Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cái ôm đầu tiên – quy trình sinh con hiện đại và nhân văn

Thứ Năm, 17/12/2015 15:48 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Quy trình chăm sóc trẻ sơ sinh thiết yếu (EENC), hay còn gọi là “Cái ôm đầu tiên”, mới được triển khai ở các bệnh viện lớn trên cả nước, nhưng đã nhận được nhiều đánh giá tốt. Tại Bệnh viện Sản – Nhi Đà Nẵng, 95% số sản phụ được sinh con theo phương pháp này, và đa số đều hài lòng.

 

Tại phòng hậu sản của Bệnh viện, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh tượng vô cùng đẹp đẽ, ấm áp, thiêng liêng: tất cả các sản phụ đều đang ôm đứa con vừa chào đời trên bụng, da kề da mẹ, các em bé đều ngủ ngon lành, một số bé đang ọ ẹ đòi bú mẹ.  

Gặp sản phụ Trần Thanh Huyền (TP. Đà Nẵng) ngay khi vừa trải qua ca sinh nở đầy đau đớn, nhưng chị vẫn nở nụ cười hạnh phúc khi em bé vừa chào đời đã được đặt nằm sấp trên bụng mẹ. Chị cảm nhận được hơi ấm của mình truyền sang con, cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng giữa mình và bé.



Ngay khi lọt lòng, em bé đã được nằm trong vòng tay ấm áp của mẹ. Ảnh: TH

Còn sản phụ Trần Thị Vân, đến từ Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng vừa sinh mổ xong. Chị chia sẻ "khi biết tin tại Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng sinh mổ theo phương pháp mới, tôi đã bay đến đây để sinh mổ. Tôi muốn ngay từ giây phút đầu tiên được ôm con vào lòng. Và tôi đã vô cùng mãn nguyện".

Bác sĩ TS. Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, EENC là phương pháp can thiệp đơn giản, chi phí thấp nhưng có thể cứu sống nhiều trẻ sơ sinh sinh non, bệnh lý. Tại Bệnh viện, phương pháp trên không chỉ áp dụng với các ca sinh thường mà áp dụng ngay cả cho cả trường hợp sinh mổ. Chỉ những trường hợp mẹ bị gây mê, bị bệnh lý hoặc trẻ quá non tháng phải nằm lồng ấp mới áp dụng phương pháp cũ. Rất nhiều bà mẹ đến đây sinh đã vô cùng bất ngờ với phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh mới nhưng ai cũng hài lòng, ngập tràn hạnh phúc. Trước kia, em bé sinh ra được sát trùng và cắt dây rốn trong 30 giây đầu tiên, cách ly khỏi mẹ, đưa đi hút đờm nhớt, làm vệ sinh, cân… Còn nay, phương pháp chăm sóc mới có 6 bước. Phương pháp này ưu việt hơn hẳn phương pháp cổ điển, từ khi áp dụng chưa ghi nhận bất thường mà đem lại hiệu quả không ngờ.

Theo Th.BS Đinh Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), “Cái ôm đầu tiên" là phương pháp chăm sóc thiết yếu sơ sinh sớm được Bộ Y tế kết hợp với Tổ chức y tế thế giới triển khai tại Việt Nam từ tháng 7/2014. Hiện nay, đã có nhiều bệnh viện triển khai áp dụng phương pháp này. Khác với trước đây, sinh con theo phương pháp ngay sau khi chào đời em bé sẽ ở cùng mẹ suốt 1 giờ đồng hồ. Tất cả các thao tác cắt dây rốn, lau khô mình đều được thực hiện khi em bé đang nằm trên bụng mẹ.

Những em bé sinh non tháng, nhẹ cân sẽ tiếp tục được ủ ấm bằng phương pháp canguru. Ảnh. TH

Nói về những lợi ích của phương pháp sinh con mới, Bác sĩ Tuấn cho biết, việc cắt rốn chậm cũng giúp tiết kiệm lượng máu cho em bé, chống thiếu máu ở trẻ sơ sinh. Và ngay trên bụng mẹ, 30 phút sau sinh, em bé có thể bú mẹ với những dòng sữa non ngọt ngào. Ngoài ra, việc cắt rốn một thì, để rốn hở sẽ khiến rốn chóng khô, sớm rụng, tránh được nhiễm trùng rốn.

Phương pháp này cũng giúp thân nhiệt người mẹ sẽ ủ ấm cho bé, tránh cho em bé bị mất nhiệt, bé cũng được tiếp xúc với môi trường da mẹ. Theo phương pháp sinh trước, có quá nhiều thao tác như lau chùi, hút đờm, khiến em bé dễ bị hạ thân nhiệt, nguy cơ suy hô hấp, nhiễm trùng, xuất huyết não cao. Giờ đây, chỉ có những em bé bị ngạt mới tiến hành hút đờm.

Đối với người mẹ, việc bé bú sớm cũng giúp tử cung người mẹ co tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ băng huyết sau khi sinh. Tâm lý người mẹ cũng cảm thấy phấn chấn, làm giảm cơm đau, chóng phục hồi cơ thể, rút ngắn thời gian nằm viện của mẹ. Phương pháp sinh con này đồng thời cũng là khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.

Trong năm 2016, ngành y tế sẽ tiến hành đào tạo phương pháp này cho tất cả bệnh viện các tỉnh, thành; định hướng sẽ phát triển toàn quốc. Đến năm 2020, tất cả các bệnh viện, cả bệnh viện tư nhân, bệnh viện ngành đều sẽ triển khai rộng khắp.

 

Kim Dung

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN