Các nhà lập pháp Nga kêu gọi sửa đổi quy định về sử dụng vũ khí hạt nhân
(ĐCSVN) – Ngày 21/11, các nghị sỹ Quốc hội Nga kêu gọi Hội đồng An ninh Quốc gia nước này sửa đổi quy định về sử dụng vũ khí hạt nhân trong bối cảnh cách đây ít lâu, Tổng thống Mỹ D.Trump đã công bố ý định rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Trong một bản tài liệu đã được Ủy ban Quốc phòng và An ninh quốc gia phê chuẩn, các nghị sỹ Nga đã nêu phương án chuẩn bị một phiên bản mới về “những nét cơ bản trong chính sách răn đe hạt nhân của LB Nga”.
Cứ vài năm một lần, Nga lại cập nhật các quy định về sử dụng vũ khí hạt nhân của nước này, với lần sửa đổi gần đây nhất được thực hiện vào năm 2014. Các quy định hiện nay của Nga đã đề cập tới việc ứng phó trong trường hợp “đất nước lâm nguy”, tuy nhiên, những đề xuất mới của các nhà lập pháp Nga đã yêu cầu thay đổi từ ngữ một cách chính xác hơn.
Cụ thể, theo đề xuất của các nhà làm luật Nga thì phiên bản mới này cần bao gồm cả việc xác định điều kiện để sử dụng vũ khí hạt nhân và đưa ra các biện pháp ứng phó trước “kịch bản sử dụng các vũ khí có thể di chuyển nhanh gấp 5 lần vận tốc âm thanh và các vũ khí chiến lược phi hạt nhân khác chống lại Nga”.
Phát ngôn viên cơ quan quốc phòng Mỹ - ông Johny Michael đã từ chối bày tỏ quan điểm về vấn đề trên khi phát biểu trước phóng viên hãng tin Sputnik rằng: “Chúng tôi không bình luận về những đề xuất xây dựng luật của một quốc gia khác”.
Trong khi đó, các nhà phân tích lại nhìn nhận động thái trên của giới lập pháp Nga có thể là một biện pháp nhằm phản ứng trước khả năng Mỹ rút khỏi INF theo như tuyên bố do Tổng thống D.Trump đưa ra vào tháng trước.
Ngày 20/10, Tổng thống D.Trump đã đưa ra một tuyên bố gây chấn động rằng nước Mỹ sẽ rút khỏi INF – một văn kiện được ký bởi Tổng thống Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev vào năm 1987. INF được xem là một hiệp ước mang tính bước ngoặt, đánh dấu sự chấm dứt của cuộc chạy đua vũ trang trong thời chiến tranh Lạnh giữa hai cường quốc. Hiệp ước đề cập tới việc cấm các tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km và hướng tới việc loại bỏ gần 2.700 tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 19/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moscow không cần tới một cuộc chạy đua vũ trang khác, song sẽ không “nhắm mắt làm ngơ” trước việc Mỹ quyết định rút khỏi INF. Nga sẵn sàng tiếp tục theo đuổi tiến trình đối thoại với Mỹ về hiệp ước này.
Bên cạnh đó, ông Putin cũng kêu gọi chính phủ và các quan chức quân sự Nga đưa ra những “biện pháp phù hợp” nhằm ứng phó trong tình huống Mỹ rút khỏi INF, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng, những tuyên bố này của ông "không chỉ là lời đe dọa suông”. Ông Putin cho biết, trước đó, ông đã từng lên tiếng cảnh báo Mỹ trước kịch bản rút khỏi INF và khuyến cáo Washington về những biện pháp trả đũa từ phía Moscow./.