Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cách mạng Tháng Tám thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong đồng bào Công giáo

Thứ Ba, 03/09/2024 11:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của đồng bào Công giáo Việt Nam như những viên than hồng âm ỷ cháy, khi Cách mạng Tháng Tám đến đã thổi bùng lên thành biển lửa, làm thay đổi diện mạo của Giáo hội với hầu hết người Công giáo đã đứng về phía Cách mạng.

Đạo Công giáo du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ XVII. Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, ngay từ thời kỳ đầu Công giáo vào Việt Nam, đã xuất hiện những linh mục, tín hữu Công giáo người Việt có tư tưởng Công giáo đồng hành cùng dân tộc, tiêu biểu như linh mục Đặng Đức Tuấn (1806 - 1874) đã dâng kế sách chống Pháp (còn gọi là “Minh đạo bình Tây sách”); giáo dân Đinh Văn Điền ở Yên Mô- Ninh Bình, năm 1868 đã mật tâu với vua kế sách để đánh Pháp bằng việc canh tân đất nước, luyện tập võ bị sẵn sàng đánh Pháp; nhân sĩ người Công giáo Nguyễn Trường Tộ (1830 - 1871) là một nhà cải cách có lòng yêu nước, đã đã chủ trương làm cuộc cách mạng trong giáo dục để chấn hưng dân trí, phát triển đất nước.

Đầu thế kỷ XX, ở vùng đất Nghệ Tĩnh dưới sự lãnh đạo của nhà trí sĩ yêu nước Phan Bội Châu với phong trào Đông Du - Duy Tân, một tổ chức yêu nước cách mạng riêng cho người Công giáo được thành lập với tên gọi Duy Tân Giáo đồ hội. Ban lãnh đạo Hội gồm 3 linh mục: Đậu Quang Lĩnh, Nguyễn Thần Đồng, Nguyễn Tường và thầy giảng đạo Mai Lão Bạng. “Chương trình hoạt động của hội là: Tuyên truyền, giải thích cho giáo sĩ, giáo dân Việt Nam về tinh thần yêu nước, xóa bỏ thành kiến đối với những người yêu nước chống Pháp;  Tổ chức các hội buôn hay cơ sở công nghệ để làm kinh tài cho phong trào Đông Du; Vận động các nhà phú hữu Công giáo đóng góp tài chính cho phong trào; Vận động thanh niên Công giáo cùng với thanh niên bên lương xuất gia tu học ở Nhật Bản”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương cho biết.

Còn theo TS. Pham Huy Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Tôn giáo học - Viện Trí Việt, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của người Công giáo Việt Nam thời kỳ Cách mạng Tháng Tám được biểu lộ qua nhiều hoạt động, như: tháng 7/1945, những nhạc sĩ Công giáo như Hùng Lân, Nguyễn Khắc Xuyên, Tâm Bảo… đã họp nhau tại phố Phủ Doãn (Hà Nội) để lập ra một nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh với chủ trương: “Về nội dung: Phụng sự Thiên Chúa và Tổ quốc, về nghệ thuật: lấy dân ca cổ truyền làm cấu trúc âm thanh”. Trước đó trong thánh nhạc Công giáo, từ ca từ đến giai điệu đều là ở nước ngoài đưa vào.

 Kỳ đài - trên đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu

Trong ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, mặc dù bị bề trên là các giáo sĩ người nước ngoài cấm đoán, nhưng 200 chủng sinh Đại Chủng viện Xuân Bích vẫn tập hợp để biểu thị ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh. Thiết kế kỳ đài cho Lễ Tuyên ngôn Độc lập là họa sĩ người Công giáo Lê Văn Đệ và chỉ huy đoàn quân nhạc cử bài “Tiến quân ca” hôm đó cũng là nhạc sĩ người Công giáo Đinh Ngọc Liên.

Nhiều Tòa Giám mục như Hà Nội, Thái Bình tu sĩ, linh mục đã tập trung hô các khẩu hiệu: “Các giáo sĩ nước ngoài hãy về nước, giáo hội Việt Nam để cho người Việt Nam”, những giáo phận này sau đó phải thay vị Tổng đại diện người nước ngoài bằng các linh mục người Việt. Tại Sài Gòn, không chỉ giáo dân mà có cả linh mục tham gia diễu hành ủng ủng hộ Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh. Những người Công giáo kháng chiến Nam Bộ ra tuyên bố: “Xét rằng, người Pháp xâm chiếm đất nước Việt Nam chúng ta và áp bức nhân dân Việt Nam trong 80 năm. Xét rằng, người Pháp thờ Chúa mà không sống yêu thương và công bằng như Chúa dạy mà tham lam đến độ không ngần ngại đàn áp nhân dân Việt Nam. Chúng ta phải đem cả con tim và trí tuệ bảo vệ sự sống còn của dân tộc chúng ta…” (1).

Đặc biệt, hào khí của Cách mạng Tháng Tám đã tác động đến hàng giáo sĩ cấp cao của Giáo hội tại Việt Nam qua việc các giám mục gửi thư cho Đức Giáo hoàng. “Cả 4 giám mục người Việt Nam lúc đó cùng ký tên vào bức điện gửi Tòa Thánh và Kitô hữu toàn thế giới đề nghị ủng hộ nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đồng thời bày tỏ quyết tâm bảo vệ đất nước đến cùng”, TS. Phạm Huy Thông nhấn mạnh.

 TS. Phạm Huy Thông trao đổi với phóng viên về tinh thần yêu nước của đồng bào Công giáo trong Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: An Luých


Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương: Cách mạng Tháng Tám đã thôi thúc người Công giáo vùng lên cùng dân tộc giành lấy chính quyền. Người Công giáo huyện Kim Sơn (Ninh Bình) tham gia cướp chính quyền từ tay kẻ xâm lược, tổ chức mít tinh, biểu tình, đoàn người đa số là thanh niên Công giáo rực rỡ cờ đỏ sao vàng và căng khẩu hiệu vừa đi vừa hô vang “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Ủng hộ mặt trận Việt Minh”. Hàng chục vạn đồng bào Công giáo ở Vinh, Huế, Thái Bình, giương cao cờ đỏ sao vàng, xuống đường ủng hộ Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong lúc Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa ra đời còn non trẻ bị các thế lực giặc trong thù ngoài vây phá, đồng bào Công giáo cả nước đã thể hiện quyết tâm đứng lên bảo vệ Chính phủ Hồ Chí Minh. Điển hình là các giám mục, linh mục, giáo dân vùng Vinh - HàTĩnh - Quảng Bình gửi thư lên Hồ Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định quyết tâm: “Dù phải hy sinh xương máu để kiến thiết nước nhà tự do hạnh phúc hoàn toàn thì chúng tôi cũng sẵn sàng không ngần ngại”. Trong thư hồi âm, Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng cảm ơn: “Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn bức thư các vị đã gửi cho chúng tôi. Trong thư viết: “Dù phải hy sinh xương máu để kiến thiết một nước nhà tự do hạnh phúc hoàn toàn, thì chúng tôi cũng sẵn sàng không ngần ngại”. Câu nói nhiệt thành đó tỏ rằng các vị là những người chân chính yêu nước, đồng thời cũng là những chân chính của tín đồ của Đức Giêsu. Đức Giêsu hy sinh vì muốn loài người được tự do hạnh phúc, đồng bào cả lương cả giáo cũng vì tự do hạnh phúc cho toàn dân mà hy sinh phấn đấu” (2).

Hưởng ứng “Tuần lễ vàng” của Chính phủ cách mạng, Giám mục Giáo phận Bùi Chu Hồ Ngọc Cẩm thể hiện tinh thần kính Chúa, yêu nước bằng cách giữ lại cây thánh giá để phụng sự Thiên Chúa, dây chuyền vàng thì ủng hộ cho kháng chiến kiến quốc của dân tộc. Giám mục Hồ Ngọc Cẩn viết: “Phàn tôi khi thụ phong Giám mục, có một đấng biếu tôi Thánh giá và dây đeo thực bằng vàng. Nhưng tôi nghĩ, trên có giời che, dưới có đất chở. Trên phải phụng sự Thiên Chúa, dưới cũng không quên Tổ quốc. Vậy trong lúc này, tôi cũng vui lòng chia của quý này làm hai. Thánh giá tôi giữ lại để phụng sự Thiên Chúa, dây đeo tôi xin dùng để phụng sự quốc gia” (3).

Từ những minh chứng sống động trên, TS. Phạm Huy Thông khẳng định: Tinh thần yêu nước của người Công giáo như những viên than hồng âm ỷ cháy, khi Cách mạng tháng Tám đến đã thổi bùng lên thành biển lửa, làm thay đổi diện mạo của Giáo hội với hầu hết người Công giáo đã đứng về phía Cách mạng, khiến Giám mục Cassaigne phải thốt lên ngạc nhiên: “Họ đã cải biến người An Nam của chúng ta đi mất rồi”. Cũng theo TS. Phạm Huy Thông, lòng yêu nước của người Công giáo Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất trân trọng. Ngay sau Quốc khánh, trong Chính phủ Cách mạng có nhiều gương mặt Công giáo, như bác sĩ Vũ Đình Tụng - Bộ trưởng Y tế, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hà - Bộ trưởng Kinh tế, nhân sĩ Ngô Tử Hạ - Bộ trưởng Cựu chiến binh. Hai Giám mục Lê Hữu Từ và Hồ Ngọc Cẩn là cố vấn Chính phủ, Linh mục Phạm Bá Trực là Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa đầu tiên./.

----------------------------------

(1): Phạm Huy Thông: Ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công giáo và văn hóa Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2012, tr.188; tr.198.

(2), (3): Huy Thông (tuyển chọn): Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo, Nxb CTQG 2004, tr4; tr.297; tr.295.

An Luých

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN