Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cả nước có gần 200 nghìn doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng BHXH

Thứ Sáu, 24/11/2023 12:32 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Trong năm, 2022 riêng số đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH kéo dài 3 năm lên tới 56% và trên phạm vi cả nước có tới 198 nghìn doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng BHXH.

 Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: QH 
Phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 23/11 về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đôi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn góp ý về hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH và cho biết, số doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH trong giai đoạn 2016-2022 khoảng gần 10 nghìn tỷ đồng/ năm. Trong năm, 2022, riêng số đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH kéo dài 3 năm lên tới 56% và trên phạm vi cả nước có tới 198 nghìn doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng BHXH.

Về những hệ lụy mà người lao động phải gánh chịu, đại biểu cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, chỉ tính riêng số người lao động bị chậm đóng bảo hiểm trong năm 2022 lên tới 2,6 triệu người và trong đó số tiền khó có khả năng thu hồi do doanh nghiệp đã giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn là 2.500 tỷ đồng.

Góp ý về hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH tại điểm c, khoản 2 Điều 36, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định này để tránh xung đột với các quy định khác trong hệ thống pháp luật. Đại biểu lo lắng nếu như quy định như dự thảo thì doanh nghiệp có thể lợi dụng và đưa ra lý do kinh doanh khó khăn nên không có khả năng đóng, do đó sẽ không thể xử lý được hành vi trốn đóng BHXH.

Về hoãn xuất cảnh tại Điều 37, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị cần quy định rõ hơn về vấn đề này để không mâu thuẫn đối với việc hoãn xuất cảnh theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị cùng với việc sửa Điều 13 của Luật BHXH, kiến nghị với Quốc hội trong lần này sẽ đưa vào Điều 135 của dự thảo Luật sửa đồng thời Bộ luật Tố tụng dân sự và sửa Luật Công đoàn. Theo đó, đề nghị giao cho công đoàn các cấp có quyền đứng ra khởi khiện chứ không chỉ là công đoàn cấp cơ sở như hiện nay. Đồng thời quy định nếu như công đoàn đứng ra khởi kiện rồi thì không cần phải có ủy quyền của người lao động.

Liên quan việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Trần Thị Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết, nhìn chung đại biểu tán thành với dự án luật trình Quốc hội lần này khi tiếp tục có những quy định về để mở rộng đối tượng tham gia theo tinh thần của Nghị quyết số 28 và phù hợp với Bộ luật lao động năm 2019, trong đó có nhóm người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ một tháng trở lên thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Các ĐBQH thảo luận tại hội trường. Ảnh: QH 

“Tuy nhiên quá trình triển khai trên thực tế cần có những điều chỉnh và có thể cân nhắc để bảo đảm tính tương thích, khả thi khi quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đó là đối với nhiều dự án, công trình cụ thể ở các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, nơi có ít nhà máy, công ty…, ít có điều kiện để người lao động có thể làm việc dài hạn, khi triển khai, người sử dụng lao động phải huy động lao động nông nhàn theo mùa vụ và theo quy định phải đóng bảo hiểm xã hội cho họ.”, đại biểu Trần Thị Hiền cho biết.

Theo đại biểu, việc tham gia cũng trên cơ sở ở mức lương không cao do chủ yếu làm các công việc đơn giản, hoạt động chân tay từ 03 đến 06 tháng. Khi dự án, công trình kết thúc, người lao động lại quay trở về với công việc đồng áng thường ngày và gần như rất ít có cơ hội quay lại tiếp tục tham gia thị trường lao động để có thể đóng bảo hiểm xã hội, kể cả là tham gia bảo hiểm tự nguyện.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc để có thể phân loại và quy định thêm một số điều kiện để cho phép một số trường hợp cụ thể nên trao quyền cho người lao động được lựa chọn việc nhận tiền công bao gồm cả phần bảo hiểm xã hội để thu nhập được tốt hơn thay vì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

BL

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN