Cấm xe máy biển ngoại tỉnh có giải quyết được tình trạng quá tải?
(ĐCSVN) - Dự thảo “Đề án cấm xe máy mang biển ngoại tỉnh vào Hà Nội” từ năm 2020 của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. Hà Nội đang nhận được nhiều sự quan tâm và ý kiến của các tầng lớp nhân dân, trong đó nhiều ý kiến cho rằng, nội dung của Đề án còn nhiều điểm chưa phù hợp...
Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố" là dự thảo do Sở GTVT TP. Hà Nội phối hợp cùng Viện chiến lược GTVT nghiên cứu xây dựng. Hiện tại, dự thảo trên đang được đưa ra xin ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, tổ chức nghề nghiệp, chuyên gia và các đơn vị liên quan.
Cụ thể, theo dự thảo, với xe máy, lộ trình hạn chế sẽ thực hiện 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm 2020): sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần và các ngày lễ, tết. Từ năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (đường vành đai 1) từ 7h đến 19h hàng ngày; đồng thời, hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần; Giai đoạn 2 (từ năm 2023): sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh tại các khu vực phía trong đường vành đai 2 và mở rộng hạn chế xe máy từ phố cổ ra các tuyến phố cũ (khu phố xây dựng từ thời Pháp thuộc như: phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt); Giai đoạn 3 (đến năm 2025): sẽ thực hiện cấm xe máy một số địa điểm phía trong đường vành đai 3.
Với xe ô tô cá nhân, dự thảo Đề án đưa ra phương án hạn chế hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực nhất định. Bên cạnh đó, cho phép xe ô tô cá nhân đi vào giờ cao điểm tại một số khu vực trung tâm nhưng thực hiện thu phí. Thành phố sẽ dừng cấp phép sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ ô tô, xe máy tại 4 quận nội đô (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng); tăng phí giữ ô tô, xe máy tại khu vực trung tâm để không khuyến khích sử dụng xe cá nhân.
Ý kiến về dự thảo trên, chị Mai Phương Loan (Bắc Ninh) cho biết: “Cấm xe máy mang biển ngoại tỉnh vào khu vực nội đô thì chúng tôi di chuyển bằng gì? Điều này thật phi thực tế, khi có đến 90% người dân lao động di chuyển bằng phương tiện này, chưa kể còn mang theo hàng hóa, đồ vật trên xe? Chẳng lẽ tiểu thương như chúng tôi chở hàng lên đến Hà Nội rồi thuê xe ôm hoặc taxi chở hàng tiếp vào những khu chợ trong nội đô bán?”.
Được biết, chị Loan là một tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau, củ quả tươi từ Bắc Ninh về các chợ tại Hà Nội. Hầu như ngày nào chị cũng phải chở hàng từ Bắc Ninh về Hà Nội bằng xe máy để đổ bán cho các tiểu thương tại những khu chợ nội đô Hà Nội. Chị cho rằng, việc cấm xe máy đi vào nội đô Hà Nội dù là ngày nào trong tuần thì cũng là điều bất hợp lý, đặc biệt là việc phân chia cấm xe máy mang biển ngoại tỉnh sẽ gây khó khăn cho người lao động sống tại những thành phố gần thủ đô Hà Nội như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc…
Trước những thông tin về việc thành phố sẽ tiến hành việc cấm xe máy mang biển ngoại tỉnh vào khu vực nội đô trong thời gian tới, anh Bùi Minh Hiếu (Hải Phòng) đang làm việc tại một công ty có trụ sở nằm trong khu vực phố cổ, không khỏi ái ngại chia sẻ: “Năm 2021 sẽ thực hiện cấm xe mang biển ngoại tỉnh vào khu vực nội đô? Tại sao không phải là cấm toàn bộ xe máy và ô tô mà chỉ cấm xe mang biển ngoại tỉnh? Có sự phân biệt gì ở đây chăng? Chẳng lẽ tôi phải đi đăng ký lại biển kiểm soát tại Hà Nội thì mới được đi làm trong khu vực phố cổ? Tôi cho rằng, quy định này là không hợp lý... Liệu có chắc rằng tới thời điểm cấm xe thì hạ tầng giao thông công cộng đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân?”.
Tìm hiểu trên thực tế chúng tôi thấy, có khá nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công trong mô hình thực hiện các tuyến phố không có phương tiện cơ giới (xe máy, xe ô tô). Điều đạt được của các quốc gia cấm xe máy chính là trật tự an toàn và văn minh trong giao thông; tỷ lệ người tử vong do tai nạn giao thông rất thấp và môi trường trong lành hơn. Tuy nhiên, để làm được như vậy cần phải có sự đồng bộ, thay đổi tư duy và đầu tư chính xác, hiệu quả từ các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách. Cụ thể, Nhà nước phải quy hoạch và nâng cấp hạ tầng giao thông, điều chỉnh về quy hoạch trụ sở cơ quan, nhà máy; tổ chức đưa đón nhân viên, công nhân phù hợp với nhịp độ lưu thông của xe đạp, xe công cộng.
Anh Nguyễn Minh Phương (Hà Nam) sinh viên một trường đại học tại Hà Nội cho biết: “Em thấy việc hạn chế phương tiện cơ giới đi lại tại những khu vực nội đô cũng là xu hướng trong tương lai. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng và đạt được những hiệu quả tốt, đặc biệt là hiệu quả về cải thiện giao thông, giảm tai nạn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, với hạ tầng giao thông công cộng như ở Hà Nội lại là điều hết sức đáng suy nghĩ. Ngoài việc cần chú trọng tới mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông công cộng, tại đây còn cần nghiên cứu về tập quán, lối sống của người dân tại những khu vực có dự định triển khai đề án, đặc biệt là nơi có đặc thù như khu vực phố cổ Hà Nội”.
Còn ông Vũ Quốc Lợi (Hà Nội) - một người dân sống tại phố Hàng Bông nêu ý kiến: “Nếu cấm thì nên cấm chung toàn bộ xe máy, chứ cấm riêng xe máy ngoại tỉnh thì khó mà triệt để! Hơn nữa, ngoài việc tập trung phát triển hệ thống giao thông công cộng thì cũng nên khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện như xe đạp, xe điện… Tôi cho rằng, Dề án cấm xe máy tại một số khu vực trung tâm cũng là một giải pháp trong tương lai”.
Về mục tiêu chiến lược của Đề án dừng hoạt động với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô Hà Nội, ông Hà Huy Quang - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh: Mục đích của Đề án là để giảm ùn tắc và tại nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô. Hiện nay, thành phố xem xét việc hạn chế xe máy nói chung, không riêng xe biển số ngoại tỉnh. "Khi đã cấm là cấm triệt để tất cả, chứ không phân biệt".
Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố" có đề cập lộ trình hạn chế xe máy từ năm 2020 và đây mới chỉ là dự thảo sơ bộ. Hiện nay, Sở vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia để hoàn thiện trước khi báo cáo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội – ông Hà Huy Quang cho biết thêm./.