Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Các địa phương “thích ứng” với tình hình mới như thế nào?

Thứ Ba, 19/10/2021 16:38 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch, đó là từ cố gắng dập tắt dứt điểm dịch sang chung sống an toàn với dịch. Việt Nam cũng đang trong xu hướng như vậy. Điều này có thể thấy rõ qua việc triển khai thực hiện Nghị định 128/NQ-CP của Chính phủ tại các địa phương.

Nghị định 128 phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay

Sau đợt dịch vừa qua, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới và các chuyên gia đều nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát hoàn toàn được trong năm 2021 và năm 2022, thậm chí còn có thể xuất hiện biến chủng mới nên rất khó lường trong việc phòng chống dịch hiện nay. Chính vì vậy, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch, đó là từ cố gắng dập tắt dứt điểm dịch sang chung sống an toàn với dịch. Việt Nam cũng đang trong xu hướng như vậy.

 Thông điệp 5K - sống chung an toàn với dịch COVID-19 của Bộ Y tế (Ảnh: Bộ Y tế)

Trước diễn biến mới của dịch COVID-19, ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 128/NQ-CP về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Mục tiêu của Nghị định là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.

Qua 4 đợt dịch, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, công tác phòng chống dịch của Việt Nam đã đạt được những hiệu quả nhất định. Hiện nay, trong bối cảnh độ bao phủ tiêm vaccine ở nước ta vẫn còn ở mức khiêm tốn, việc chuyển hướng tiếp cận từ mức "Zero COVID-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả", tức là chúng ta đồng thời vừa phải phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế- xã hội.

Song song áp dụng các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả ở các thời điểm, nhất là thời điểm hiện nay, là rất đúng thời điểm, để kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch phải điều chỉnh linh hoạt hơn, phù hợp hơn với thực tiễn cùng với việc đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine.

Đồng thời cũng cần phải phát hiện sớm các ca bệnh, không để sót ca bệnh. Khi phát hiện thì phải tiến hành khoanh vùng và cách ly ở diện hẹp nhất có thể, thậm chí có thể khoanh vùng một vài hộ gia đình...

Cùng với đó, hạn chế khoanh vùng cách ly kéo dài trên diện rộng và triển khai quyết liệt các biện pháp điều trị từ sớm, từ xa để giảm số ca tử vong. Các trường hợp F1 cũng phải cách ly phù hợp, không chỉ cách ly tập trung mà có thể cách ly tại hộ gia đình, tại nơi lưu trú, để ngăn chặn nguồn lây. Đồng thời phải tuân thủ nghiêm các biện pháp "5K+vaccine+thuốc+công nghệ thông tin+ý thức của người dân".

Cùng với đó, mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh như giao thông vận tải, du lịch, giáo dục và đào tạo, sản xuất các ngành nghề... để từng bước có lộ trình đưa ra các giải pháp vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế một cách chắc chắn, hiệu quả, phù hợp và đảm bảo an toàn phòng chống dịch với nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hoạt hiệu quả phòng chống dịch.

Vì vậy, thời điểm này, Chính phủ ban hành Nghị định 128 hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay cũng như công tác phòng chống dịch, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội.

Các địa phương dần trở lại trạng thái bình thường mới

Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, một số tỉnh đã công bố cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn để từng bước đưa cuộc sống trở về trạng thái "bình thường mới".

Tại tỉnh Quảng Ninh, nếu căn cứ 3 tiêu chí hướng dẫn phân loại cấp độ dịch COVID-19 trong Quyết định 4800 của Bộ Y tế thì Quảng Ninh đạt cấp độ 1 - màu xanh. Đến thời điểm này đã qua hơn 100 ngày, Quảng Ninh không có ca nhiễm trong cộng đồng. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 đạt gần 95%; mũi 2 khoảng 70%, dự kiến trong tháng 10 sẽ phủ xong mũi 2. Với tiêu chí thu dung, điều trị, tỉnh đã có phương án thu dung, điều trị từ 5.000 đến 10.000 F0 tại cơ sở y tế, còn cơ sở cách ly đủ sức cách ly tập trung hàng trăm nghìn người.

 Các doanh nghiệp đang hoạt động trở lại để khôi phục sản xuất kinh doanh (Ảnh minh họa: Doanh nghiệp hội nhập)

Sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ được ban hành, trong những ngày vừa qua, Quảng Ninh đã triển khai nhiều cuộc họp, với sự tham dự của nhiều cấp, ngành, để bàn phương án triển khai các hoạt động trên địa bàn tỉnh gắn với công tác kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Một trong những nội dung được quan tâm, bàn thảo nhiều nhất là tiếp tục phải giữ vững địa bàn an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới, không để xảy ra các ổ dịch, đợt dịch lớn gây đổ vỡ hệ thống y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến KT-XH, đời sống dân sinh; tận dụng việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP để tiếp tục gia tăng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nền tảng địa bàn an toàn đã có và tái khởi động lại một số dịch vụ đã bị đứt gãy.

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, các lực lượng giữ vai trò nòng cốt, tiên phong, xung kích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 như y tế, quân đội, công an đã và đang tích cực phối hợp với các lực lượng liên quan xây dựng kế hoạch, phương án triển khai đảm bảo an toàn, thích ứng trong trạng thái bình thường mới.

Tại Hưng Yên, căn cứ vào các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết 28 và Hướng dẫn của Bộ Y tế, cấp độ dịch hiện nay của tỉnh Hưng Yên được xác định là cấp độ 2. Đối với cấp huyện, cấp xã, UBND tỉnh Hưng Yên giao UBND cấp huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn đánh giá, xác định cấp độ dịch trên địa bàn.

Theo đó, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thường xuyên rà soát, chủ động, sẵn sàng phương án, kịch bản đối với mọi tình huống dịch bệnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn quản lý, trên tinh thần 4 tại chỗ. Kiểm soát chặt chẽ biến động dân cư trên địa bàn, kịp thời phát hiện các đối tượng nguy cơ và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện tại các cơ sở cách ly tập trung nhằm ứng phó kịp thời tình hình dịch trên địa bàn. Khẩn trương rà soát kế hoạch thu dung, chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19, bảo đảm thu dung, điều trị F0 khi có dịch xảy ra. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch. Mỗi thôn lập một điểm hướng dẫn khai báo y tế. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sớm triển khai hỗ trợ người dân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh đang ở các tỉnh có dịch có nhu cầu hỗ trợ; lực lượng công an, y tế tổ chức đón công dân từ các tỉnh, thành phố có dịch về tỉnh an toàn, bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Tỉnh Yên Bái, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Yên Bái vừa có văn bản về việc điều chỉnh, bổ sung một số biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ khu vực có dịch Covid-19. Theo đó, để chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19, áp dụng từ 0h ngày 16/10.

Theo đó, người dân đến/về tỉnh Yên Bái không phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, và không phải thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tại các chốt kiểm dịch y tế.

Tại Đà Nẵng, đến ngày 15/10, Thành phố đã qua 14 ngày không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Căn cứ Quyết định số 4800 của Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, tạm thời xác định cấp độ dịch đối với 56/56 phường, xã trên toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) để áp dụng một số biện pháp tương ứng.

Tỉnh Bình Dương, ngày 16/10, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương ký văn bản khẩn liên quan tới nội dung công văn số 2628 hướng dẫn về việc theo dõi người cách ly tại nhà và cách ly y tế đối với các trường hợp nguy cơ vào địa bàn tỉnh do Sở ban hành vào ngày 15/10. Theo nội dung văn bản mới này, người nước ngoài nhập cảnh, các trường hợp đủ điều kiện xuất viện, hoàn thành thời gian điều trị COVID-19, trường hợp tiếp xúc gần với F0 từ các tỉnh, thành phố khác đến tỉnh Bình Dương... thuộc diện áp dụng cách ly y tế. Các trường hợp còn lại từ các tỉnh, thành phố khác đến Bình Dương thực hiện theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ.

Tại Cà Mau, UBND tỉnh này quy định người đến từ vùng nguy cơ thấp (cấp 1) và trung bình (cấp 2) không bắt buộc trình giấy xét nghiệm RT-PCR. Người đến Cà Mau từ vùng dịch cấp 3, 4 sẽ theo dõi sức khỏe tại nhà nếu đã tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19 hoặc F0 khỏi bệnh không quá 6 tháng. Người tiêm 1 mũi vaccine được cách ly 7 ngày bằng hình thức tập trung hoặc tại nơi cư trú nếu đủ điều kiện. Việc cách ly này sẽ kéo dài 14 ngày đối với người chưa tiêm vaccine (quyết định cũ 21 ngày).

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

Song Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN