Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Các biện pháp phòng chống dịch trong doanh nghiệp đã được đảm bảo

Thứ Ba, 14/12/2021 10:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Toạ đàm với chủ đề “Sản xuất an toàn trong đại dịch” kết hợp trực tiếp và trực tuyến, nhằm làm rõ các doanh nghiệp ở TPHCM đang chủ động tổ chức phòng, chống dịch như thế nào, đâu là những khó khăn, vướng mắc và giải pháp để đảm bảo cho doanh nghiệp có thể sản xuất kinh doanh ổn định, bền vững, thích ứng an toàn với COVID-19.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (phải) tham gia Tọa đàm theo hình thức trực tuyến từ Nghệ An. Ảnh: Anh Đức

Bộ Y tế đang chuẩn bị kế hoạch phòng chống dịch trong tình hình mới

Tham gia trực tuyến từ Nghệ An, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian vừa qua, công tác phòng chống dịch ở nước ta nói chung và ở TPHCM nói riêng, ngoài sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân Thành phố thì có sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ LĐTB&XH và nhiều địa phương khác. Nhờ đó, đến nay, dịch ở TPHCM cơ bản được kiểm soát.

Đáng chú ý, với Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, chúng ta đã có các phương pháp, biện pháp hết sức cụ thể trong điều kiện bình thường mới hiện nay. Đồng thời, chúng ta triển khai chiến lược vaccine rất hiệu quả, đến nay đã tiêm vaccine cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên mũi 1 đạt khoảng 98% và mũi 2 đạt trên 78%. Cùng với đó, triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi với tỉ lệ mũi 1 đạt trên 64% và mũi 2 đạt trên 15%. Trong đó, TPHCM là 1 trong các địa phương đạt tỉ lệ tiêm vaccine bao phủ vaccine nhanh nhất và cao nhất.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và các nhà khoa học, tình hình dịch vẫn phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát đợt dịch mới, đặc biệt là sự xuất hiện biến chủng mới như Omicron. Do đó, kế hoạch chống dịch của chúng ta trong giai đoạn tới là làm sao thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả, thực hiện được mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa kiểm soát được dịch bệnh.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang chuẩn bị kế hoạch phòng chống dịch trong tình hình mới, để trình Chính phủ, với mục tiêu vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế xã hội và nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới. Đó là bảo vệ tối đa sức khoẻ, tính mạng của người dân và hạn chế thấp nhất ca tử vong, đồng thời giúp cho doanh nghiệp ổn định phát triển kinh tế và các hoạt động an sinh xã hội giúp cho người dân ổn định, các địa phương ngày càng phát triển.

Nói thêm về hiệu quả tiêm vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, các vaccine đều có tỉ lệ nhất định người đã tiêm vẫn mắc căn bệnh, đặc biệt trong môi trường sản xuất cũng như trong cộng đồng. Không có vaccine nào ngăn ngừa 100%. Chính vì vậy người dân đã tiêm đủ vaccine vẫn có thể mắc bệnh nhưng triệu chứng sẽ nhẹ hơn rất nhiều hoặc không có biểu hiện. Nhưng chúng ta không được lơ là chủ quan.

Thực tế, các doanh nghiệp đã chủ động đưa ra các biện pháp phòng chống dịch ở tất cả các cấp độ khác nhau để phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Các địa phương cũng đã chủ động hỗ trợ cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã được hướng dẫn cụ thể trong công tác phòng chống dịch, nâng cao hơn nữa nhận thức, khắc phục tồn tại, hạn chế để sản xuất và phòng chống dịch tốt.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tuyên, việc tự kiểm tra, giám sát của địa phương, doanh nghiệp là rất quan trọng, vì vậy Ban Chỉ đạo chống dịch từ cấp huyện cần tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, thường xuyên tổ chức diễn tập trong các tình huống cụ thể khác nhau (xuất hiện F0, xuất hiện F1) để đánh giá được nguy cơ. Thông qua kiểm tra giám sát đã tạo được động lực, giúp cho doanh nghiệp củng cố toàn diện hơn công tác phòng chống dịch, giúp cho công tác sản xuất được tốt hơn.

Đánh giá về việc triển khai phương án bảo đảm an toàn dịch bệnh trong sản xuất của các DN tại TPHCM, một đại diện khác của Bộ Y tế, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế Lương Mai Anh đánh giá cao công tác phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh ở TPHCM, đánh giá cao chính quyền Thành phố cũng như các ban ngành và bản thân các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã rất năng động, chủ động trong công tác này.

Theo Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng như Quyết định 4800 của Bộ Y tế, các doanh nghiệp trong TPHCM đã có những định hướng cũng như UBND Thành phố có ngay các hướng dẫn kịp thời từ đầu tháng 11 về các phương án phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như doanh nghiệp. Đây là cơ sở để doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong phòng chống dịch trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TPHCM thời gian vừa qua, mặc dù có những trường hợp mắc nhiễm ở các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như trong khu công nghiệp nhưng các trường hợp này, tỉ lệ trường hợp tiếp xúc gần sau đó ghi nhận trở thành người nhiễm đều không cao, chỉ 10%. Điều đó cũng cho thấy các biện pháp phòng chống dịch trong DN đã được đảm bảo để môi trường sản xuất an toàn trong thời gian vừa qua.

 Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Lương Mai Anh. Ảnh: Anh Đức

Thực tế có tình trạng doanh nghiệp còn giấu thông tin các ca nhiễm do lo ngại bị gián đoạn sản xuất

Đồng tình với nhận định, thực tế có tình trạng doanh nghiệp còn giấu thông tin các ca nhiễm do lo ngại bị gián đoạn sản xuất, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) Lương Mai Anh cho rằng đây là vấn đề phải giải quyết từ phía cả doanh nghiệp và từ phía chính quyền.

Theo đó, để hoạt động trong tình hình hiện này thì rõ ràng các doanh nghiệp phải chủ động trong các phương án phòng chống dịch của mình, phải có sự phối hợp rất chặt chẽ với cơ quan y tế cũng như chính quyền địa phương để chủ động xử lý tình huống mỗi khi có ca mắc mới.

Vấn đề thứ 2 là phải tổ chức diễn tập và tuyên truyền cho người lao động về các biện pháp phòng chống dịch tại doanh nghiệp, tiếp đó cần đưa những quy định này thành nội quy, quy định quy trình của doanh nghiệp để người lao động phải tuân thủ; bên cạnh đó, phải có cơ chế thẩm tra, giám sát, xử phạt đối với người lao động nếu họ không tuân thủ những quy định tại nơi sản xuất về phòng, chống dịch.

Một vấn đề nữa là vai trò và năng lực của cán bộ y tế tại doanh nghiệp cần được tăng cường; khi doanh nghiệp chủ động trong công tác này và có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thì doanh nghiệp cũng sẽ yên tâm và tránh việc giấu bệnh và gây lây lan cho doanh nghiệp và cho cộng đồng.

Đối với chính quyền địa phương, cần phải có những tổ tư vấn để tư vấn cho các doanh nghiệp trong phòng chống dịch bệnh, đồng thời địa phương cũng cần phải kiểm tra, giám sát việc triển khai thực tế ở doanh nghiệp và phải có chế tài xử phạt những cơ sở thực hiện không nghiêm những quy định này và làm lây lan dịch bệnh cho doanh nghiệp và lây lan cho cộng đồng, ảnh hưởng thiệt hại tới cộng đồng doanh nghiệp.

Nói về nguy cơ từ biến chủng Omicron, bà Lương Mai Anh cho rằng, chúng ta không nên lo lắng vì Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp để ứng phó với dịch bệnh. Chúng ta có thể theo dõi các thông tin trên trang thông tin điện tử của Bộ Y tế về biến chủng mới và các biện pháp ứng phó của Chính phủ được cập nhật trên đó. Trang thông tin điện tử của Bộ Y tế cập nhật thông tin tình hình dịch của tất cả các tỉnh, thành phố và đến tận cấp xã, phường và đây cũng là thông tin để doanh nghiệp có thể chủ động biết được tình hình dịch trên địa bàn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, chúng ta vẫn phải chủ động trong công tác phòng chống dịch tại cơ sở sản xuất. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa công tác tự kiểm tra, tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm ở tại nơi làm việc; tổ chức xét nghiệm sàng lọc các đối tượng có nguy cơ để phát hiện sớm các trường hợp mắc.

Thứ ba, phải chủ động trong việc chuẩn bị vật tư, trang thiết bị thiết yếu trong công tác phòng chống dịch để tránh bị động và cần áp dụng công nghệ trong phòng chống dịch trong các hoạt đông của công ty để ứng phó trong thời gian tới.

Thứ tư, không được chủ quan lơ là; phải thường xuyên tuyên truyền cho người lao động nâng cao nhận thức trong phòng chống dịch và điểm cuối cùng là nâng cao năng lực của hệ thống y tế.

Vấn đề nữa là tổ chức trạm y tế lưu động tại các khu công nghiệp. Đây cũng là một trong những nội dung được đưa vào tiêu chí đánh giá năng lực đáp ứng của y tế các tỉnh khi đánh giá các cấp độ dịch. Thực tế các doanh nghiệp yên tâm hơn khi có trạm y tế tại khu công nghiệp và giảm áp lực cho y tế địa phương. “Tôi thấy cần phải được nhân rộng mô hình trong thời gian tới để chúng ta có thể chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị đứt gãy”, bà Lương Mai Anh nhấn mạnh./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN