Các hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo tăng cường năng lực của IMF mang lại hiệu quả thiết thực
(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bùi Văn Khắng đánh giá cao các hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo tăng cường năng lực của IMF đã mang lại hiệu quả, thiết thực, phù hợp với nhu cầu, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức trong nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính
Hình ảnh tại buổi làm việc (Ảnh: T.A) |
Sáng 30/7, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do ông Sandeep Saxena, Phó phòng Quản lý tài chính công, Vụ Tài khóa (FAD) làm Trưởng đoàn.
Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính: Kho bạc Nhà nước; Vụ Ngân sách nhà nước; Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính; Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại; Cục Giám sát kế toán, kiểm toán.
Định kỳ 2 lần mỗi năm, dưới sự điều phối của Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam, các đoàn đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam thông qua Đoàn công tác Điều IV IMF làm việc với Bộ Tài chính để đưa ra các đánh giá, tư vấn và đề xuất chính sách quan trọng về các giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô trong lĩnh vực quản lý tài chính công và các cải cách, hoàn thiện khuôn khổ thể chế quản lý tài khóa của Bộ Tài chính.
Từ năm 1994 đến nay, IMF đã quan tâm, thúc đẩy tăng cường các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan Chính phủ Việt Nam, trong đó có Bộ Tài chính nhằm tăng cường năng lực trong các lĩnh vực phân tích thống kê kinh tế, quản lý ngân sách, quản lý nợ công, quản lý giám sát thị trường tài chính - tiền tệ… Các hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo tăng cường năng lực của IMF đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ Bộ Tài chính trong lĩnh vực quản lý kinh tế vĩ mô và tài chính công, nâng cao kỹ năng sử dụng các mô hình thống kê và phân tích tài khóa.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng cảm ơn IMF đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo tăng cường năng lực cho Bộ Tài chính, đồng thời đánh giá cao các hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo tăng cường năng lực của IMF đã mang lại hiệu quả, thiết thực, phù hợp với nhu cầu, qua đó đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức Bộ Tài chính trong nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Những khuyến nghị của IMF đã đóng góp phát triển ngành Tài chính nói chung và Kho bạc Nhà nước nói riêng hoạt động ngày càng minh bạch, hiệu quả.
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Sandeep Saxena, Trưởng đoàn công tác của IMF cho biết ấn tượng với một tầm nhìn đã được xây dựng cụ thể, chi tiết, thể hiện rõ khát vọng, mong muốn của Bộ Tài chính trong Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030. “Khi nhìn vào chiến lược này, chúng tôi nhận thấy mục tiêu phấn đấu để trở thành Kho bạc số là hoàn toàn có thể thực hiện được. Có rất nhiều bước tiến lớn mà Kho bạc Nhà nước đã đạt được trên hành trình trở thành Kho bạc Nhà nước hiện đại”, ông Sandeep Saxena nhận định.
Theo đánh giá của các chuyên gia IMF, có nhiều mảng nội dung mà Kho bạc Nhà nước đã gần như hoàn thiện và đạt được trình độ phát triển cao như đã cải thiện đáng kể về hiệu quả quy trình thanh toán thông qua việc đưa cổng dịch vụ công sử dụng một cách rộng rãi, 99% các khoản thanh toán được báo cáo là thực hiện qua các kênh điện tử. Đa phần các khoản thu thuế được thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì các chuyên gia IMF cũng đưa ra khuyến nghị về một số lĩnh vực chưa có sự tiến bộ nhanh như kỳ vọng hoặc còn hạn chế cần phải cải thiện hơn nữa trong thời gian tới, như sự hài hòa giữa các chế độ kế toán khu vực nhà nước, tính kịp thời và độ chi tiết của báo cáo quyết toán, báo cáo các hoạt động ngoài ngân sách nhà nước. Ông Sandeep Saxena khẳng định phía IMF sẽ tiếp tục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính có liên quan để nghiên cứu, đưa ra các khuyến nghị cũng như đề xuất giải pháp phù hợp với thực tế của Việt Nam.
Trên cơ sở khuyến nghị của đoàn chuyên gia IMF, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng cho biết, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Kho bạc Nhà nước và các đơn vị liên quan thuộc Bộ nghiên cứu, tiếp thu. Bộ Tài chính mong muốn đoàn chuyên gia sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Tài chính nói chung và Kho bạc Nhà nước nói riêng trong quá trình cải cách, hiện đại hóa ngành Tài chính.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2030 và các chiến lược nhánh, trong đó có Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị IMF hỗ trợ Kho bạc Nhà nước triển khai 5 mục tiêu. Đó là cải cách, hiện đại hóa các chức năng quản lý quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hình thành Kho bạc số; sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chuyển đổi phương thức quản lý và cung cấp dịch vụ kho bạc; hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra và triển khai kiểm toán nội bộ./.