Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần cơ chế giúp doanh nghiệp tăng khả năng thích ứng an toàn, vượt qua đại dịch

Thứ Ba, 14/12/2021 10:38 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Toạ đàm với chủ đề “Sản xuất an toàn trong đại dịch” kết hợp trực tiếp và trực tuyến, nhằm làm rõ các doanh nghiệp ở TPHCM đang chủ động tổ chức phòng, chống dịch như thế nào, đâu là những khó khăn, vướng mắc và giải pháp để đảm bảo cho doanh nghiệp có thể sản xuất kinh doanh ổn định, bền vững, thích ứng an toàn với COVID-19.

 PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM. Ảnh: Anh Đức

Đầu tư về hạ tầng để tháo gỡ các nút thắt ra vào sân bay, bến cảng để giảm bớt chi phí logistic

Tại đầu cầu TPHCM, PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM chia sẻ, ông đánh giá cao giải pháp quan trọng nhất mà Chính phủ hỗ trợ TPHCM trong đợt dịch vừa là là dồn nguồn vaccine có được của cả nước cho TPHCM. Chính nhờ đó mà TPHCM là địa phương phủ vaccine mũi 1 sớm nhất và cho đến nay vaccine mũi 1 đã phủ 100%, vaccine mũi 2 đã phủ được gần 90% người từ 18 tuổi trở lên và đang triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, nguồn thuốc điều trị cũng được hỗ trợ, đặc biệt là các túi thuốc được ưu tiên cho trung tâm của điểm dịch tại TPHCM. Điều đó thể hiện trong quá trình vừa qua, TPHCM luôn nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ trực tiếp về nguồn lực, nhân lực, vật lực để chung sức với Thành phố.

Sau khi phủ được vaccine, kiểm soát được dịch bệnh, Thành phố đã chuyển sang thích ứng an toàn linh hoạt, doanh nghiệp Thành phố bắt tay vào khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến giờ, 88 dự án trong khu công nghệ cao với khoảng 48.000 lao động đã khôi phục lại 100% hoạt động. Trong các KCN, khu chế xuất, 1.408/1.412 doanh nghiệp đã hoạt động với số lượng lao động lên tới trên 280.000 lao động, chỉ còn 4 doanh nghiệp.

Nhìn nhận về khả năng thích ứng an toàn của các doanh nghiệp Thành phố hiện nay, PGS. TS Trần Hoàng Ngân cho rằng: Đây là đợt bùng phát chưa từng có trong tiền lệ, để thích ứng cần phải có thời gian. Bước đầu các doanh nghiệp tại TPHCM còn có nhiều khó khăn, nhưng sau một thời gian các doanh nghiệp đã tìm được lối đi của mình.

Đặc biệt là Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của TPHCM luôn có những tín hiệu chia sẻ, đã thường xuyên gặp gỡ với doanh nghiệp, tìm ra phương thức sản xuất an toàn nhất và chống dịch.

Từ cuối tháng 9, TPHCM đã thí điểm trước 2 tuần ở tại các đơn vị sản xuất kinh doanh tại Quận 7, tại huyện Củ Chi, doanh nghiệp phục hồi rất nhanh chóng, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, kể cả dịch vụ ăn uống của người dân cũng được phục hồi trở lại. Các doanh nghiệp của TPHCM đã có sự thích ứng nhanh.

Ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là sự hỗ trợ chung sức của lãnh đạo Trung ương và Bộ Y tế, chúng ta có định hướng chiến lược để giúp doanh nghiệp tự tin hơn trong phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh, không còn lo lắng trong những trường hợp khi dịch có thể trở lại, hay là chúng ta đã xác định rằng phải sống thích ứng, an toàn với dịch là hướng đi phù hợp với thực tế.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, đến thời điểm này, các doanh nghiệp phải củng cố, đầu tư nhiều hơn nguồn lực cho y tế của mình để nâng cao năng lực bảo vệ sức khỏe cho đội ngũ người lao dộng. Ở khu công nghiệp, phải có trạm y tế để tạm thời cách ly ca F0 đó ra khỏi vùng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ xe để đưa F0 về khu cách ly bên ngoài hoặc cách ly tại nhà, hạn chế F0 tự đi về nhà, tự di chuyển trên đường phố.

Về giải pháp, cơ chế giúp doanh nghiệp tăng khả năng thích ứng an toàn, vượt qua đại dịch và hoạt động có hiệu quả hơn trong thời gian tới, PGS.TS Trần Hoàng Ngân bày tỏ mong muốn Chính phủ, Bộ Y tế sớm cho phép doanh nghiệp được sản xuất thuốc chống COVID bởi “Khi có thuốc và vaccine trong nước chúng ta sẽ tự tin trong việc phục hồi và phát triển kinh tế”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục được miễn, giảm thuế phí; cơ cấu lại nợ vay, giãn nợ kéo dài đến hết năm 2022; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc huy động vốn lãi suất thấp.

“Ngoài ra, các doanh nghiệp TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đang phải chịu chi phí logistic đang rất cao do hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức. Do đó tôi cho rằng Chính phủ nên tăng thêm gói đầu tư công để đầu tư về hạ tầng để tháo gỡ các nút thắt ra vào sân bay, bến cảng để giảm bớt chi phí logistic”, ông Trần Hoàng Ngân nói.

Cuối cùng, ông Ngân cho rằng Chính phủ nên đề nghị Quốc hội thông qua gói hỗ trợ thu nhập cho nhân dân, cho người lao động, hộ nghèo, gia đình có người mắc COVID-19. Việc này sẽ làm tăng tổng cầu, cũng sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

 Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn. Ảnh: Anh Đức

Bổ sung quy định ở nơi đang là vùng đỏ, vùng cam được hưởng chế độ là ở nơi độc hại

Đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, cho biết, sau 100 ngày giãn cách xã hội, từ tháng 10 đến hết tháng 11, các doanh nghiệp tại TPHCM đã thích ứng với nhiều tình trạng khác nhau nhưng đều có 1 thích ứng chung, đó là doanh nghiệp đã bắt đầu hiểu rõ hơn về quy trình sức khỏe.

Các doanh nghiệp có lực lượng nhân sự tham gia vào quy trình này, đó là nhân viên điều dưỡng, nhân viên y tế. Những doanh nghiệp đã có nhân viên y tế rồi thì cho họ tập trung rất nhiều vào phòng dịch. Khoảng 70% các doanh nghiệp nói chung và 90% doanh nghiệp sản xuất đều có nhân viên đủ trình độ như một nhân viên y tế cấp địa phương, có thể theo dõi, nhận ra được triệu chứng của những F0 sức khỏe như nào và nên cần đi xét nghiệm.

Thứ 2, sắp xếp lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Sản xuất kinh doanh được xây dựng trên hoạt động cố định hàng mấy chục năm nay, bây giờ phải thay đổi. Đầu tiên là hoạt động của văn phòng, các hoạt động của văn phòng mang tính trực tuyến nhiều hơn, các cuộc họp sẽ hạn chế họp trong phòng, họp nhanh, họp ít người. Trong nhà xưởng, điều quan trọng nhất và là xu thế bây giờ là vấn đề thông gió, phải đặt lên hàng đầu.

Thứ 3, về tuyển dụng lao động. Trước đây, tuyển dụng về năng suất, kỹ năng, nhưng bây giờ thêm ý thức. Hiện nay, ý thức của người lao động cực kỳ quan trọng nhất là khi làm việc theo nhóm. Người lao động có kỹ năng, năng suất cao nhưng nếu bừa bãi trong hoạt động tham gia, trong sinh hoạt thì cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất.

Cuối cùng, doanh nghiệp quan tâm đến lực lượng lao động dưới 30 tuổi, dưới 40 tuổi và đặc biệt là lực lượng lao động trên 50 tuổi và các chuyên gia, quản lý cao cấp.

Đáng chú ý, trước đây, doanh nghiệp chỉ quan tâm trả lương cao cho người lao động, chế độ ăn uống, môi trường làm việc nhưng doanh nghiệp chưa quan tâm đến chỗ ở. Hiện nay, doanh nghiệp rất quan tâm đến khu trọ, sẽ có bộ phận chuyên trách để kiểm tra xem phòng trọ có đủ tiêu chuẩn chưa bởi khu trọ là nơi phát sinh F0 nhiều nhất.

Chia sẻ về hiệu quả của việc thiết lập khu thu dung (bệnh viện điều trị COVID-19 tầng 1) tại khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn, ông Trần Việt Anh cho biết, người lao động ở các khu công nghiệp khi bị F0 thì tâm lý của F0 rất sợ hãi, hoang mang nếu phải tới các bệnh viện dã chiến ở xa nơi làm việc và nơi ở của họ. Khi có bệnh viện dã chiến ngay trong khu công nghiệp, họ cảm giác như đó là phòng khám y tế của nhà nên rất yên tâm. Ông Trần Việt Anh  đề xuất nên dùng một từ khác để thay cụm từ “khu cách ly” và “bệnh viện dã chiến” sao cho nhẹ nhàng hơn, để người lao động cảm thấy họ đi khám sức khoẻ, hoặc điều trị tăng cường, giúp ổn định tâm lý cho họ.

Trước những thông tin trao đổi từ phía Bộ Y tế và lãnh đạo UBND TPHCM để thực sự có một môi trường sản xuất an toàn, hiệu quả, ông Trần Việt Anh nhìn nhận, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Lương Mai Anh đã đưa ra những chương trình hỗ trợ đầy đủ, đồng thời cũng đưa ra những quy định, văn bản hướng dẫn về thuốc đầy đủ. Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất và đã trải nghiệm qua những tháng giãn cách, đã có trả giá và cũng đã nhìn thấy những khó khăn trong quá trình sản xuất khi đợt dịch chưa được tiêm vaccine đầy đủ, ông nêu ra một số đề xuất:

Trước tiên, chính quyền địa phương cũng như Bộ Y tế cần có kế hoạch và quyết tâm di dời những nhà máy các đơn vị sản xuất sử dụng nhiều lao động đan xen lẫn vào khu dân cư. Chúng ta bắt buộc có quy trình mới để xây dựng những nhà máy, khu công nghiệp phải có những quy trình mang tính chất phòng dịch, có nghĩa là phải thông thoáng.

Thứ 2, phải bổ sung những quy định ở nơi đang là vùng đỏ, vùng cam cũng được hưởng chế độ là ở nơi độc hại.

Thứ 3, cần quan tâm đến đội ngũ bác sĩ tâm lý.

Thứ 4, cần ban hành quy định ngay trong doanh nghiệp, phải có tuyên truyền quy định cụ thể thuốc dùng như thế nào để lãnh đạo doanh nghiệp có căn cứ thực hiện.

Đối với chính quyền, phải đánh giá doanh nghiệp qua phòng dịch, đưa ra tiêu chuẩn khen thưởng, hay phạt khi doanh nghiệp có bao nhiêu F0 trong một tháng chứ không phải doanh nghiệp kinh doanh đóng thuế tốt nhưng nhiều F0 thì cũng không được khen thưởng.

Cuối cùng là chúng ta quy định người lao động làm việc online ở nhà thì cũng cần phải có những tiêu chuẩn cho lao động online ở nhà. Khi họ gặp vấn đề trong làm việc online ở nhà thì có được hưởng những chế độ như tai nạn lao động hay không. Đó là những điều nhiều lao động quan tâm./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN