Các giải pháp ổn định thị trường vàng liệu đã phù hợp?
(ĐCSVN) - Hôm nay (10/5), giá vàng có phiên "nhảy múa" từng phút. Với sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải xem xét việc sớm cho nhập khẩu vàng để chặn đà tăng giá do yếu tố tâm lý.
Ảnh minh họa (Nguồn: cafef.vn) |
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã tăng tới 2,9 triệu đồng mỗi lượng vàng miếng ở cả hai chiều mua vào - bán ra so với chốt phiên hôm qua lên mức 89,90 - 92,20 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng giao ngay cùng thời điểm đang giao dịch quanh 2.366 USD/ounce. Như vậy, sau phiên tăng mạnh gần 41 USD/ounce hôm qua, giá vàng thế giới phiên châu Á hiện tại cũng đã tiếp tục tăng thêm hơn 18 USD mỗi ounce nữa.
Dù vậy, quy đổi theo tỷ giá hiện hành, giá vàng thế giới đang chỉ vào khoảng 73,3 triệu đồng/lượng đã bao gồm thuế, phí. Như vậy, sau những phiên tăng nóng gần đây, vàng SJC tiếp tục nới rộng chênh lệch giá với thị trường thế giới, với mức chênh lệch thời điểm này đã lên tới gần 19 triệu đồng/lượng, gần tương đương vùng chênh lệch kỷ lục hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua.
Việc Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn được kỳ vọng sẽ “kìm hãm” được việc leo thang của giá vàng. Tuy nhiên đến nay, sau 5 lần gọi thầu với 2 lần đấu thầu vàng thành công với quãng thời gian hơn 2 tuần, giá vàng trong nước đã tăng 10 triệu đồng/lượng. Việc giá vàng SJC tăng ngoài sức tưởng tượng, khoảng cách giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới đến 18 triệu đồng/lượng, khiến cho mọi người hoài nghi về tính hiệu quả của đấu thầu vàng. Đã đến lúc cơ quan quản lý phải có công cụ quản lý hợp lý hơn với thị trường vàng.
Giới chuyên gia phân tích, giá vàng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong các buổi mời gọi thầu rất cao. Trong phiên đấu thầu vàng ngày 8/5, có doanh nghiệp còn trúng thầu với giá 86,05 triệu đồng/lượng. Khi người dân thấy giá vàng Ngân hàng Nhà nước bán ra cao sẽ kéo theo hoài nghi, giá vàng mua bán ở ngoài thị trường chắc chắn cao hơn.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét lại các điều kiện tham gia đấu thầu, mức đặt cọc và cách thức công bố thông tin đấu thầu để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng. Bên cạnh đó, việc đánh giá lại mức giá sàn và cơ cấu phiên đấu thầu cũng có thể cần được xem xét để phản ánh chính xác hơn tình hình cung cầu và diễn biến giá vàng trên thị trường quốc tế.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Xuân Nghĩa, diễn biến trên cho thấy không có bất cứ thay đổi nào về nguồn cung. Không những vậy, việc đấu thầu vàng thời gian vừa qua còn có tác động về tâm lý, khi người dân lo ngại các cuộc đấu thầu không thành công, theo đó đã “kích hoạt” tâm lý tăng giá vàng.
Để đưa giá vàng trong nước dần trở lại cân bằng với giá vàng thế giới, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng đã từng đưa ra nhận định, phải nhập khẩu một lượng nhất định, vì cơ bản Việt Nam không có nhiều nguồn vàng ở trong nước. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần phải tính toán nhập về bao nhiêu vàng? ở thời điểm nào? để vừa đảm bảo quan hệ cung - cầu, vừa để kiểm soát dự trữ ngoại hối, đồng thời vẫn góp phần ổn định tỷ giá cũng như kinh tế vĩ mô. Quay lại câu chuyện của thời điểm năm 2013, thị trường vàng là vấn đề rất nóng trong kinh tế Việt Nam. Thời điểm đó, chúng ta giao dịch bằng vàng, cho vay, mượn bằng vàng, có nghĩa là các ngân hàng có thể cho vay vàng. Chính vì thế, thị trường vàng ở mức vàng hóa rất cao, gây nhiều biến động rất lớn.
Điều này đưa ta lại câu chuyện mà cơ quan quản lý và các chuyên gia từng bàn luận rất nhiều đó là cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý thị trường vàng. Cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng, đưa nguồn cung vàng tăng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường; điều này có thể khiến giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng.
Cùng với đó, cần sửa quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và bỏ việc công nhận SJC là thương hiệu vàng miếng chuẩn quốc gia. Bởi lẽ, đây là nguyên nhân chính làm cho giá vàng SJC luôn cao hơn giá thế giới kéo dài thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Nghị định 24 chỉ đề cập đến vàng vật chất, đặc biệt vàng miếng SJC được chọn là thương hiệu quốc gia và được Nhà nước độc quyền sản xuất và kinh doanh. Trong khi theo khảo sát của Hiệp hội và qua các buổi làm việc, các nước trên thế giới, trong đó có các nền kinh tế lớn, thì ngân hàng Trung ương không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng, bởi họ quan niệm vàng là một loại hàng hóa thông thường, nên chỉ có vai trò trong điều phối vàng dự trữ quốc gia.
Còn theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nếu giữ độc quyền chỉ có vàng miếng SJC, cung ít, cầu nhiều thì đương nhiên giá tăng, nên chúng ta phải mở cửa, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh để có nguồn cung lớn hơn, rộng rãi, cạnh tranh. Càng có cạnh tranh về cung, càng có lợi cho thị trường mua - bán, không có chuyện vàng tăng giá phi lý như thời gian qua./.