Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần cơ chế đột phá về đặt hàng nghiên cứu khoa học và công nghệ

Thứ Sáu, 03/06/2022 17:09 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, đi sâu phân tích, tìm ra các giải pháp để nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ...

Đ/c Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Chiều 3/6, tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG -HCM), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và ĐHQG-HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQG-HCM; cùng đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo các địa phương...

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các đại biểu bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 20-NQ/TW (Nghị quyết) và Kết luận số 50-KL/TW và việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó thực hiện ở một trong các cơ sở khoa học công nghệ hàng đầu của đất nước như ĐHQG-HCM để đánh giá những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, bất cập; đồng thời chỉ rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan của các hạn chế, bất cập trong thực hiện Nghị quyết; đề xuất những nội dung mới về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2022-2030, định hướng đến năm 2045.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, đi sâu phân tích, tìm ra các giải pháp để nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng của các viện nghiên cứu, trường đại học; hiệu quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản trong khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học liên ngành đạt trình độ tiên tiến thế giới. Phát huy vai trò của các tập thể khoa học mạnh, các chuyên gia đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới; chủ trì triển khai các nhiệm vụ quốc gia ở trình độ quốc tế…

 Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Bộ KH&CN trân trọng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến trao đổi, thảo luận để đánh giá được toàn diện, đầy đủ tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết 20 ở các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương.

Để góp phần thực hiện hiệu quả việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị sau hội thảo, ĐHQG-HCM tiếp tục phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các cơ quan liên quan chắt lọc kết quả nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước các nhiệm vụ cụ thể, giải pháp phù hợp để phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Thực hiện có hiệu quả Quyết định 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện các nội dung về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhấn mạnh: Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, Đảng ta đã sớm có các định hướng và chỉ đạo về vị trí, vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH); đồng thời, luôn coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi để KH&CN phát triển. Quan điểm coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa được khẳng định và quán triệt trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng như: Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII (năm 1996); Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 hướng vào tháo gỡ các điểm nghẽn, dành ưu tiên và tập trung nguồn lực để phát huy và phát triển KH&CN nhằm phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

 Giám đốc Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo

Đồng chí Huỳnh Thành Đạt cho rằng, việc tổng kết, đánh giá toàn diện Nghị quyết 20 nhằm chỉ rõ những kết quả đạt được, những hạn chế còn tồn tại, nguyên nhân của hạn chế và bài học kinh nghiệm là những cơ sở thực tiễn quan trọng để định hướng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với vai trò của mình, Bộ KH&CN trân trọng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến trao đổi, thảo luận của quý vị đại biểu để đánh giá được toàn diện, đầy đủ tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết 20 ở các bộ, ban ngành Trung ương, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội, doanh nghiệp. Đồng thời, những ý kiến trao đổi, thảo luận sẽ là những gợi ý quan trọng để ngành KH&CN nghiên cứu, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn tới. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Tại hội thảo, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân cho biết: Điều mà ĐHQG-HCM trăn trở từ thực tiễn hoạt động thời gian qua đó là việc triển khai thực hiện các chủ trương quyết sách lớn của Đảng về đào tạo khoa học công nghệ. Đơn cử như tự chủ trong các hoạt động nghiên cứu khoa học. “Quy trình cấp kinh phí, thực hiện và nghiệm thu đề tài khoa học như hiện nay có còn phù hợp hay không? Liệu có thể có cơ chế khoán, cơ chế đặt hàng cho các đại học, cho các thầy cô thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học không?” Đây là những vấn đề quan trọng cần được giải quyết đồng bộ để các đại học phát huy hết vai trò của mình trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và thực hiện các công trình nghiên cứu đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Trong thời gian tới, nên quan tâm đến đầu tư cho con người nhiều hơn thay vì chỉ ưu tiên đầu tư hạ tầng máy móc thiết bị; có cơ chế đột phá về đặt hàng nghiên cứu khoa học; có cơ chế phối hợp thực hiện các công trình nghiên cứu lưỡng dụng: vừa đảm bảo an ninh quốc phòng vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội” – Giám đốc ĐHQG-HCM nêu ý kiến.

 Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo.

Chương trình hội thảo gồm phiên toàn thể với các báo cáo chính: Báo cáo tình hình 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ của ĐHQG-HCM; Vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Một số vấn đề trọng tâm trong định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Các đại biểu tham gia hai phiên thảo luận: Về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Về chính sách, kinh tế, xã hội.

Hội thảo đã tập hợp, tuyển chọn được nhiều báo cáo tham luận, ý kiến có chất lượng, được chuẩn bị công phu, khoa học của hơn 200 đại biểu.

Sản phẩm của Hội thảo là các kiến nghị, đề xuất về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có tính thực tiễn của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn với Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 20-NQ/TW để góp phần hoàn thiện Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị cũng như của các cấp, các ngành và toàn xã hội, Nghị quyết số 20-NQ/TW đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tin, ảnh: Hoàng Mẫn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN