Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cái gốc của rau sạch!

Thứ Năm, 01/09/2016 00:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Trong cuộc sống, ai cũng muốn được tiêu dùng đồ sạch với giá cả phải chăng. Nhưng khi một người nổi tiếng dám nói lên suy nghĩ của mình về giá trị thực của thực phẩm sạch, những phản ứng trái chiều lại làm cho người tiêu dùng có một luồng tư tưởng hoàn toàn khác. Đó không chỉ là sự thiếu hiểu biết, mà còn cả tâm lý đám đông trước mỗi sự việc.



Các trang trại trồng rau sạch đang liên tục mọc lên trên cả nước (Ảnh: raucusach.vn)

Một logic rất đơn giản: Nếu thực phẩm sạch mà giá vẫn rẻ như... bẩn, thì người nông dân chẳng việc gì phải tiêu tốn thuốc trừ sâu hay nguyên liệu độc hại để nuôi trồng. Ở khía cạnh nào đó, lời nói thật về chất lượng và giá trị của đồ sạch cần được chấp nhận ở nền kinh tế thị trường, đó là khi người ta không đủ sức kiểm soát thực phẩm, rau quả bẩn, khi chính người làm nông nghiệp còn không dám ăn sản phẩm của mình làm ra, thì đẳng cấp của đồ sạch sẽ lên ngôi. Về lý thuyết là như vậy!

Trên thực tế, rất nhiều người thậm chí còn không phân biệt được khái niệm “sạch” trong thị trường ngập tràn vô số những thứ thiếu kiểm tra, giám sát. Lúc này, rau sạch chẳng hạn đang là chủ đề vô cùng hấp dẫn và được quan tâm. Bất cứ ở đâu người ta cũng nói về rau sạch, ai cũng khoe được ăn rau sạch từ những nguồn “sạch”, và có cả những người  tự hào về việc bản thân tự trồng được rau sạch tại gia. Nhưng hiểu về rau sạch không hề đơn giản như thế!

Thế nào là sạch? Hiện tại, thị trường có vẻ đang đánh đồng giữa rau an toàn và khái niệm mới về rau Organic (rau hữu cơ). Nôm na, rau an toàn vẫn đang được xem là giới hạn an toàn để sử dụng. Rau an toàn thường được xem là đủ sạch để dùng, có đặc điểm được quy hoạch thành vùng dưới sự giám sát của các địa phương, sử dụng các loại phân hóa học kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu trong danh mục cho phép và chủ yếu trồng độc canh. Tuy nhiên, các loại rau này vẫn có nguy cơ bị ô nhiễm cao bởi nguồn nước thiếu chuẩn xét nghiệm, thường xảy ra hiện tượng tồn dư thuốc trừ sâu trong sản phẩm, và đặc biệt luôn bị xem là “kẻ tiêu diệt” nguồn đất, nước, hay cả không khí khi thiếu hẳn các yếu tố khoa học về xen canh, luân canh và đa dạng sinh học cây trồng.

Trong khi đó, rau Organic vẫn được xem là “đẳng cấp” thực sự của giới trồng rau. Các trang trại trồng rau hữu cơ thường được đầu tư rất lớn, với những tiêu chí hiện đại và được chuẩn hóa chất lượng. Ví dụ, với việc trồng các loại rau Organic, người ta không chỉ cần quy hoạch vùng mà còn phải xét tới yếu tố vùng đệm để bảo vệ sự xâm nhiễm. Đất trồng và nguồn nước luôn được đề cao việc xét nghiệm từ kim loại nặng tới các hóa chất độc hại, kiểm soát cực kỳ chặt chẽ về bảo vệ thực vật, hàm lượng chất dinh dưỡng, vitamin. Trên hết, các sản phẩm Organic còn phải cam kết chịu trách nhiệm rất rõ ràng về nguồn gốc truy xuất, với những quy chế xử lý cụ thể, theo đúng pháp luật.

Những sản phẩm đạt chuẩn và được đầu tư kỹ lưỡng là mơ ước của mọi công dân. Nhưng với những dự án trồng rau Organic, dù nhận được sự đồng thuận và cổ vũ rất lớn từ giới truyền thông, nhưng vẫn thất bại nhiều hơn là thành công. Dễ thấy, bên cạnh việc giá thành cao, các sản phẩm cao cấp lại thường có năng suất thấp hơn hẳn các loại thông thường. Trong cuộc chơi của các đại gia tôn vinh sản phẩm sạch, việc trường vốn hay sự minh bạch, niềm tin về sự thật hay lòng tốt chưa hẳn đã quyết định thành - bại. Trong kinh doanh, nhiều khi những tính toán nghiêng về lợi ích cộng đồng vẫn bị đánh gục bởi tư tưởng nhỏ lẻ, tham lợi, bất chấp thủ đoạn để "lướt sóng" kiếm lời trong chu kỳ ngắn.

Ở trường hợp này, vấn đề bảo hộ của hệ thống pháp luật vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Từ bao đời, người nông dân Việt Nam vẫn được xem là thật thà, không muốn gian dối và luôn tận tâm với sức lao động chính đáng. Tuy vậy, bên cạnh sự hỗ trợ còn "hạn hẹp" của các cơ quan hữu quan, sự khắc nghiệt của thị trường và vấn đề đạo đức thương lái cũng đã tạo ra nhiều hệ lụy phức tạp. Muốn bán được sản phẩm, người nông dân phải “chiều” theo tiến độ, sức ép và sản lượng của thương lái. Về tư tưởng cũng như nhận thức, về thực tế cuộc sống cũng như việc quản lý hóa chất độc hại, người nông dân bị đẩy lên tuyến đầu của sự chỉ trích thay vì được bảo vệ một cách chính đáng.

Vậy đấy, khi ở một đất nước nông nghiệp như Việt Nam mà hàng năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu cây giống, vẫn phải lo lắng khôn nguôi về hạn hán, ô nhiễm nguồn nước, vẫn chấp nhận thói quen canh tác không còn phù hợp về “nước, phân, cần, giống”, khi người nông dân vẫn lập tức sẵn sàng lấy thuốc ra xịt chỉ vì phát hiện sâu bệnh, thì rau sạch, thực phẩm sạch “PHẢI ĐẮT” là điều đương nhiên.

Bài toán thực phẩm sạch chắc chắn sẽ còn cần nhiều thời gian, nhiều vấn đề cần giải quyết. Nhưng cái gốc của rau sạch vẫn không hẳn là cơ chế, chính sách, hay sự đầu tư đúng đắn.

Trên hết, nó còn phải là niềm tin! Như những gì trong quá khứ, nông dân Việt đã tạo ra và gìn giữ. Đó là khi người ta bán một mớ rau không chỉ vì tiền. Nó còn là danh dự, trách nhiệm và cam kết về lòng chân thành./.

 

HC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN