí thấp cho người nghèo, người dân ở khu vực nông thôn, nông dân”, ĐB đề xuất./.

Vy Thảo

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN