Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Các tỉnh phía Nam tập trung xây dựng và ban hành văn bản thực hiện Chương trình MTQG

Thứ Năm, 24/08/2023 15:06 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - 13 tỉnh, thành phố phía Nam đã ban hành khoảng 199 văn bản quy định về tổ chức bộ máy và cơ chế, chính sách theo thẩm quyền làm cơ sở tổ chức thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn.

100% các địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện giai đoạn 5 năm; 12/13 tỉnh đã lập và giao kế hoạch hàng năm theo quy định thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (sau đây viết tắt là Chương trình).

Theo báo cáo của 9/10 tỉnh thực hiện Chương trình bằng nguồn vốn Trung ương, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh các địa phương đã ban hành theo thẩm quyền 92 văn bản quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.

Trong đó, các tỉnh đã hoàn thành ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025.

7/10 tỉnh, gồm: Tây Ninh, Bình Phước, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang đã ban hành quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình MTQG, giữa các chương trình MTQG với các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh; cơ chế huy động các nguồn lực khác.

6/10 tỉnh, gồm: Tây Ninh, Bình Phước, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang đã ban hành quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất.

Tỉnh Kiên Giang đã ban hành quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn.

3/10 tỉnh, gồm: Bình Phước, Sóc Trăng, Cà Mau đã ban hành 05 văn bản liên quan quy định về tổ chức thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù như: Danh muc các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù; Quyết định hoặc uỷ quyền cho UBND cấp huyện, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh quyết định thiết kế mẫu, thiết kế điển hình và áp dụng các thiết kế sẵn có đối với dự án theo quy định; Quyết định chi phí hỗ trợ chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án; Quy định việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giao cho cộng đồng tự thực hiện xây dựng công trình theo định mức hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật; Quy định việc quản lý, vận hành công trình; quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì công trình.

Tỉnh Cà Mau đã ban hành quy định về cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật để luân chuyển trong cộng đồng.

9/10 tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức giám sát, đánh giá Chương trình trên địa bàn theo quy định.

Cầu bê tông tại ấp Cần Lê - ấp đặc biệt khó khăn của xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước được xây dựng với kinh phí 4,7 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Ảnh: Á Rịa) 

Nhìn chung, công tác hoàn thiện xây dựng và ban hành văn bản theo thẩm quyền của cấp tỉnh để đảm bảo cơ sở pháp lý tổ chức thực hiện Chương trình tại các địa phương khu vực phía Nam được đánh giá là chậm và chưa đầy đủ so với bình diện chung trên cả nước và so với các khu vực khác.

Nguyên nhân là do nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện dự án, tiểu dự án đã được cấp Trung ương ban hành nhưng nội dung hướng dẫn chung chung, chưa cụ thể; một số hướng dẫn thiếu đồng bộ so với những quy định hiện hành đang còn hiệu lực; một số nội dung hướng dẫn chưa phù hợp với điều kiện triển khai của các địa phương phía Nam, chẳng hạn như hướng dẫn của Bộ Y tế triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; một số nội dung mới (như thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị…) chưa có quy định chính sách tiền lệ hoặc thiếu hướng dẫn quy định định mức cụ thể nên địa phương gặp khó khăn trong hoàn thiện quy định cơ chế, hướng dẫn triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, một số nguyên tắc như tăng cường lồng ghép nguồn lực, lồng ghép vốn, đẩy mạnh phân cấp phân quyền… chủ yếu mới triển khai ở góc độ chủ trương, khuyến khích triển khai hoặc nguyên tắc chung chung, chưa được tổ chức thực hiện trong thực tiễn do thiếu quy định cơ chế, hướng dẫn cụ thể, đồng bộ tại các luật, văn bản pháp lý được ban hành từ cấp Trung ương.

13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực phía Nam thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang và Thành phố Cần Thơ

Hoàng Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN