Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Các biện pháp phòng ngừa đột quỵ khi trời lạnh

Thứ Ba, 27/02/2024 13:12 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) Để phòng ngừa đột quỵ trong thời tiết lạnh, cần chú ý giữ ấm cơ thể, ngủ trong phòng kín; tránh để nhiễm lạnh đột ngột khi ra khỏi chăn ấm, đi ra ngoài; lưu ý thời điểm “đen” khiến cơn đột quỵ dễ xảy ra như rạng sáng, nửa đêm

Thời tiết miền Bắc đang có những đợt rét sâu, rét đậm, do đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Trong số những bệnh mãn tính, vào mùa lạnh, đột quỵ à một nguy cơ cần đề phòng nhất.
Vì sao đột quỵ dễ xảy ra khi thời tiết chuyển lạnh? 
Nhiệt độ cơ thể, thân nhiệt, của con người luôn ổn định ở mức 37o C nhờ trung khu thần kinh điều hoà ở não bộ khiến sự sinh nhiệt và tiêu nhiệt cân bằng.
Trong môi trường quá lạnh hoặc quá nóng, những điều chỉnh sinh lý để duy trì thân nhiệt ổn định lại trở thành thách thức đối với những người mắc bệnh tim mạch hoặc có nguy cơ đột quỵ. Cụ thể, trời lạnh, nhiệt độ không khí thấp hệ thần kinh trực giao cảm, hệ chiến đấu, có phản xạ tăng tiết các catecholamine như adrenaline và noradrenaline làm co các mạch máu ngoại vi để giữ ấm cơ thể sẽ khiến nhịp tim tăng lên, tăng huyết áp, tim phải làm việc cật lực hơn, tăng nguy cơ đông máu trong lòng mạch…cuối cùng cơn đột quỵ xảy ra.
Đối với bệnh nhân có vấn đề về mạch vành, nhiệt độ thấp có thể dẫn tới các đợt thiếu máu cục bộ ở tim do cơ tim bị thiếu O2, gây các cơn đau thắt ngực, cơn đau tim cấp.
Nhiệt độ môi trường giảm nhanh chóng khiến người suy tim đang ổn định bỗng đột ngột diễn biến xấu, tăng nguy cơ nhập viện và thậm chí tử vong.
Với những người tăng huyết áp thời tiết thay đổi thất thường có thể làm huyết áp tăng cao hơn, dễ dẫn đến đột quỵ.
Những đối tượng nào có nguy cơ cao nhất?
Đó là người cao tuổi, do lưu lượng máu qua não giảm rất thấp, chức năng cơ thể suy yếu nên khó thích nghi với sự thay đổi của thời tiết. Không chỉ người già mà những ai có tiền sử cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, lạm dụng rượu bia, thuốc lá... cũng rất dễ bị đột quỵ.
Các biện pháp phòng ngừa đột quỵ khi trời lạnh
Để phòng ngừa đột quỵ trong thời tiết lạnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo, cần chú ý giữ ấm cơ thể, ngủ trong phòng kín; tránh để nhiễm lạnh đột ngột khi ra khỏi chăn ấm, đi ra ngoài; nên lưu ý những thời điểm “đen” khiến cơn đột quỵ dễ xảy ra như rạng sáng, nửa đêm. Đặc biệt cần lưu ý người cao tuổi hay có thói quen dậy sớm 5 - 6 giờ sáng đi ra ngoài tập thể dục điều đó là rất nguy hiểm.

Đột quỵ là căn bệnh phổ biến khi trời lạnh 

Bên cạnh đó, người mắc bệnh mãn tính cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đường huyết, stress, giữ cân nặng hợp lý, tập thể dục thể thao thường xuyên. Đặc biệt, tránh lạm dụng rượu bia bởi nếu uống nhiều trong thời tiết giá lạnh khiến chất cồn lưu lại trong máu lâu do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm khiến huyết áp tăng cao, dễ dẫn tới đột quỵ.
Thời tiết lạnh có thể khiến chúng ta nhanh đói do tiêu hao năng lượng nhiều hơn, hãy cung cấp năng lượng cho cơ thể bằng thực phẩm có thể giúp tăng nhiệt độ cơ thể giúp cơ thể cảm thấy ấm áp. Thức ăn mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa có thể giúp tăng nhiệt độ cơ thể và khiến chúng ta cảm thấy ấm hơn. Vì vậy nên ăn các loại rau xanh và trái cây, thực phẩm chứa nhiều omega-3, omega-6, chất béo tốt cho tim mạch, để phòng ngừa đột quỵ. 
Bên cạnh đó, bạn cũng nên ăn nhạt để tốt cho huyết áp và hoạt động của tim mạch. Không nên ăn những đồ ăn có chứa nhiều dầu mỡ, các loại đồ ăn chiên xào vì nó có thể làm tăng nguy cơ mỡ máu và hình thành cục máu đông. Ngoài ra, để ngừa đột quỵ vào mùa đông, cần lưu ý có chế độ ăn nhiều rau củ quả, hạn chế muối để tránh nguy cơ cao huyết áp - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Một chế độ ăn không quá nhiều muối, hạn chế thịt sữa, tránh xa thực phẩm chứa nhiều cholesterol, ăn thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước, tránh hút thuốc lá và rượu bia... Cùng với luyện tập thể dục đều đặn, hãy cố gắng duy trì tâm lý ổn định, tránh những xúc động hay chấn thương quá mức./.

 
NTT (Tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN