Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần có chính sách đột phá cho các nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học

Thứ Năm, 11/04/2019 10:41 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Nhiều nhà khoa học đồng tình, cần có bộ phận chuyển giao công nghệ, không thể để các giáo sư, các nhà khoa học nghiên cứu đi tiếp thị, tìm nguồn ra cho sản phẩm nghiên cứu có tính ứng dụng cao; đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển nhóm nghiên cứu mạnh.

Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo gắn với chuyển giao tri thức; chính sách đầu tư phát triển một số phòng thí nghiệm liên ngành gắn với thực hiện các chương trình nghiên cứu trọng điểm để phát triển một số ĐH, trường ĐH trọng điểm theo Quyết định 69/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 10/4, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT)- Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm Kĩ thuật TP.HCM về một số nội dung liên quan đến hoạt động khoa học công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH).

Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giao, đoàn khảo sát của Bộ do Vụ KHCNMT chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch – Tài chính và Ban quản lý các dự án Bộ GD&ĐT, đã tập trung lắng nghe những góp ý cho các dự thảo liên quan đến cơ chế chính sách về phát triển Nhóm nghiên cứu mạnh.

GS Tạ Ngọc Đôn, Vụ Trưởng Vụ KHCNMT (Bộ GD&ĐT). Ảnh: Thảo Nguyên

Phát biểu tại buổi làm việc GS Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ KHCNMT cho rằng, trong khuôn khổ thực hiện Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật giáo dục đại học đã được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2018, việc hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển hệ thống đại học Việt Nam nói chung và một số cơ chế chính sách cấp bách nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở GDĐH là rất cần thiết.

Vì vậy, việc lấy ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, các nhà quản lý thuộc các cơ sở GDĐH là điều quan trọng để hoàn thiện cơ chế chính sách mà chính các cơ sở GDĐH là đối tượng trực tiếp hưởng thụ.

Các nhóm nghiên cứu mạnh phải có chương trình hành động cụ thể

Liên quan đến Dự thảo quy định hướng phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở GDĐH, GS Vũ Đình Thành, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM đánh giá cao sự tiến bộ, mạnh dạn đề ra mục tiêu cũng như các tiêu chí, tiêu chuẩn quy định về nhóm nghiên cứu mạnh, trong đó có ít nhất 3 thành viên chủ chốt.

Tuy nhiên, GS cho rằng cần xem lại các tiêu chí cho trưởng nhóm nghiên cứu mạnh sao cho phù hợp hơn và cần chia sẻ theo các lĩnh vực nghiên cứu để có những tiêu chuẩn cụ thể. Đồng thời cần xem xét về nhóm nghiên cứu mạnh tiềm năng vì trong tương lai có thể sẽ phát triển thành các nhóm nghiên cứu mạnh.

GS Vũ Đình Thành cũng thống nhất về những chế độ ưu đãi, khuyến khích đối với nhóm nghiên cứu mạnh. Tuy nhiên, GS Thành cũng góp ý cần đẩy mạnh tự chủ cho các trường đại học về tài chính để chủ động hơn trong việc đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh, chuyển giao sản phẩm, khởi nghiệp, sáng tạo cũng như phát triển các phòng thí nghiệm.

Ngoài ra, có một số ý kiến cho rằng, cần “mở về đầu vào nhưng siết chặt về đầu ra” trong các nhóm nghiên cứu mạnh. Các nhóm nghiên cứu mạnh phải có chương trình hành động cụ thể và sau 5 năm, với nguồn hỗ trợ kinh phí nhất định phải cho ra kết quả tương ứng với đầu tư của nhà nước.

Đặc biệt, các nhà khoa học góp ý cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng để tạo ra những sản phẩm, sáng chế, giải pháp hữu ích, ứng dụng thiết thực trong xã hội nhằm mang lại giá trị gia tăng về kinh tế. Các trường mong muốn để khuyến khích KHCN trong cơ sở GDĐH, cần có cơ chế linh hoạt, linh động về quy đổi giờ dạy cho các giảng viên tham gia nghiên cứu.

PGS. TS Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kĩ thuật TP.HCM cũng cho rằng: Cần có bộ phận chuyển giao công nghệ, không thể để các giáo sư, các nhà khoa học nghiên cứu đi tiếp thị, tìm nguồn ra cho sản phẩm NC có tính ứng dụng cao.

Cần đầu tư trọng điểm cho nghiên cứu ứng dụng. Các nhóm nghiên cứu mạnh cần được nhà nước đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KHCN thông qua đề tài nghiên cứu để tạo ra sản phẩm có giá trị tri thức cao, có tác động lớn, ứng dụng rộng rãi và mang tầm quốc gia, quốc tế.

Các đại biểu tham dự đóng góp ý kiến. Ảnh: Thảo Nguyên

Những ý kiến thiết thực góp phần hoàn thiện dự thảo

Qua buổi làm việc, đoàn khảo sát đã lắng nghe 21 ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý từ các góc nhìn khác nhau để tiếp thu và có những điều chỉnh hoàn thiện các dự thảo.

GS Tạ Ngọc Đôn, Trưởng đoàn khảo sát chia sẻ thêm, việc Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo để tạo ra khung pháp lý chung cho các trường, không phân biệt lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ hay xã hội nhân văn. Các trường dựa vào khung pháp lý này để triển khai thực hiện dựa trên thế mạnh và đặc thù của mình, miễn là thúc đẩy KHCN phát triển đúng hướng và gia tăng tri thức vào thực tiễn phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Lý giải về tiêu chuẩn đề ra cho người đứng đầu nhóm nghiên cứu mạnh, GS Tạ Ngọc Đôn cho rằng: Tiêu chuẩn đề ra để khẳng định vai trò dẫn dắt thực sự của người đứng đầu các nhóm nghiên cứu mạnh này. Nhóm nghiên cứu mạnh nên hình thành từ một số nhà khoa học cùng hướng nghiên cứu chính, nhưng mang tính liên ngành, từ một hoặc một số trường trong nước và quốc tế, chứ không phải chỉ trong một trường, và cũng không bắt buộc trường nào cũng phải có nhóm nghiên cứu mạnh.

Tiêu chuẩn đặt ra là nhóm nghiên cứu mạnh phải có chương trình nghiên cứu vươn tầm, khả thi trong 5-10 năm tới, giải quyết các vấn đề mang tầm quốc gia, tiên phong trong từng lĩnh vực mà đất nước đang cần.

Tương tự như vậy, Bộ GD&ĐT đang kỳ vọng xây dựng mô hình phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Bộ liên trường, liên khu vực, lĩnh vực chứ không phải đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm dành riêng cho một trường nào cả. Đầu tư tập trung, không dàn trải và các phòng thí nghiệm này phải hoạt động theo cơ chế mở, tất cả các nhà khoa học có nhu cầu đều có thể đến làm việc.

Chú trọng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên và nhất là trong cán bộ của các trường gắn với chuyển giao công nghệ để đưa các sản phẩm nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn.

Ngoài ra, Đoàn khảo sát cũng tiếp thu, trao đổi những ý kiến liên quan đến vấn đề tài chính, tài sản, kinh phí cho đẩy mạnh KHCN trong các cơ sở GDĐH. Những nội dung nào vượt quá thẩm quyền của Bộ GD&ĐT thì sẽ tập hợp để kiến nghị với các Bộ ngành liên quan và lên Chính phủ./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN